Lượng khí thải của thế giới năm 2019 sẽ lại phá kỷ lục

05/12/2019 - 06:04

PNO - Theo báo cáo hôm 4/12, lượng khí thải carbon dioxide dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục khác trong năm nay. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới chẳng còn nhiều thời gian để thực hiện việc giảm phát thải, ngăn chặn thảm họa khí hậu.

Các phát hiện công bố trong ba bài báo khoa học được đưa ra khi những người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà khoa học tập trung tại Madrid cho hội nghị về biến đổi khí hậu COP25.

Theo báo cáo hàng năm từ Global Carbon Project – một sáng kiến ​​nghiên cứu quốc tế tập trung vào tính bền vững - thế giới dự kiến  phát ra gần 37 tỷ tấn carbon dioxide do nhu cầu về dầu và khí tự nhiên trong năm 2019.

Đồng thời, số liệu từ Carbon Budget 2019 cho thấy lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch dự kiến tăng 0,6%, chậm hơn so với mức 1,5% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018. Ngay cả khi chậm lại, con số trên có nghĩa là thế giới chưa đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhằm mục đích giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C.

Để đạt được điều này, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc, cho biết lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu sẽ cần giảm 45% so với mức của năm 2010 vào năm 2030 và đạt mức "0%" vào khoảng năm 2050.

Luong khi thai cua the gioi nam 2019 se lai pha ky luc
Dù lượng than đá được sử dụng trên toàn thế giới đang trên đà giảm dần, những nhiên liệu hóa thạch khác vẫn được tiêu thụ ở mức cao.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo khí thải có thể tiếp tục tăng trong thập kỷ tới trừ khi các chính sách về năng lượng, giao thông và công nghiệp thay đổi đáng kể trên toàn thế giới.

Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ chiếm hơn một nửa lượng khí thải toàn cầu.

Nhưng có những điểm sáng đến từ Mỹ và châu Âu, khi cả hai đều cắt giảm 1,7% lượng khí thải carbon trong năm nay, chủ yếu là từ việc giảm đáng kể việc sử dụng than. Nhìn chung than chiếm khoảng 40% lượng khí thải toàn cầu, nhưng dự kiến ​​sẽ giảm 0,9% trong năm 2019.

Ngay cả ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số những nước gây ô nhiễm lớn nhất và có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới - việc sử dụng than đã chậm lại trong năm nay. Nhưng trong khi tổng lượng khí thải giảm ở châu Âu và Mỹ, thì tại Trung Quốc, con số dự kiến ​​sẽ tăng 2,6% trong năm nay và tương tự là 1,8% ở Ấn Độ.

Báo cáo cho thấy việc sử dụng dầu và khí tự nhiên - phát thải ít CO2 hơn, nhưng vẫn góp phần vào sự nóng lên toàn cầu - đã tiếp tục tăng.

Thế giới hiện giờ ấm hơn 1,1 độ C so với thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp - một sự thay đổi ảnh hưởng sâu sắc đến hành tinh và cuộc sống của con người.

Tháng trước, báo cáo Khoảng cách phát thải 2019 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cảnh báo rằng mức mà các quốc gia cam kết hạn chế khủng hoảng khí hậu chưa đủ sức ngăn chặn nhiệt độ tiếp tục tăng kỷ lục.

Ở tốc độ hiện tại, nhiệt độ dự kiến ​​sẽ tăng 3,2 độ C vào năm 2100. Để đưa Trái đất trở lại đúng mục tiêu 1,5 độ, lượng khí thải nhà kính toàn cầu phải giảm ít nhất 7,6% mỗi năm. Báo cáo kết luận: “Giảm khí thải, đặc biệt là từ giao thông vận tải và chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng xanh là rất quan trọng để kiểm soát khí thải và cứu hàng ngàn mạng sống khỏi ô nhiễm”.

Tấn Vĩ (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI