Miền Tây khẩn trương xây bệnh viện dã chiến

26/04/2021 - 15:58

PNO - Nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ xâm nhập qua cửa ngõ biên giới Tây Nam, nhiều tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ đang khẩn trương xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến.

Ngày 26/4, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và công tác y tế tại các đơn vị y tế tuyến trung ương đóng trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Báo cáo của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, đơn vị có quy mô 1.000 giường bệnh nhưng đang trong tình trạng quá tải, hiện số giường thực kê hơn 1.400 giường. Sự quá tải này đã gây ra nhiều khó khăn cho bệnh viện trong việc bố trí sắp xếp liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn miền Tây Nam bộ... Lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các bộ phận trực, các khoa phòng thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc phòng chống dịch ở cấp độ cao. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sớm phối hợp với TP. Cần Thơ, Trường đại học Y dược, các đơn vị có liên quan... nhằm nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương, dự kiến sử dụng cơ sở vật chất sẵn có tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ). Bước đầu, bệnh viện dã chiến có quy mô từ 400 giường bệnh, nhưng sẵn sàng tăng lên 800 giường khi có yêu cầu.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được giao làm đầu mối hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế, máy thở… cho bệnh viện dã chiến này; đồng thời phải là bệnh viện tuyến cuối, nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân từ các địa phương của miền Tây Nam bộ.

TP. Cần Thơ cũng thành lập riêng một bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường bệnh, các tỉnh vùng biên giới như Đồng Tháp, An Giang... cũng cần xúc tiến thành lập bệnh viện dã chiến trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên chuẩn bị tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19
Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên chuẩn bị tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19

“Ngành y tế đang rất lo ngại về tình hình dịch diễn biến phức tạp từ các nước bạn, khu vực biên giới Tây Nam có lượng người nhập cảnh hợp pháp lẫn trái phép khá đông, nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, hiện bệnh viện dã chiến tại TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) do Bệnh viện Chợ Rẫy vừa hỗ trợ, quy mô 300 - 500 giường, đã trong tư thế sẵn sàng nhận chữa trị bệnh nhân COVID-19. 

Kiên Giang cũng đang gấp rút đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu cách ly tập trung hiện có tại TP. Hà Tiên, nâng khả năng thu dung cách ly tập trung lên 2.350 người. Bên cạnh đó, kích hoạt các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố phía sau để sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung trong tình huống lượng người nhập cảnh nhiều, vượt khả năng tiếp nhận của TP. Hà Tiên.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin thêm, bệnh viện dã chiến cấp khu vực tại Cần Thơ và bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên là đầu mối giúp ngành y tế chỉ đạo hoạt động thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là xử lý được các ca bệnh nặng nguy cấp, là đầu mối đào tạo kết nối các khoa cấp cứu điều trị với những kỹ thuật ECMO, kỹ thuật cấp cứu, tim mạch, hô hấp, chuyên ngành truyền nhiễm phối hợp các chuyên khoa khác...

Được biết, cùng với, TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, An Giang - tỉnh có đường giáp biên giới Campuchia dài nhất các tỉnh miền Tây Nam bộ - cũng đã khẩn trương xúc tiến thực hiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến. Địa điểm dự kiến thành lập bệnh viện dã chiến là tại huyện Châu Thành và Trường Trung cấp Kỹ thuật tại huyện Châu Phú, quy mô có thể từ 200 - 300 giường.

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI