“Lời nguyền” xung đột vì đám cưới

29/09/2020 - 05:30

PNO - Mẹ đề nghị em phải lên kế hoạch đám cưới chi tiết, liệt kê chi phí vào một trang Excel. Mẹ đề nghị, vợ chồng em chỉ được lấy một phần tiền mừng cưới để trang trải chi phí đám cưới, còn lại mẹ sẽ giữ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Vốn được khen tự lập, chững chạc, quyết đoán, em không ngờ có ngày phải cầu viện một lời tư vấn ngay trong chuyện trọng đại nhất đời mình.

Mẹ em vốn là người lo xa. Lần này, khi em vật vã cả năm trời vì năm lần bảy lượt mời cưới - hoãn cưới do dịch bệnh, mẹ em lại bộc lộ tính lo xa một cách thái quá. Hiện, ngày cưới của em được ấn định vào cuối tháng Mười. Đó là ngày cưới lần thứ tư, sau ba lần em phải dời cưới vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, sau quá nhiều lần phải đi xin ngày lành tháng tốt, lần này mẹ em chỉ xin ngày cưới, không xin ngày ăn hỏi. Nhà gái thắc mắc bao giờ ăn hỏi, mẹ chỉ trả lời “từ từ sẽ báo”. Sau quá nhiều lần ậm ờ, đến lúc nhà gái rốt ráo hỏi, mẹ mới “chốt” riêng với em rằng sẽ không làm đám hỏi nữa.

Cùng với tuyên bố đó, mẹ đề nghị em phải lên kế hoạch đám cưới chi tiết, liệt kê chi phí vào một trang Excel. Mẹ đề nghị, vợ chồng em chỉ được lấy một phần tiền mừng cưới để trang trải chi phí đám cưới, còn lại mẹ sẽ giữ. Về nhà ở, hiện mẹ đã mua cho vợ chồng em một căn nhà, tụi em sẽ ở đó, và trả tiền thuê nhà hằng tháng cho mẹ. 

Những đề nghị của mẹ khiến em rất sốc. Em không lệ thuộc tài chính vào mẹ. Nhưng khi em nói mẹ không cần phải lo chuyện nhà cửa hay chi phí đám hỏi, mẹ lại nổi giận, cho rằng mẹ không còn vai trò gì, và sẽ không dự đám cưới nữa.

Cha em có “bỏ nhỏ” với em rằng mẹ làm vậy là vì muốn đặt vợ chồng em vào thế phải tiết kiệm. Mẹ muốn tụi em “khổ trước sướng sau”. Cả tiền thuê nhà cũng là một khoản mẹ muốn thu để giữ giúp, xem như một khoản để dành của hai đứa. Còn chuyện đám hỏi, sau nhiều lần bị vỡ kế hoạch do dịch bệnh, mẹ cảm thấy… chuyện gì cũng có thể xảy ra, nên việc “tiết kiệm đám hỏi” là cần thiết để dành tiền bạc cho tương lai.

Đám cưới đã cận kề. Em hoặc phải “chống” mẹ, hoặc phải nói cho vợ sắp cưới biết về đề nghị này. Cả hai hướng đó đều… đen tối. Một phụ nữ hiện đại khó mà chấp nhận những đề nghị có tính đàn áp như thế từ nhà chồng. 

Nghĩ lại, em thấy các anh/chị họ hàng của em cũng đều đã xung đột với cha mẹ vì đám cưới. Có phải điều này đã trở thành một “lời nguyền” của đám cưới không? Nếu quả thực phải vượt qua lời nguyền này mới nên vợ nên chồng được, thì mong chị Hạnh Dung chỉ giúp em một con đường sáng.

Ngọc Hạnh (H.Hóc Môn)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngọc Hạnh mến,

Hạnh Dung mừng là em đã dừng lại một nhịp để hỏi, thay vì vội vã cãi mẹ hoặc báo tin cho vợ. Đúng như em nói, thật thà hay vội vã lúc này đều không phải là “con đường sáng”.

Thứ nhất, việc xung đột gia đình vào dịp cưới xin có phải là một “lời nguyền” không? Hạnh Dung thấy trong câu hỏi của em đã có câu trả lời. Chuyện xung đột khi nhà có đám tiệc là chuyện xảy ra thường xuyên đến mức, nếu không có xung đột thì mới là lạ. Nhưng nó không phải là một hiện tượng… tâm linh (lời nguyền). Chúng ta cần nhìn thấu đáo căn nguyên của xung đột kiểu vậy, thì mới hóa giải, và tránh được mâu thuẫn cho những tình huống tương tự.

Thường, trong những tình huống trọng đại nhất - mỗi người sẽ càng bộc lộ rõ nhất những tính cách của mình. Đám cưới là một dịp như vậy. Ở mẹ em, đó là dịp bộc lộ tính lo xa - với tất cả những mặt tiêu cực và tích cực. Ở em, dù em không chia sẻ nhiều, nhưng Hạnh Dung cảm giác, dịp này cũng khiến em bộc lộ rõ hơn khả năng điềm tĩnh, thấu hiểu, và bản lĩnh của mình.

Thông thường, gặp trường hợp tương tự, nhân vật chính hay thấy mình bị tấn công, cho rằng trong lúc mình vất vả lo cưới xin thì lại bị người thân làm khó. Từ đó, họ dễ phản ứng mạnh, làm xung đột leo thang.

Trong những tình huống kiểu vậy, điều quan trọng nhất là người trong cuộc phải biết mình đang đối diện với điều gì. Điều đó chắc chắn không phải là sự “tấn công”, “gây khó dễ” của người thân. Nếu chỉ thấy như vậy, họ sẽ trở nên thiếu thiện chí, và phản ứng chống đối sẽ chỉ đem lại sự chống đối kế tiếp…

Còn Ngọc Hạnh đã nhìn thấy điều mà mình đang đối diện chính là sự lo xa của mẹ. Chính vì vậy, em mới có được sự điềm tĩnh, trăn trở thay vì chống đối. Lời khuyên của Hạnh Dung là em hãy tập trung vào căn nguyên đó, hãy nhìn rắc rối này là biểu hiện của nỗi lo âu trong mẹ, và giải quyết nó bằng cách cân bằng nỗi lo đó. Thay vì trả lời mẹ rằng em “đủ khả năng lo đám hỏi”, em hãy dành thời gian chia sẻ với mẹ những dự định tương lai của em.

Hãy cho mẹ thấy em đã nghĩ xa thế nào, những bất trắc đã được em dự liệu ra sao, điều gì khiến em tin tưởng vào cuộc sống hôn nhân của mình, những điều khiến em thấy hào hứng khi vào vai một “trụ cột gia đình”. Hãy cho mẹ biết cảm giác của một người đàn ông đã sẵn sàng gánh vác. Hạnh Dung nghĩ, khi nhìn thấy tất cả những điều đó, không người mẹ nào nỡ tước đi quyền gánh vác của con trai mình.

Nếu em thấy lễ ăn hỏi là có ý nghĩa và nhất định phải tổ chức, hãy cho mẹ biết ý nghĩa mà em cảm nhận được về lễ hỏi. Tiền bạc có thể làm ra được, nhưng những khoảnh khắc mình tha thiết nếu đã bỏ qua, thì không thể lấy lại. Theo Hạnh Dung, đám hỏi hay không không quá quan trọng. Quan trọng là cô dâu chú rể tha thiết điều gì thì hãy thực hiện điều đó bằng tất cả sự hiểu biết và tự lập của mình.

Em nên chia sẻ với mẹ trước khi trả lời điều gì với vợ hoặc gia đình vợ. Trong trường hợp buộc phải chia sẻ, em hãy bắt đầu câu chuyện bằng chính căn nguyên của nó. Hãy nhớ, đây là rắc rối nảy sinh từ một sự lo xa có hơi thái quá, chứ tuyệt đối không nảy sinh từ sự quá quắt, khó dễ của một người mẹ.

Chúc em hạnh phúc!

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI