Ly hôn kiểu Philippines

10/10/2014 - 18:53

PNO - PN - Một dự luật vừa được trình lên Quốc hội Philippines với hy vọng “giải thoát” cuộc sống hôn nhân của hàng ngàn cặp vợ chồng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hiện Philippines là quốc gia duy nhất ngoài Vatican không có các quy phạm pháp luật về ly hôn. Nghĩa là, nếu trục trặc hôn nhân đến mức không thể hòa hợp hay hàn gắn thì một cặp vợ chồng chỉ có thể sống ly thân, chia tài sản mà không được ly hôn, cũng như cưới hoặc có quan hệ với người khác ngoài vợ, chồng mình.

Sau giờ làm việc, cô Rowena Festin về nhà cùng chồng và ba con của mình. Từ lâu, đó đã là thói quen không thay đổi. Cũng như nhiều phụ nữ Philippines khác, Rowena dù muốn cũng không thể bứt ra khỏi cuộc hôn nhân không lối thoát này, mà cứ thế đối diện với bi kịch gia đình mỗi ngày. Chồng của Rowena chẳng giấu giếm sự thật là anh không còn yêu vợ và muốn tiến tới với người phụ nữ khác, nhưng cả hai không thể ly hôn. Đó là quy định của Luật Dân sự Philippines. Trước khi luật này có hiệu lực từ năm 1949, các cặp vợ chồng bế tắc trong cuộc sống hôn nhân đều có thể lựa chọn giải pháp ly hôn. Rowena chia sẻ: “Chúng tôi cùng trú ngụ dưới một mái nhà nhưng cả hai đã đồng ý sống cuộc đời của riêng mình từ lâu”.

Giáo sư Solita Monsod thuộc Đại học Kinh tế Philippines cho biết, một trong những lý do khiến nước này không có luật ly hôn là vì có đến 83% dân số Philippines theo Công giáo. Luật Công giáo từ trước đến nay không chấp nhận việc ly hôn. Riêng 5% dân số là người Hồi giáo có quyền ly hôn.

Ly hon kieu Philippines

Một cặp đôi mới cưới ở Philippines - Ảnh: Getty Images

Thế nhưng, vẫn có những cách giải quyết mà theo giải thích của chính quyền Philippines chính là “chấm dứt hiệu lực hôn nhân”. Oái oăm thay, cách thức này dường như chỉ dành cho người giàu, hay chí ít là người có đủ khả năng tài chính. Cụ thể, cặp vợ chồng muốn ly hôn về hình thức phải được sự đồng ý của cả nhà thờ và chính quyền dân sự. Điều kiện đi kèm là họ phải chi 4.000 USD - số tiền quá lớn trong khi 2/3 người dân nước này có thu nhập dưới 2 USD/ngày. Cô Teresa, một người từng ly hôn chia sẻ: “Cuối cùng, sau bốn năm kiên trì, tôi đã giải thoát mình khỏi cuộc hôn nhân không còn tình yêu. Điều đáng buồn là nếu không có nhiều tiền, tôi đã không thực hiện được mong muốn của mình”.

Thiếu luật ly hôn còn khiến nhiều người Philippines sinh sống ở nước ngoài mắc kẹt với cuộc hôn nhân “có cũng như không”. Maria Linda Balthazar kết hôn được hai tuần thì chồng cô được điều đến Saudi Arabia để làm việc. Nhiều năm sau đó, cô không hề có tin tức hay liên hệ gì từ người chồng hợp pháp này và quyết định một mình đến Canada để lập nghiệp. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, cô không thể “danh chính, ngôn thuận” tạo dựng được hạnh phúc cho riêng mình vì vẫn còn bị trói buộc bằng cuộc hôn nhân trên giấy tờ này.

Bà Luzviminda Ilagan, đại biểu Quốc hội Philippines, đồng tác giả của dự luật “Ly hôn kiểu Philippines” trên cho biết: “Dự luật này vẫn có những điều kiện nghiêm ngặt như vợ chồng muốn ly hôn thì phải ly thân ít nhất 5 năm, tình trạng hôn nhân của họ là không còn hy vọng hòa giải hay hàn gắn nữa. Ngoài ra, họ còn phải đóng số tiền ít hơn từ 30-40% mức hiện nay. Điều tiến bộ của dự luật này là có hỗ trợ tài chính trong trường hợp một trong hai bên bị hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn và hỗ trợ cho con cái chung”. Theo đại biểu Quốc hội Joey Zubiri thì năm 2010, có đến 9.117 trường hợp nộp đơn xin được ly hôn, và 133 trường hợp xin ly thân (trong đó 61% là phụ nữ).

Dự luật này đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận Philippines. Nhiều phụ nữ ủng hộ vì họ có cơ hội thoát khỏi cuộc hôn nhân từ lâu chỉ còn là hình thức. Họ không phải sống trong cảnh chịu đựng sự ruồng bỏ và ngược đãi của đối phương. Một số ý kiến thì cho rằng, dự luật này vẫn chưa thực sự cho thấy sự công bằng, khi chi phí cho một cuộc ly hôn vẫn còn quá cao và thời gian để thử thách cũng như hoàn tất thủ tục lại khá lâu. Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội chỉ trích dự luật này có thể phá vỡ sự ổn định và cân bằng trong xã hội. Đại biểu Elpidio Barzaga Jr. lập luận rằng: “Hôn nhân không chỉ là sự thỏa thuận của vợ và chồng mà nó còn ảnh hưởng đến sự cân bằng, bền vững trong xã hội. Không nên tạo điều kiện cho việc ly hôn, vì như thế sẽ tạo ra suy nghĩ quá dễ dãi khi quyết định kết hôn. Nếu một người đàn ông đối xử quá tệ với vợ mà được giải quyết ly hôn nhanh chóng thì có thể không lâu sau đó, anh ta lại lấy người vợ khác và lặp lại chính những tệ hại đã xảy ra với cuộc hôn nhân trước đó. Vì thế, tình trạng ly thân giúp hạn chế được việc lạm dụng ly hôn để tái hôn mà thiếu ràng buộc trách nhiệm”.

 THIÊN ANH (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI