Lối hành xử ôn hòa: Trẻ học ở đâu?

13/03/2015 - 07:57

PNO - PN - Trường hợp bạo lực học đường vừa xảy ra ở Trà Vinh và nhiều trường hợp khác cho thấy ngòi nổ xung đột luôn có quá trình, chứ không “đùng cái” xảy ra ngay.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chắc chắn các em đã cảm nhận được nguy cơ nhưng tại sao lại không nhờ đến người lớn? Học sinh gặp rắc rối, mâu thuẫn ở học đường hoặc bị bạo lực nhiều lần nhưng không dám báo với cha mẹ vì nhiều lẽ.

Loi hanh xu on hoa: Tre hoc o dau?

Nguồn ảnh: internet.

Có thể các em chưa thực sự tin rằng cha mẹ có thể bảo vệ được mình. Có thể trẻ sợ rằng, nếu cha mẹ biết điều đó thì sẽ lo lắng thêm chứ chẳng ích gì. Thực tế có nhiều bậc phụ huynh bận bịu mưu sinh, hay kêu ca than phiền về sự vất vả của mình, nên trẻ không muốn mình thêm gánh nặng cho cha mẹ. Khi con em bước vào tuổi teen, nhiều cha mẹ đã không còn hiểu và kiểm soát được; cũng có thể do chủ quan mà buông tay.

Đôi khi, trẻ cảm giác mình đã lớn và tự giải quyết vấn đề. Tuổi mới lớn thường ngại phải chia sẻ với người khác về những nguy hiểm của mình vì sợ bị đánh giá. Chúng thường không muốn người khác coi chúng là đứa trẻ thất bại.

Và, chắc chắn trẻ lúng túng, chẳng biết cách chia sẻ để không bị la mắng khiến sự việc thêm phức tạp. Rất nhiều lý do khiến trẻ lưỡng lự khi cần trao đổi với cha mẹ, thầy cô về những khó khăn của mình.

Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần quan sát, theo dõi những sự thay đổi của con. Các con có thể có những dấu hiệu lo lắng, buồn bã, né tránh tiếp xúc với mọi người. Qua thái độ của con, qua ánh mắt, qua những thương tích trên người con, cha mẹ có thể biết được rằng, con mình đang gặp nguy hiểm.

Ở bậc học nào, dù con đã có thể tự đến trường, cha mẹ thỉnh thoảng cũng nên đến trường cùng con để nắm bắt dư luận từ thầy, bạn về các mối quan hệ của con, cách giao tiếp của con ở trường để kịp thời giúp con uốn nắn hoặc tháo gỡ mắc mứu. Thái độ cởi mở, gần gũi và tôn trọng của cha mẹ sẽ giúp cho đứa trẻ dễ dàng chia sẻ với mình hơn. Qua đó, cha mẹ sẽ hiểu và kịp thời bảo vệ con mình.

Xem toàn bộ diễn đàn "Con tôi có bị đánh hội đồng tại lớp?" tại đây.

Cả nạn nhân và những học sinh “ra đòn” với bạn mình một cách tàn nhẫn, đều cần được người lớn nâng đỡ bằng tình yêu thương và lòng vị tha.

Tuổi trẻ trải nghiệm chưa đủ để các em chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt ở bạn mình, nên có thể làm lớn chuyện và gây hậu quả đáng tiếc từ những nguyên do “lãng nhách” (theo cách đánh giá của người lớn). Các em cần được trang bị kỹ năng kiểm soát bản thân, giải quyết vấn đề không bằng con đường bạo lực. Về điều này, chưa hẳn người lớn đã làm gương hoặc cho con một lối hành xử đẹp, ôn hòa…

 Thạc sĩ tâm lý lâm sàng VÕ THỊ MINH HUỆ
(Công ty Tâm lý Trẻ, Q.3, TP.HCM)

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến cho diễn đàn “Con tôi có bị đánh hội đồng tại lớp?” qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI