Má mua gì mặc đó

02/06/2022 - 09:47

PNO - Tôi không rõ mình đã xoay xở thế nào để đi qua tuổi dậy thì một cách êm ái hay ít ra cũng trong vẻ bình lặng.

Tôi nhớ khi vào lớp 10, được má thưởng cho một chiếc xe mini và may cho mấy bộ áo dài. Có chiếc xe của riêng mình thật thích, nhưng điều tôi khoái hơn cả chính là được má cho phép lựa chiếc xe mình muốn và lựa cả vải may áo dài.

Theo trí nhớ đang vào đoạn… suy tàn của tôi hiện giờ, đó có lẽ là lần đầu tôi được tự do chọn lựa đồ đạc cho mình. Trước đó, má mua gì mặc đó, cho gì ăn đó và kêu gì làm đó; không vừa ý thì cũng giữ rịt trong lòng không dám nói ra. Má lúc vui không nói, nhưng lúc má không vui mà tôi làm trái ý thường hét: “Tao biểu mày đi vô biển lửa cũng phải vô nghen con!”. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Không ít lần tôi đã nghĩ cách bỏ nhà đi bụi. Cũng có lẽ chừng ấy lần tôi tự nhủ: Mai này có con, điều ít nhất mình có thể làm là cố gắng cho con nhiều sự lựa chọn hơn. 

Thời mới lớn của tôi, mỗi lần bọn bạn trai “xin” đến nhà chơi, tôi từ chối ngay tức khắc vì sợ má… cạo đầu. Con tôi bây giờ mỗi lần hẹn bạn đều có ba, mẹ chở đi. Lâu không thấy bạn sang chơi, ba mẹ sẽ hỏi thăm, rằng sao không đưa bạn về chơi. Hôm nào buồn miệng lỡ có lời nhận xét nào hơi nhạy, cô gái lớp 10 lập tức cảnh báo: “Mẹ kỳ thị bạn con” là tôi giật mình, lo chỉnh đốn. 

Má tôi hồi đó phấn son đầy đủ, tóc uốn, đồ bà ba mỗi ngày một bộ, thiếu điều 365 ngày không trùng. Vậy nhưng hễ con gái xin làm đẹp, má đe ngay: “Đứa nào dám, tao cạo đầu, dong khắp chợ cho xấu mặt”.

Thế hệ con tôi thì khác. Trường cấm son vẫn lén tô son, cấm uốn tóc vẫn lén uốn rồi cột lại… Tụi nhỏ mở miệng toàn nghe nhắc đến kem dưỡng, phấn nền, phấn hồng, phấn mắt, chì, son đủ từ… chân đến tóc.

Nhiều lần gai mắt chịu không nổi, mẹ con cũng cự cãi gay gắt. Mẹ chỉ trích việc tối ngày đầu óc toàn quần áo phấn son, lấy đâu ra thời giờ mà chăm chút cho phần bên trong, con phản pháo bằng “khoảng cách thế hệ”, “mẹ thành kiến, kỳ thị…”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Trước thời gian rục rịch đi học lại, con tôi sực nhớ chưa may áo dài. Bấy giờ còn dịch, chợ chưa được mở, kiếm đâu ra vải. Cuối cùng, hai mẹ con đành thuận với phương án chọn áo dài may sẵn. Vậy mà tôi cũng ráng trách con: “Mỗi tuần chỉ mặc áo dài một lần. Đi học tuần có ba bữa, đồng phục đã sẵn ba bộ, áo dài chậm chút cũng được, vậy mà vẫn hục hặc với mẹ là sao?”. 

Áo dài chưa xong, tiếp tới áo lót. Để lựa cái vừa ý thì phải ra tiệm, mà tiệm chưa mở cửa vì dịch. Con ngày nào cũng nhắc, mẹ bế tắc phát cáu: “Có đi đâu mà cứ nằng nặc đòi áo lót”.

Con không vừa vặc lại: “Mẹ kỳ, con cũng phải đi xuống đất chứ, mà dẫu không đi đâu thì con cũng cần mà”. Mẹ lại thêm một lần “sôi máu”: “Áo lót có phải nhu yếu phẩm không con?”. Thời gian ấy, gửi hàng hay nhận hàng đồng nghĩa với việc “chất” thêm một nguồn lây nhiễm.

Vậy mà bạn bè vẫn gửi, chắc thấy tôi sắp phát khùng với con. Bạn tôi thậm chí còn theo dõi “tiến độ” sát sao: “Bà đặt áo cho con chưa?”. Thấy mẹ vẫn “thi gan” trì hoãn, bạn chỉ nhắc nhẹ: “Hồi đó, tụi mình mắc cỡ và ngượng ngùng muốn chết nhưng cũng phải xăm mình ra chợ tự lựa, tự mua. Thậm chí xin tiền mẹ đi mua đồ lót còn ngại. Hồi đó, tui chỉ mong giá mà mẹ có thời gian dẫn mình đi mua thì tốt quá. Bà đừng khắt khe với con nữa. Tui chỉ mong có thể sống đến ngày có thể dẫn con mình đi lựa áo lót cho nó”.

Con tôi có lẽ không biết vì sao ngay khi trung tâm thương mại vừa cho phép trẻ vào, mẹ nó đã lập tức bỏ cả buổi trời đi lựa áo cùng con. Tôi vẫn còn một điều chưa kể. Bạn tôi, người khuyên tôi bớt khe khắt với con, vẫn đang chiến đấu với bệnh ung thư vú.

Có lẽ hơn ai hết, cô ấy là người đủ tư cách để nói về sự cho đi, trì hoãn, khắt khe và cả bao dung trong đời. 

Sơn Ý

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI