Lưng con, mẹ hãy tựa vào!

26/07/2022 - 06:00

PNO - Phụ nữ kỳ lạ lắm, cho dù cơn đau có hành hạ thân thể đến mấy nhưng khi nhận được một bàn tay bé xíu của con sờ trán trong lần sốt cao thì họ thấy cơn sốt kia như tan biến lập tức.

Sau khi sinh ba lần, sức khỏe tôi giảm sút hẳn và thường đau lưng, mỏi lưng, dù hằng ngày công việc của tôi chỉ là ngồi văn phòng, gõ máy tính, không có gì nặng nhọc. 

Vì vậy, vào buổi tối trước khi ngủ tôi hay nhờ chồng mát-xa lưng. Lúc nào ba bọn nhỏ bận việc thì ba cô con gái xúm xít tranh nhau đấm lưng cho mẹ. Được bọn trẻ tíu tít chăm sóc, nên dù chưa hết mỏi lưng tôi cũng thấy khỏe ra.

Nhớ lại, hồi sinh bé út vừa xong, vết may chưa lành, từ phần lưng và hông trở xuống đau nhức. Vì sinh thường nên hầu như thời gian đầu tôi nằm hay ngồi đều rất khó khăn. Muốn ngồi, tôi phải kê một đống gối phía sau lưng để tựa. 

Bọn trẻ luôn xúm xít chăm sóc mẹ (tác giả)
Bọn trẻ luôn xúm xít chăm sóc mẹ (tác giả)

 

Có hôm khi tôi chuẩn bị ngồi dậy ăn cơm thì cô con gái giữa thoăn thoắt tìm gối kê lưng cho tôi. Có lẽ vì chưa xếp khéo nên chồng gối con mới đặt đã méo xẹo và đổ ngã. Thế là con nhanh nhảu ngồi đối lưng lại với tôi và nói “mẹ cứ dựa vào lưng con đi”. Nghe con nói vậy, tôi cay xè mắt vì hạnh phúc. 

Chỉ một hành động nhỏ của con cũng làm tôi vui sướng. Tối đó, tôi kể với chồng. Chồng tôi rất vui: “Chắc con thấy em ngồi dậy khó khăn nên mới làm như vậy. Đứa nào cũng hiếu thảo và biết suy nghĩ, chúng mình sẽ có chỗ nương tựa về già”. 

Có lần, vợ chồng tôi đi công việc nên phải thức dậy đi từ sớm. Đến Bình Dương, vợ chồng tôi ghé vào quán bún bò ven đường ăn sáng. Đi vào sau chúng tôi là một người đàn ông chừng 60, chở theo một cụ bà tôi đoán là mẹ của chú.

Tôi quan sát chú từ lúc dừng xe cho đến khi vào trong quán, từ cách chú kéo ghế cho bà ngồi đến việc tỉ mỉ lấy giấy ăn lau đũa muỗng. Lúc chủ quán đến hỏi, chú nói thật kỹ, thật chi tiết về tô bún của mẹ, nào là đừng bỏ hành, đừng bỏ ớt, đừng cho tiêu và nhớ cho thịt xắt thật mỏng vì răng bà yếu không nhai được. Chú còn dặn chủ quán làm hai ly thức uống, một cà phê cho mình và một ly sữa nóng cho bà.

Liếc mắt, tôi thấy cách chú chăm chút cho bữa sáng của mẹ thật sự chu đáo và vô cùng nhẹ nhàng, ngọt ngào. Đến lúc chú và bà rời quán, tôi cũng quan sát cách chú dìu mẹ ngồi lên xe và vòng tay ra sau ôm bà như ý muốn nói “mẹ cứ tựa đầu vào lưng con”.

Phụ nữ kỳ lạ lắm, cho dù cơn đau có hành hạ thân thể đến mấy nhưng khi nhận được một bàn tay bé xíu của con sờ trán trong lần sốt cao thì họ thấy cơn sốt kia như tan biến lập tức. Phụ nữ họ thật “dễ dãi” khi chỉ cần con của họ cầm chiếc khăn sữa bé xíu đi nhúng nước rồi lau khắp tay chân, đầu cổ cho mình, là lập tức thấy khỏe khoắn trong người, trái tim dường như tan chảy.

Ba cô gái này là chỗ dựa về già của vợ chồng tôi (tác giả)
Ba cô gái này là chỗ dựa về già của vợ chồng tôi (tác giả)

 

Đó cũng là một dạng nương tựa, một cách mà các đứa con đổi ngược vai trò, làm điểm tựa cho cuộc đời họ. Cho nên nhiều phụ nữ, sau cơn vượt cạn, dẫu có chịu cơn đau như gãy 20 xương sườn cùng lúc thì khi được nghe tiếng khóc của con, họ không còn gì đau đớn nữa, cơn thập tử nhất sinh vừa rồi chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.

Cách đây không lâu, tôi xem bộ phim tình cảm của Hàn Quốc có tựa đề “Ngày không còn mẹ”. Bộ phim nói về nỗi lo lắng của một người mẹ đối với người con trai bị thiểu năng. Những tưởng cậu con trai ngờ nghệch kia sẽ chông chênh vào ngày bà không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Nhưng không. Đạo diễn đã để cho người con cõng mẹ trên lưng đi dọc theo bờ biển. Người mẹ lúc này tựa đầu vào lưng người con trai và ngủ một giấc ngủ bình yên.

Có lẽ, cuối đời, bà đã tìm ra điểm tựa của cuộc đời mình. Và có lẽ, cậu con trai cũng đã thì thầm với mẹ rằng “lưng con đây, mẹ hãy tựa vào”. 

Huyền Nga

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI