Mở cửa, đừng thả cửa

24/09/2021 - 07:04

PNO - Khi các địa phương mở cửa để bắt đầu “trạng thái bình thường mới”, khôi phục sản xuất, kinh tế, rất cần ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân cũng như lãnh đạo chính quyền các cấp.

Lạc quan thái quá 

Theo thống kê của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia ngày 23/9, TPHCM đã có trên 97% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1 và trên 30% tiêm mũi 2. Công tác tiêm chủng vẫn đang tiếp diễn dựa trên nguồn vắc xin do Bộ Y tế phân bổ. Việc tiêm phủ vắc xin được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để TPHCM tiến tới mở cửa trong tương lai gần. 

Hiện TPHCM đã áp dụng thẻ xanh COVID tại quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Kết quả thí điểm thẻ xanh COVID sẽ là căn cứ quan trọng để có giải pháp “sống chung với COVID-19” sau ngày 30/9. 

Biển người đổ xô đi chơi Trung thu ở TP.Hà Nội trong ngày đầu tiên dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Ả NH: BẢO KHANG
Biển người đổ xô đi chơi Trung thu ở TP. Hà Nội trong ngày đầu tiên dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - Ảnh: Bảo Khang

Mở cửa, sống chung như thế nào cho an toàn là điều rất đáng quan tâm. “Biển người” đổ xô chơi tết Trung thu ở TP. Hà Nội vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo về sự lơ là cảnh giác với virus SARS-CoV-2 và bệnh COVID-19. 

Sáng 21/9, khi TP. Hà Nội dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các rào chắn, chốt chặn được gỡ bỏ, dịch vụ kinh doanh được phép hoạt động trở lại, ông Nguyễn Văn Phong - Phó bí thư Thành ủy TP. Hà Nội - chia sẻ điều đáng lo nhất là có thể xảy ra tình trạng lạc quan thái quá của người dân cũng như của các cấp, ngành.

Theo ông, dù đã triển khai tiêm chủng “thần tốc” nhưng toàn TP. Hà Nội vẫn chưa đạt được tiêu chí trở lại “trạng thái bình thường mới” của Bộ Y tế, tỷ lệ người đã tiêm chủng mũi hai vẫn còn thấp. Do đó, phải hết sức thận trọng khi chủ động chung sống với COVID-19. 

Tối cùng ngày, hình ảnh người dân kẹt cứng trên nhiều tuyến phố đã khẳng định, lo lắng của ông Nguyễn Văn Phong là có thật. Thậm chí, nhiều chuyên gia y tế phải lên tiếng cảnh báo, Hà Nội có thể phải trả giá đắt về sự kiện “vui Trung thu” trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp này.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng có thể do người dân có tư tưởng chủ quan, nghĩ rằng đã tiêm vắc xin thì không mắc và không lây nhiễm COVID-19. Sau sự kiện này, ngành y tế TP. Hà Nội phải giám sát xem dịch có bùng phát hay không.

Kiên trì 5K, tăng cường hậu kiểm

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội - khẳng định không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc xin phòng COVID-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85 - 87%. 

Ngay kể cả khi tiêm đủ hai mũi vắc xin, hiệu quả bảo vệ vẫn còn tùy thuộc khả năng đáp ứng miễn dịch của từng người. Chẳng hạn, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới sáu tuần, hiệu lực đạt 55,1%; sau 6-8 tuần, đạt 59,7% và sau 12 tuần, đạt 80%.

Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, bởi trong cộng đồng, vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm vắc xin, chẳng hạn trẻ dưới 18 tuổi.

Nói cách khác, dù đã tiêm chủng, vẫn phải tiếp tục phòng, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho bản thân, gia đình và cộng đồng, phải tiếp tục thực hiện nguyên tắc 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, không tụ tập, khai báo y tế).

Người dân chen chúc mua đồ trên phố Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội trong đêm Trung thu - ảnh: Bảo Khang
Người dân chen chúc mua đồ trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội trong đêm Trung thu - Ảnh: Bảo Khang

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho hay tới đây, khi “mở cửa” trở lại, vấn đề quan trọng vẫn là tiêm đủ hai mũi vắc xin cho người dân. Song song với quá trình này, địa phương cần phân luồng, quy định cụ thể cho từng đối tượng.

“Cần quy định người chưa tiêm, người tiêm một mũi được hoạt động, di chuyển trong khu vực và khung giờ nào; các cơ sở kinh doanh dịch vụ được tập trung bao nhiêu người. Ví dụ, một sân đá bóng ở châu Âu có sức chứa tới 50.000 người nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, họ chỉ cho phép 20.000 người vào sân, là những người khỏe mạnh và được chích ngừa” - bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu quan điểm.

Sau khi người dân ùn ùn đổ ra đường chơi Trung thu, ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội - thừa nhận một số địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Ông cũng nhấn mạnh, UBND các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, để hậu kiểm có hiệu quả, khai báo y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh truy vết đường lây của COVID-19, đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng hậu kiểm, xử phạt các đơn vị liên quan: “Từ một ca bệnh, có thể quay ngược lại kiểm tra xem các điểm đến của họ đã đúng theo quy định chưa, việc phòng dịch ở các điểm đến này như thế nào, có vượt quá số người theo quy định, có cho người chưa tiêm vắc xin vào hay không”. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, khi thấy mình ở khu vực có nguy cơ mắc COVID-19, người dân cần tự theo dõi sức khỏe, tránh di chuyển, tránh tụ tập nơi đông người để tránh khả năng lây lan dịch bệnh. 

Người dân chủ quan, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 sáng 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các cơ quan chức năng đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sáu nguyên tắc phải quán triệt để xây dựng hướng dẫn, trong đó y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trên phạm vi cả nước, cơ bản tình hình dịch đang được kiểm soát và đạt nhiều kết quả tích cực. Hai tuần gần đây, số ca tử vong và mắc trong cộng đồng liên tiếp giảm. Nhiều tỉnh chuyển trạng thái theo tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 tại TPHCM vẫn phức tạp, dù một số chỉ số chuyển biến tích cực như số ca tử vong giảm. Hiện việc tổ chức các biện pháp chống dịch tại một số địa phương vẫn là khâu yếu. Một số địa phương khi nới lỏng giãn cách, người dân còn chủ quan, ra đường tụ tập đông người, khiến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Sẽ diễn tập trước khi Phú Quốc đón khách du lịch quốc tế 

Tối 23/9, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, hiện tại, Phú Quốc có tổng cộng 69 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, các trường hợp này đều nằm trong khu vực cách ly, đã được khu trú trước đó. TP. Phú Quốc cũng đã có quyết định thực hiện Chỉ thị 16 đối với phường An Thới. Các khu vực có ca F0, F1 vẫn giữ lệnh phong tỏa, kiểm soát chặt, tránh làm lây lan dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Phú Quốc đã quyết định thành lập các trạm y tế di động. Trạm này có nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mắc bệnh thông thường. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm COVID-19, hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xử trí khi có kết quả dương tính; tổ chức tiêm chủng và quản lý danh sách tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa bàn được giao, hướng dẫn người dân tự chăm sóc tại nhà, tự phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19. 

Theo ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, hiện tại, Phú Quốc đã tiêm vắc xin cho khoảng trên 30% số dân, số còn lại (khoảng 109.000 người từ 18-65 tuổi và trên 3.000 người trên 65 tuổi) dự kiến sẽ tiêm trong đợt sắp tới. Bộ Y tế đã có thông báo và đang chờ chuyển vắc xin về địa phương. Tỉnh chỉ đạo trong 3 ngày phải tiêm dứt điểm 100% mũi một cho người dân TP. Phú Quốc.

“Cùng với đó, địa phương cố gắng tiêm vắc xin phủ 100% cho TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và huyện Giang Thành. Kế hoạch dự kiến từ ngày 24/9 đến 5/10”, ông Phúc thông tin. 

Về việc mở cửa đón khách du lịch trở lại Phú Quốc, đại diện Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, dự kiến từ ngày 1-10/11, quy trình đón khách từ sân bay về khách sạn ở Phú Quốc sẽ được tổ chức diễn tập trước khi mở cửa chính thức.

Trong giai đoạn thí điểm, Phú Quốc dự kiến chỉ đón khách đi du lịch thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác. Khách du lịch quốc tế tham gia chương trình sẽ nhập cảnh bằng đường hàng không thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến hoặc chuyến bay thương mại…

Đông Phong

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI