Mỏi mắt tìm chỗ đậu xe ở TPHCM

04/04/2022 - 06:34

PNO - Tình trạng thiếu chỗ đậu xe ở TPHCM, nhất là ở khu trung tâm của thành phố, ngày càng nan giải. Hình ảnh thường thấy là ô tô xếp hàng dài dọc các tuyến phố, xe máy ken đặc trên vỉa hè, lấn hết lối của người đi bộ.

Chạy lòng vòng tìm chỗ đậu 

Nhiều người chạy ô tô than, tìm được chỗ đậu xe ở trung tâm TPHCM là cực kỳ khó. Anh Hiếu (TP. Thủ Đức) kể, do cơ quan ở đường Lý Tự Trọng, Q.1 nên mỗi ngày đi làm, anh đều vất vả tìm chỗ đậu xe: “Thường tôi phải đi từ sớm để trừ hao khoảng nửa giờ tìm chỗ đậu xe. Hôm nào hên thì tìm được chỗ đậu ngay cơ quan, nhưng nhiều khi chạy lòng vòng cả tiếng đồng hồ dọc các đường xung quanh cũng không kiếm được chỗ đậu. Có lúc, vừa thấy chỗ trống, định đưa xe vào thì tài xế khác tranh mất. Có bữa, tôi phải gửi xe ở đường Thi Sách cách đó vài cây số rồi lội bộ đến cơ quan, trễ họp”.

Việc thiếu bãi đậu xe nghiêm trọng khiến ô tô phải đậu đầy trên các tuyến đường ở trung tâm TP.HCM (trong ảnh: Ô tô đậu đầy đường Công trường Lam Sơn đoạn gần Nhà hát thành phố (Q.1) - ẢNH: P.T.
Việc thiếu bãi đậu xe nghiêm trọng khiến ô tô phải đậu đầy trên các tuyến đường ở trung tâm TPHCM (trong ảnh: Ô tô đậu đầy đường Công trường Lam Sơn đoạn gần Nhà hát thành phố (Q.1) - Ảnh: P.T.

Chị Thảo - nhân viên một công ty truyền thông - cho biết, rất ngán chạy xe vào trung tâm thành phố. Có lần, chị chạy đến Q.1 để dự hội thảo ở khách sạn Sheraton nhưng không tìm được chỗ đậu ở các đường xung quanh như Đông Du, Nguyễn Thiệp, Mạc Thị Bưởi, đành gửi xe ở tầng hầm khách sạn Sheraton, chịu mức phí 200.000 đồng cho hơn một giờ gửi xe. 

Rảo quanh các tuyến đường ở khu trung tâm TPHCM, ta sẽ thấy nhu cầu đậu xe của người dân lớn đến mức nào. Trên hai tuyến đường Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên dọc công viên 30/4, Q.1, ô tô xếp hàng dài hai bên đường bất chấp biển cấm đậu xe ở đây. Tương tự, đường Phạm Hồng Thái, Q.1 có biển cấm dừng, cấm đậu xe từ 6 - 22g nhưng ô tô vẫn đậu đầy hai bên. Đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Q.1 cũng bị cấm đậu xe, nhiều đoạn cấm cả dừng và đậu, nhưng hai bên đường đậu kín ô tô, còn trên vỉa hè đậu tràn xe máy. 

Các tuyến đường xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ như Mạc Thị Bưởi, Lê Lợi, Đồng Khởi đều cấm đậu xe (cả ngày hoặc theo giờ) nhưng thường xuyên thấy ô tô đậu bên đường. Không chỉ ô tô cá nhân mà xe taxi, Grab cũng phải lòng vòng tìm chỗ đậu hoặc đậu bừa trên tuyến đường cấm. Anh Hiếu cho rằng, không tài xế nào cố tình đậu sai quy định cả, nhưng do không thể tìm được chỗ đậu mà công việc đang gấp nên đành đậu bừa. 

Để giải quyết nhu cầu đậu xe ở khu trung tâm thành phố, từ năm 2018, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã cho phép đậu ô tô có thu phí trên 23 tuyến đường, trong đó có 13 tuyến thuộc Q.1. Tuy nhiên, việc lấy lòng đường làm nơi đậu xe cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu, lại khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng.

Ngoài ra, với mức phí tính theo giờ, nếu một người muốn gửi xe 8 giờ/ngày thì phải tốn ít nhất 250.000 đồng/ngày (mức phí đối với ô tô con là 25.000 đồng/giờ cho hai giờ đầu, 30.000 đồng/giờ cho hai giờ tiếp theo và 35.000 đồng/giờ kể từ giờ thứ năm trở đi).

Tình trạng thiếu chỗ đậu xe cũng gây nên sự xung đột giữa người lái xe với người dân có nhà hoặc điểm kinh doanh ở mặt tiền các tuyến đường cho phép đậu xe. Cách đây chưa lâu, một phụ nữ đã dùng búa đập ô tô đậu trước cửa nhà trên đường Lý Văn Phức, Q.1, gây “bão” trên mạng.

Có cầu nhưng không có cung 

TP.HCM chưa xây được bãi đậu xe taxi nào nên các tài xế taxi thường phải đậu xe trên những tuyến đường cấm đậu (trong ảnh: Do thiếu bãi đậu nên nhiều taxi phải đậu trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) - nơi có biển cấm đậu xe từ 6-22g) - ẢNH: P.T.
TPHCM chưa xây được bãi đậu xe taxi nào nên các tài xế taxi thường phải đậu xe trên những tuyến đường cấm đậu (trong ảnh: Do thiếu bãi đậu nên nhiều taxi phải đậu trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) - nơi có biển cấm đậu xe từ 6-22g) - Ảnh: P.T.

Các chuyên gia cho rằng, những xung đột về chỗ đậu xe hoặc tình trạng đậu xe sai quy định như hiện nay có phần lỗi của ngành giao thông. Họ đã “bỏ quên” việc đáp ứng nhu cầu hết sức thiết yếu của người dân về chỗ đậu xe. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM), hạ tầng giao thông đô thị phải đảm bảo cả “giao thông động” và “giao thông tĩnh”, tức phải có đủ đường sá cho xe chạy và đủ chỗ đậu xe. Do nguồn cung cho “giao thông tĩnh” quá ít nên không tránh khỏi tình trạng xe đậu tràn lan trên vỉa hè và lòng đường, giống như nước phải tràn hồ khi hồ không đủ sức chứa. 

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - thừa nhận, sự phát triển của hệ thống giao thông cả động và tĩnh đều không theo kịp sự gia tăng phương tiện đường bộ thời gian qua. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, TPHCM tăng thêm 112 ô tô và 590 xe máy. Bãi đậu xe thiếu hụt trầm trọng, nhưng nhiều năm nay, thành phố gần như không đầu tư được bãi đậu xe công cộng nào ở khu trung tâm. Đến nay, tổng diện tích bãi đậu ô tô toàn thành phố chưa đầy 2,7ha, chỉ đạt 0,5% so với quy hoạch (520ha). Theo quy hoạch, đến năm 2020, TPHCM phải xây được 15 bãi đậu xe taxi trên tổng diện tích 31ha nhưng đến nay, chưa xây được mét vuông nào.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, sự quá tải của hạ tầng “giao thông tĩnh” đòi hỏi chính quyền TPHCM phải gấp rút tăng thêm bãi đậu xe ở nội đô. Đất ở trung tâm đều là “đất vàng”, giá trị cao nên để làm bãi đậu xe, cần tính đến việc tăng cường khai thác hiệu quả khoảng không trên cao hoặc không gian ngầm phía dưới. TPHCM có đủ năng lực và công nghệ để xây dựng các bãi đậu xe ngầm vì đã từng làm hầm Thủ Thiêm, đường hầm metro. Tuy nhiên, các dự án ngầm thường mất nhiều thời gian do vốn đầu tư lớn, thủ tục phức tạp, việc quy hoạch không gian ngầm chưa hoàn thiện. 

Do đó, để “chữa cháy”, theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, có thể triển khai nhanh các dự án xây nhà đậu xe cao tầng vì không đòi hỏi mặt bằng lớn, kỹ thuật không quá phức tạp và thời gian thi công khá nhanh. Chẳng hạn, nhà để xe cao 5 tầng tại sân bay Tân Sơn Nhất có thể đậu được gần 2.000 ô tô và 6.000 xe máy, chỉ thi công trong vòng mười tháng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Nếu đáp ứng tốt nhu cầu đậu xe, sẽ hạn chế được tình trạng xe máy tràn lan trên vỉa hè và xe hơi đậu dài ở lòng đường, tạo điều kiện cho xe cộ lưu thông thuận tiện hơn và bộ mặt đô thị cũng đẹp đẽ, thông thoáng hơn. Nghịch lý hiện nay là chính quyền không đáp ứng được nhu cầu đậu xe của người dân nhưng lại cứ đè dân ra xử phạt lỗi đậu xe sai quy định. 

Bãi đậu xe ngầm “trên giấy”

Từ năm 2004, UBND TPHCM đã quy hoạch tám vị trí xây bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm thành phố nhưng do vướng không gian ngầm của một số dự án khác nên đã điều chỉnh còn bốn bãi: ở công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư. Theo tính toán, bốn bãi này đáp ứng được chỗ đậu cho 6.300 ô tô và 4.000 xe máy. 

Đến năm 2019, UBND TPHCM quyết định “khai tử” thêm một dự án nữa là bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám.

Lý giải việc gần 20 năm qua, các dự án bãi đậu xe ngầm vẫn “nằm trên giấy”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, hầu hết nhà đầu tư không mặn mà với dự án do thủ tục kéo quá dài. Chẳng hạn, với dự án bãi đậu xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng, Q.1, riêng thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy đã mất hai năm, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng mất 5 năm.

Đó là chưa kể, dự án phải điều chỉnh nhiều lần do vướng quy hoạch ngầm của các dự án khác, làm phát sinh nhiều chi phí mới. Vốn đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm cũng cao gấp nhiều lần bãi đậu xe thông thường. Trong khi đó, mức phí đậu xe được duyệt lại quá thấp, khiến nhà đầu tư khó thu hồi vốn.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI