Trung Quốc từng bước thôn tính nước Úc

04/12/2019 - 10:00

PNO - Cuối tháng 11, báo cáo từ Canberra nói rằng, Trung Quốc đã cố gắng đưa một điệp viên vào quốc hội Úc. Các chuyên gia cũng cảnh báo, Trung Quốc “sẽ không ngừng can thiệp vào chính trị nội địa Úc”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào Úc để mở rộng ảnh hưởng trong vòng 10 năm qua. 

Trung Quoc tung buoc thon tinh nuoc Uc
Thủ tướng Scott Morrison cho biết, các cáo buộc về một âm mưu của Trung Quốc nhằm đưa gián điệp vào quốc hội Úc là “vô cùng đáng lo ngại” - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc (TQ) đang mua đất, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp của Úc với tốc độ đáng báo động. Quốc gia châu Á 1,4 tỷ người này sở hữu một sân bay ở Tây Úc, 9 triệu héc-ta đất Úc, một số mỏ than và trang trại gió của Úc, thậm chí cả cảng Darwin - một tài sản chiến lược quan trọng. TQ cũng là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất về nguồn nước tại Úc và thực hiện sức mạnh mềm bằng cách đưa các giảng viên được Bắc Kinh phê chuẩn đến dạy tại các trường học ở Úc. Tuần trước, những câu chuyện “đáng lo ngại” cho thấy TQ đã cố gắng cài đặt một điệp viên vào ghế nghị sĩ liên bang tại thành phố Melbourne và bị nghi ngờ thực hiện các cuộc tấn công mạng lớn vào quốc hội.

Thâu tóm cơ sở hạ tầng

Năm 1993, hãng hàng không lớn nhất TQ - China Southern Airlines - trả cho chính phủ Tây Úc chỉ 1 USD để thuê sân bay Merredin trong 100 năm nhằm sử dụng làm trường đào tạo phi công. Sân bay nông thôn - cách thành phố Perth 260km về phía đông - chỉ có hai đường băng sỏi, nhưng với vốn đầu tư của TQ, giờ đã trở thành sân bay trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại về việc để chính phủ nước ngoài kiểm soát không phận ở Úc. Các phi công địa phương nói rằng, họ chưa bao giờ bị từ chối khi yêu cầu hạ cánh, nhưng China Southern có thể ngăn họ sử dụng sân bay bất cứ lúc nào.

Tháng 11/2015, chính quyền Northern Territory quyết định cho một công ty TQ thuê cảng Darwin trong 99 năm. Landbridge Australia - công ty con của Shandong Landbridge - giành được hợp đồng thuê với giá thầu 506 triệu USD. Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quốc phòng Úc (ADA) - Neil James - gọi việc cho thuê căn cứ này là “ý tưởng ngu ngốc nghiêm trọng” và dân biểu Nick Champion từ Đảng Lao động đã kêu gọi hủy bỏ hợp đồng thuê để lấy cảng lại cho Úc.

Mua đất đai 

Theo số liệu từ sổ đăng ký sở hữu nước ngoài năm 2018, TQ là chủ sở hữu nước ngoài lớn thứ hai ở Úc, kiểm soát 2,3% đất đai của quốc gia, chỉ đứng sau Anh. Hầu hết đất đai thuộc sở hữu nước ngoài nằm ở Tây Úc và Northern Territory, thường sử dụng để chăn nuôi gia súc. Từ năm 2017 đến 2018, các công ty TQ gom thêm 50.000ha đất ở Úc, nâng tổng mức kiểm soát lên tới hơn 9,1 triệu héc-ta.

Đầu năm 2019, Tập đoàn Zenith Australia - thuộc Shanghai Cred, một trong những chủ đất TQ lớn nhất tại Úc - bị buộc tội khai hoang trái phép 120ha thuộc vùng đất của thổ dân ở phía bắc Tây Úc.

Chi phối tài nguyên thiên nhiên

Tại New South Wales, năm 2017, Yancoal Australia - thuộc sở hữu của Công ty Khai thác than Yanzhou - đã mua lại công ty Coal & Allied từ Rio Tinto với giá 3,5 tỷ USD, trở thành công ty khai thác than lớn nhất của Úc. Động thái này buộc một số nhà phân tích cảnh báo rằng, TQ đang cố gắng chi phối các nguồn năng lượng của Úc.
Các nhà đầu tư TQ còn sở hữu 732 gigalit, tương đương 1,89% lượng nước tại Úc, nhiều hơn cả vùng cảng Sydney vốn chỉ khoảng 500 gigalit. Số liệu này nói lên mối lo ngại rằng, các công ty TQ đang cố tình mua nước như một phần của chiến lược nhà nước, bởi nước thường được mô tả là tài nguyên quý giá nhất thế giới và đặc biệt quan trọng ở các vùng trung tâm bị hạn hán nghiêm trọng trong ba năm tại Úc.

Quyền lực mềm giáo dục

Hàng chục trường học do nhà nước TQ giảng dạy tiếng phổ thông đã mở ra trên khắp nước Úc. Những “lớp học Khổng Tử” và “Học viện Khổng Tử” tại các trường đại học là một cách để TQ giải phóng sức mạnh mềm trên toàn cầu. Trợ lý giảng dạy trong các lớp học được chính phủ TQ xem xét kỹ lưỡng và chỉ nhận công việc nếu họ thể hiện “phẩm chất chính trị tốt” và “tình yêu quê hương”. 

Tháng 8/2019, New South Wales tuyên bố họ sẽ loại bỏ các chương trình giáo dục trên vào cuối năm nay do lo ngại "ảnh hưởng nước ngoài không phù hợp". Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc New South Wales chính trị hóa một “chương trình trao đổi bình thường”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI