Miền Trung khát cháy trong cái nóng 40 độ C

22/05/2020 - 07:41

PNO - Mới đầu hè mà cái nóng 40 - 41 độ C đã trùm khắp miền Trung. Nghe tin nắng nóng gay gắt có thể kéo dài đến tháng Tám, nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.

 

Ông Hồ Long - một nông dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉ nh Thừa Thiên - Huế) - ngồ i giữa thửa đất ruộng nứt nẻ do nắng hạn kéo dài - ẢNH: THUẬN HÓA
Ông Hồ Long - một nông dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - ngồi giữa thửa đất ruộng nứt nẻ do nắng hạn kéo dài - Ảnh: Thuận Hóa

Đâu đâu cũng thiếu nước

Nắng đứng sựng. Từ gần trưa đến đầu chiều, người ra đường chạy như bị nắng đuổi. Dân lo thiếu nước sinh hoạt, nhưng ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng - trấn an: “Đến nay, chúng tôi vẫn đảm bảo cấp cho thành phố 300.000 khối nước/ngày đêm”.

Nước chưa thiếu, nhưng trẻ nhập viện thì nhích dần lên. Số bệnh nhi khám và nhập viện tại Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng các ngày 18, 19 và 20 lần lượt là 334, 575 và 477 người. Con số này tăng gấp đôi so với mức trung bình mỗi ngày của tháng trước. Người ta tìm ra các gầm cầu dọc sông để tránh nắng và mong mưa. Bà Nguyễn Thị Nhân - ở phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng - nói: “Hôm qua tưởng mưa, ai ngờ ông trời phỉnh”. 

Các nhà máy thủy điện tại tỉnh Quảng Nam, do khô hạn cục bộ, bắt đầu thiếu hụt nguồn nước dự trữ. Vụ hè thu với hơn 4.000ha lúa đang vào giai đoạn đổ ải, nông dân lo thắt ruột. Ông Trần Văn Tiến - ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - than: “Sắp tới gieo sạ mà nắng kiểu ni là chết ngay. Chính quyền làm răng chứ thủy điện cứ xả nước ậm ừ là dân úp om”.

Người lao động nghèo vất vả mưu sinh giữa trưa hè nắng nóng
Người lao động nghèo vất vả mưu sinh giữa trưa hè nắng nóng

Ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam - cho biết, trước tình trạng khô hạn xảy ra trên diện rộng như hiện nay, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ứng phó, đặc biệt là yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc điều tiết nước về vùng hạ du, sao cho vừa đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt, vừa đảm bảo cung ứng điện năng cho quốc gia.

Chưa năm nào, người dân ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi lại chật vật vì thiếu nước ngọt nghiêm trọng như năm nay. Mạch nước ngầm đã tụt sâu từ tháng Hai âm lịch thay vì tháng Sáu hoặc tháng Bảy âm lịch như các năm. Cả xã chỉ vài ba cái giếng còn nước; nhà nhà, người người thi nhau đến múc, chở về nhà dự trữ. Chị Phạm Thị Yến đang tranh thủ vét từng gàu nước, than: “Bây giờ đi làm chỉ được một buổi, còn buổi kia lo kiếm nước uống, khổ lắm!”. 

Cách đó nhiều chục cây số, người dân ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ cũng khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Giếng đào gần 50m cạn tận đáy, chỉ còn ít nước bị nhiễm phèn, người dân cũng chắt chiu để dành giải cơn khát cho vật nuôi, nhưng mỗi ngày chỉ cho chúng uống được một lần.

Gánh nặng âu lo hằn lên trên gương mặt ông Dương Hiển Bình khi năm sào ruộng nứt nẻ, mấy ao nuôi cá cũng trơ. Cá chết khô, phơi cong xương trên kẽ đất nứt toác. “Ao này tôi đào mười năm, không bao giờ cạn, nuôi cá, vịt quanh năm, nhưng năm nay thì không còn giọt nước” - ông nói như chưa từng tin có thể xảy ra chuyện này.  

Nắng nóng bò ra tới đảo. Nạn khoan giếng bừa bãi hàng chục năm qua khiến nước ngầm không còn, giờ thêm nắng nóng đã cuốn dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào vòng bỏng rát với tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất trầm trọng.

Người dân xã Nghĩa Thắng, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đang khốn đốn do thiếu nước sinh hoạt
Người dân xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đang khốn đốn do thiếu nước sinh hoạt

Ông Đặng Tấn Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết, năm 2014, toàn huyện có 546 giếng thì đến cuối tháng 4/2020, đã tăng lên 2.100 giếng. Số lượng giếng tăng nhanh khiến trữ lượng nước ngầm bị khai thác vượt mức cho phép. Lượng nước được phép sử dụng theo khuyến cáo chỉ ở mức 16.000m3/ngày nhưng hiện nay, lượng nước khai thác thực tế hơn 23.000m3/ngày. Nước thiếu hụt, không còn cách nào khác, UBND huyện đang vận động người dân chuyển đổi từ trồng hành, tỏi sang những loại cây khác như dưa hấu, lạc, tăng cường trồng rừng, trồng cây xanh, đầu tư xây dựng hồ chứa nước… 

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi dự báo, toàn tỉnh sẽ có 6.670ha cây trồng bị hạn nặng, 7.450 người thiếu nước sinh hoạt và gần 9.000 vật nuôi thiếu nước uống. Sở NN&PTNT tỉnh này đã đề xuất UBND tỉnh xin trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để phòng chống hạn, mặn và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Giữ được nước, chọn loại giống hợp lý, may ra…

Khốc liệt nóng. Đó là lời thốt lên của dân xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lực lượng quân đội đóng tại huyện Phù Mỹ phải huy động phương tiện, xe cộ để chở nước cứu khát hằng tháng cho người dân. Những lúc bộ đội chưa chở kịp nước về, người dân phải dùng can, xô, chậu để đi mua. “Hiện toàn xã có đến 3.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, có 2.500 hộ tại 16 thôn đang thiếu nước nghiêm trọng” - ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho hay. 

Ông Lê Minh Sơn (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) nói: “Ngày nào tôi cũng phải chạy xe máy hơn 3km để mua từng can nước về dùng, rất tốn kém. Mấy năm nay, cứ vào mùa khô là phải lo chuyện nước nôi, chẳng làm ăn gì được”. Ông Ngô Tùng Ngà (62 tuổi, cùng thôn) thì dùng ghe, ngày hai bữa chạy dọc các con sông lên xã Cát Minh để mua nước.

Ông Ngà than: “Hai năm nay, hạn hán nặng hơn nên mạch nước ngầm bị nước biển xâm nhập, giếng khoan bỏ không. Cứ qua một năm, mạch nước ngầm lại nhiễm mặn sâu thêm vào đất liền. Những người có điều kiện thì tìm chỗ đất chưa bị nhiễm mặn khoan giếng, bắc ống về dùng, còn không thì phải đi mua nước”. 

Ở cánh đồng Trung Ái, xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, vợ chồng bà Lưu Thị Thảo kiệt sức vì chạy nước cứu 22 sào lúa non.

Dưới cái nắng gần 40 độ C, bà Thảo chỉ tay vào đám ruộng nứt nẻ, than: “Nắng khủng khiếp. Hai ngày nay, tôi với chồng phải bơm nước cứu lúa trắng đêm. Cả cánh đồng hàng trăm héc-ta mà phần lớn bị nứt nẻ hết”.

Ruộng đồng ở tỉnh Bình Định nứt nẻ do hạn hán
Ruộng đồng ở tỉnh Bình Định nứt nẻ do hạn hán

Ông Hồ Đắc Chương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định - cho hay: “Theo dự báo, mùa khô năm 2020 sẽ không có mưa tiểu mãn (cuối tháng Năm âm lịch) nên sẽ xảy ra hạn nặng ở khu vực Nam Trung bộ, nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh Bình Định trở vào đến Bình Thuận.

Hiện toàn tỉnh Bình Định có khoảng 6.500 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, trong đó có gần 3.000 hộ ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây của huyện Phù Mỹ, trên 500 hộ ở xã Ân Tường Tây, Ân Tín của huyện Hoài Ân, 2.000 hộ ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, 1.000 hộ ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Nếu nắng nóng vài tháng nữa, không biết dân sẽ cầm cự ra sao”.

Tại chảo lửa Nghệ An, đường sá như bị giới nghiêm. Các tuyến phố ở thành phố Vinh trở nên vắng ngắt, ai ra đường cũng trùm kín như nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ngăn vi-rút corona. Những tuyến phố kinh doanh sầm uất vắng bóng khách. Đầu giờ trưa, nhiều cửa hàng đồng loạt buông rèm che chắn trước cửa nhà, chẳng còn mặn mà trưng hàng đón khách.

Khổ nhất là dân xây dựng. Lịch làm việc thay đổi hết: làm sớm, nghỉ sớm rồi ra công viên trốn nắng. “Trời này về phòng trọ không có máy điều hòa thì ngủ sao nổi. Chị em chúng tôi mấy hôm nay đều phải tranh thủ ngủ ở công viên” - chị Trần Thị Phương, phụ hồ, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nói.

 Đang vào mùa thu hoạch lạc. Nắng như chẻ tóc. Nông dân chỉ còn cách ra đồng lúc chiều muộn hoặc nửa đêm để thu hoạch hoa màu và lúa. Có hơn 2 mẫu lạc, gia đình bà Phan Thị Mận ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc phải chờ buổi tối, mang đèn pin kéo nhau ra ruộng thu hoạch. “Mất ngủ nhưng ráng chịu thôi, còn hơn đổ bệnh vì nóng chú ơi” - giọng bà Mận khan đi vì nóng.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Nghệ An, mỗi ngày, khoa Khám bệnh khám cho 800 - 1.000 bệnh nhân, trong đó có khoảng 500 trẻ với các bệnh viêm da, ho, sốt, tiêu chảy; đặc biệt, nhiều trẻ mắc tay chân miệng, thủy đậu.

Lửa nắng không chừa nơi nào. Bà Trần Thị Hồng - ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - giọng héo ra: “Nhà có năm sào ruộng thì chỉ làm được một vụ vì thiếu nước. Có gần hai sào chuyển qua trồng dưa thì hạn quá, chết khô hết. Tiền công, tiền giống cũng mất gần 3-4 triệu đồng rồi”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, đợt hạn năm nay, có hơn 2.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.000ha lúa thiếu nước trầm trọng, có nguy cơ mất trắng. 

Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, hạn nặng khiến 2.000ha lúa đất vùng gò đồi của các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, Phong Điền thiếu nước trầm trọng. Nhiều nơi của huyện Phong Điền, nông dân đã bỏ ruộng vì không có nước tưới.Các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng thiệt hại không kém. Ông Lê Quang Lam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị - cho biết, nếu không mưa, khả năng mất trắng khoảng 300ha lúa và hoa màu trong vụ hè thu ở các xã vùng gò đồi các huyện Hải Lăng, Hương Hóa, Gio Linh là khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, đến nửa cuối tháng 5/2020, toàn huyện có hơn 204ha lúa nước bị khô hạn, trong đó 105,79ha nứt nẻ và 98,28ha thiếu nước nhưng còn độ ẩm trong đất, 1.088 hộ nông dân bị ảnh hưởng. “Phải tận dụng tất cả các phương tiện để dự trữ nước, trước mắt là để gieo sạ vụ hè thu” - bà Trần Thị Thúy, ở xã Phú Gia, huyện Phú Vang, nói.

Nắng hạn đến hẹn lại lên. Nếu nông dân miền Trung vẫn theo lối canh tác cũ, với giống hoa màu cũ, khi nóng càng dữ dội, thiệt hại càng tăng thêm. Vấn đề đặt ra là phải làm khác đi. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, thuộc Đại học Huế - nhận định: “Bắt buộc phải tìm cách giữ nguồn nước và chọn giống hợp lý để vượt hạn, không thể mãi thế này được”. 

Minh Ngọc Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI