Miền trầm tích Cần Giờ, còn bao điều chưa viết…

27/08/2022 - 07:36

PNO - Vùng đất phía đông nam thành phố là một nơi chốn thật đặc biệt: có biển, núi, lại có rừng. Nơi đây chứa đựng bao giá trị văn hóa, và đã trải qua thăng trầm cùng thành phố, nhưng chưa được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Về nghe chuyện từ trăm năm

Trại sáng tác chủ đề Thành phố tôi của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM năm 2022 chọn Cần Giờ làm địa điểm tạo cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm về thành phố. Ngoài khoảng cách địa lý khá xa trung tâm, Cần Giờ còn là vùng đất chứa đựng biết bao câu chuyện về lịch sử - văn hóa của đất và người. Nơi này mang dấu ấn của văn hóa Óc Eo, theo ghi chép của Chu Đạt Quang trong Chân Lạp phong thổ ký, 2.000 năm trước Cần Giờ từng là một cảng thị sơ khai. Năm 1698, khi Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phương Nam, nơi này đã có các lưu dân đến khai hoang lập ấp. Địa bàn huyện Cần Giờ khi ấy thuộc phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn, huyện Tân Bình.

Các văn nghệ sĩ TP.HCM trước tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác
Các văn nghệ sĩ TP.HCM trước tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác

Sử liệu về thời Tây Sơn có ghi chép trận đánh Thất Kỳ Giang giữa vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và đội quân của Nguyễn Ánh. Trong tác phẩm Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử (xuất bản năm 1930) có nhắc đến sự kiện này. Trải qua hai cuộc chiến tranh kháng Pháp và chống Mỹ, mảnh đất này đã hứng chịu hơn hai triệu tấn bom đạn và bốn triệu lít chất độc hóa học. Công cuộc phục hồi rừng ngập mặn diễn ra trong 20 năm - khi các chuyên gia nước ngoài dự báo phải cần đến trăm năm… Chỉ vài phác thảo về lịch sử một vùng đất cũng đủ thấy nơi này chứa đựng quá nhiều câu chuyện, những giá trị mà lâu nay, trong nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về thành phố gần như đã bỏ quên.

“Đến viếng lăng Ông Thủy Tướng và được nghe nhiều hơn, hiểu hơn về Cần Giờ, tôi cảm thấy lâu nay mình đã bỏ phí quá nhiều chất liệu sáng tác từ mảnh đất này. Lâu nay tôi vẫn ấp ủ viết một kịch bản sân khấu khai thác nghề làm muối ở Lý Nhơn, trong giai đoạn thập niên 1940-1950. Nhờ chuyến đi thực tế này, tôi có thêm được chi tiết đắt giá, đó là nhân vật Lý Nhơn - một trong những người đầu tiên đã đưa nghề làm muối đến nơi này. Khi mất đi, ông được người dân thờ như một vị thành hoàng làng. Lịch sử - văn hóa Cần Giờ quả thật có rất nhiều chất liệu quý cho người sáng tác” - biên kịch Phạm Tân bày tỏ. 

Tiến sĩ Lê Đức Tuấn, chuyên gia về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường đã từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, cùng bà con khôi phục rừng đước và rừng ngập mặn Cần Giờ sau chiến tranh. Ông có những chia sẻ xúc động về quá trình toàn dân sáu xã trong huyện đã cùng nhau trồng đước. Trái giống được đưa từ Cà Mau khi lên đến nơi, có đến 50% bị hỏng. Ngư dân, phụ nữ và trẻ em đều được huy động trồng đước, với mục tiêu đạt năng suất phủ xanh 4.000 hecta rừng/năm. Đó là chưa kể đến những câu chuyện về văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh của bà con Cần Giờ và đời sống - kinh tế ở hai xã đảo và ấp đảo Thạnh An và Thiềng Liềng…

Trong khuôn khổ trại sáng tác, đoàn cũng đến thăm xã đảo Thạnh An
Trong khuôn khổ trại sáng tác, đoàn cũng đến thăm xã đảo Thạnh An

Tác phẩm cần được lan tỏa

“Viết về một vùng đất đòi hỏi nhà văn phải hiểu rõ, phải tìm hiểu và viết đến tận cùng chứ không thể chỉ viết lớt phớt. Nếu như vậy thì không thể có tác phẩm hay được” - nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, chia sẻ. Việc chọn Cần Giờ tổ chức trại sáng tác lần này, theo chị cũng là một dấu ấn mới và cần thiết cho văn nghệ sĩ trong sáng tác tác phẩm về thành phố. Huyện miền duyên hải với những giá trị lịch sử - văn hóa kéo dài qua hàng ngàn năm từ thời lưu dân mở cõi, với những câu chuyện từ đất và người đẫm chất liệu cho người sáng tác. 

Một miền trầm tích còn bao điều chưa viết mở ra một không gian sáng tác hứa hẹn nhiều cảm hứng cho văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, không chỉ riêng bối cảnh Cần Giờ, yêu cầu đề tài khai thác cho văn nghệ sĩ từ trại sáng tác có phạm vi rộng hơn: ca ngợi, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh; 35 năm đổi mới của thành phố, phản ánh truyền thống và sự phát triển của thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh; đời sống người dân, bảo vệ môi trường và đề tài COVID-19.

Tác phẩm từ trại sẽ gồm sáng tác ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa và kiến trúc. Giáo sư - tiến sĩ Trần Luân Kim lưu ý về việc khai thác những đề tài được xã hội quan tâm, bám vào các vấn đề xã hội và số phận con người, không viết tuyên truyền nhưng đồng thời cũng không quá nghiêng về câu khách, thương mại hóa. Đây cũng là một trong những lựa chọn và thách thức cho văn nghệ sĩ trước yêu cầu “sáng tác tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM Nguyễn Trường Lưu kỳ vọng các tác phẩm đợt này đều sẽ được quảng bá tốt, đủ sức lan tỏa đến công chúng. Có nghĩa rằng sách phải bán được, chứ không phải là “sách không bán” như bao đợt đầu tư sáng tác khác. Tác phẩm nghệ thuật trình diễn phải được phổ biến đến khán giả, không chỉ là biểu diễn báo cáo hoặc trong nội bộ những người làm văn hóa - nghệ thuật với nhau.

Lâu nay, việc sách được đầu tư sáng tác luôn phải dán nhãn “sách không bán” là nỗi buồn của nhiều nhà văn. Mỗi đầu sách cũng chỉ in khoảng 500 bản, dùng để biếu tặng. Và như vậy đã vô tình ngăn sự tiếp nhận của bạn đọc vì không biết mua sách hay thưởng thức các tác phẩm biểu diễn ở đâu. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI