Lỗi đâu phải chỉ mình đàn ông

10/12/2022 - 06:50

PNO - Sự đảm đang của người vợ đã tạo ra ông chồng chỉ biết... mở tủ lạnh ra và ăn.

Nga tranh thủ bay ra Bắc thăm cha mẹ ruột, ông xã Nga liên tục gọi điện hỏi: “Em ơi, gạo cất ở đâu?”. “Cái chảo nào chiên trứng, cái thau nào rửa rau?”.

Nga nuốt cục tức vào trong, cô đâu có quyền cáu anh, vì từ thời 2 người yêu và cưới nhau, Nga đảm đang hết cả phần chồng. Cái sự đảm đang ấy của Nga sẵn có từ thời con gái. Cô là chị của 2 em trai. Ba Nga đi công tác thường xuyên, cô phải tự trưởng thành từ rất sớm để đỡ đần việc nhà cho mẹ.

Nga vào TPHCM học đại học và quen Quân. Quân thú nhận sự đảm đang tháo vát của cô khiến anh ấn tượng và yêu mến. Nhìn Nga, anh như thấy hình bóng má anh, 1 phụ nữ nhanh nhẹn tháo vát, quán xuyến việc nhà lẫn việc kinh doanh cửa hàng thức ăn gia súc. Ba anh hiền lành, nhưng chậm chạp. Một tay má gây dựng cơ ngơi và nuôi 2 anh em Quân thành đạt nên người.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Và cũng vì má chồng đảm đang quá nên sinh ra ông chồng Nga bây giờ quanh năm chẳng mó tay vào việc nhà. Khi sinh đứa con đầu, sau 2 tuần ở cữ là Nga lao vào làm việc nhà. Quân đi làm về, tay chân lóng ngóng, không biết làm gì. Những lúc Nga ốm, Quân chỉ biết “chăm vợ” bằng món trứng chiên.

Quân vụng về, nhưng điểm cộng là thương vợ thương con. Nửa đêm con khóc, anh cũng ráng bật dậy để pha sữa bột cho con, rồi giục vợ ngủ tiếp. Đi làm, anh hạn chế tụ tập bạn bè, dành tiền mua đồ cho con… 

Nga thương chồng làm việc vất vả nên bao hết phần việc nhà cho anh. Một tay cô lo liệu, sắp đặt nhà cửa, cơm nước đâu ra đấy. Suốt mấy năm lấy chồng, có thêm 1 đứa con, Nga vẫn giữ chức danh “vợ đảm, mẹ hiền”. Vừa đi dạy, cô còn kinh doanh online tại nhà. Vốn mát tay và nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường quần áo trẻ con, thu nhập của cô có tháng còn cao hơn lương kỹ sư của Quân.

Lần này, cô thu xếp đưa các con về thăm ông bà ngoại. Quân bận việc không thể đi cùng. Mấy ngày đầu vợ con vắng nhà, Quân sống khỏe. Anh vẫn có thể gọi thêm đồ ship tới tận nhà. Có thể vào hàng quán gọi món, Quân phơi phới quay trở về sống cuộc đời độc thân tự do.

Nhưng rồi chừng ấy thời gian không có cơm ngon từ gạo vợ chọn, không có món cá kho đậm đà, bát canh nóng hổi từ tay vợ nấu, anh bắt đầu thấy… đói. Thèm cơm nhà, anh loay hoay với những vật dụng ngay trong căn bếp nhà mình. Căn bếp ngày ngày anh vẫn thấy vợ thoăn thoắt trong ấy, và cho ra mâm cơm nóng hổi, thơm phức.

Nghe giọng chồng than thở qua điện thoại, chuyến đi về thăm nhà ngoại của Nga bớt vui. Thân thể ở đây, nhưng tâm trí cô lo ngược cho chồng. Cô tự hỏi để đến cớ sự này là do đâu? Là do cô chiều chồng, bao bọc chồng đã thành lề thói. Lẽ ra cô phải huấn luyện Quân từ những “ngày đầu bơ vơ mới về”. 

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

 

Ai nói đàn ông không làm giỏi việc nhà, không biết đứng bếp? Việc nhà không phân biệt giới tính, kỹ năng làm việc nhà chỉ hình thành từ sự tự rèn luyện và ý thức cá nhân mà ra. Nga nghĩ tới câu nói của 1 nhà văn nổi tiếng. Rằng sự đảm đang của người vợ đã tạo ra ông chồng chỉ biết mở tủ lạnh ra và ăn. Không ít bà vợ đã nghĩ quán xuyến hết việc nhà việc bếp núc, là cách thể hiện sự hết lòng với gia đình và tình yêu thương với ông chồng.

Vì yêu thương quá nên những bà vợ ấy tự mua việc vào thân. Ngay từ giây phút đảm đang nhận hết phần việc, các bà vợ “vĩ đại” vô hình trung đã nhận thêm 1 nghĩa vụ lớn lao nữa, là nuôi thêm 1 “đứa con” to xác trong nhà.

Nga dằn lòng không “quát” chồng, là để được tận hưởng kỳ nghỉ và tận tâm chăm sóc ba mẹ. Cô tự nhủ, về lại thành phố, cô sẽ “đào tạo” lại chồng. Cô tin rằng, với tình yêu thương của Quân dành cho vợ con, anh sẽ chịu học việc bếp núc và xắn tay vào đỡ đần vợ. Đó cũng là cách anh biết phục vụ bản thân. Trên con đường vợ chồng đi tiếp, Nga sẽ không phải tự gồng gánh một mình nữa. 

Minh Thuật

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI