Lịch sử và số phận con người trong Đông Dương

19/06/2022 - 08:20

PNO - Lấy bối cảnh Việt Nam thời Pháp thuộc, "Đông Dương" đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh thế giới.

Năm 2022 là tròn 30 năm Indochine (Đông Dương) ra mắt khán giả. Bộ phim của đạo diễn Régis Wargnier là tác phẩm gần nhất của điện ảnh Pháp thắng giải Oscar “Phim nước ngoài hay nhất”.

Indochine ghi hình chủ yếu ở các nước Đông Nam Á. Chuyện phim diễn ra từ thập niên 1930-1950, thời Pháp còn chiếm Việt Nam, Lào, Campuchia làm thuộc địa và khai thác nhiều sản vật để mang về chính quốc. Nền cai trị của Pháp bắt đầu lung lay khi ngày càng có nhiều người Việt muốn đứng lên đòi lại độc lập, tự chủ.

Với Catherine Deneuve, vai diễn trong bộ phim Đông Dương đã tô điểm thêm cho sự nghiệp của một minh tinh huyền thoại
Với Catherine Deneuve, vai diễn trong bộ phim Đông Dương đã tô điểm thêm cho sự nghiệp của một minh tinh huyền thoại

Câu chuyện nhiều thập niên

Eliane (Catherine Deneuve) là một phụ nữ Pháp giàu có, theo cha đến sống tại Việt Nam. Bà làm chủ một đồn điền cao su rộng lớn với đông nhân công.  Eliane nhận Camille (Phạm Linh Đan) - một cô gái Việt thuộc hoàng tộc đã mất cha mẹ - làm con nuôi. Nữ chủ nhân đồn điền bắt đầu mối quan hệ với Jean-Baptiste (Vincent Perez) - một sĩ quan điển trai kém tuổi nhưng họ chẳng thể gắn bó lâu dài vì chàng trai trẻ còn muốn khám phá thế giới.

Khi Camille thành thiếu nữ, cô tình cờ được Jean-Baptiste cứu trong một vụ khủng bố. Cô phải lòng chàng trai ngay lập tức mà không biết anh từng là người tình của mẹ nuôi. Muốn chia cắt hai người, Eliane dùng quyền lực để chàng sĩ quan bị điều đi Hòn Rồng (tức vịnh Hạ Long). Bà muốn con gái kết hôn với Thành (Eric Nguyen), một thanh niên quý tộc môn đăng hộ đối.

Tuy nhiên, Thành lại mang tư tưởng tiến bộ và muốn cống hiến cho phong trào ái quốc. Anh biết Camille không yêu mình nên tạo điều kiện cho cô đi tìm chàng trai Pháp. Cô gái trẻ vượt bao hiểm trở, qua nhiều tỉnh, thành để đến vịnh Hạ Long. Trên hành trình, cô đau xót chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Sau khi Camille gặp lại Jean-Baptiste, một biến cố xảy ra khiến cuộc đời họ thay đổi mãi mãi.

Câu chuyện đậm đặc chất tâm lý và xã hội, diễn ra vào một bối cảnh lịch sử đặc biệt trở thành lý do giúp Đông Dương nhận giải Oscar “Phim nước ngoài hay nhất”

Khi Eliane tự giới thiệu bản thân ở đầu phim, dường như bà có đủ mọi thứ cho một cuộc đời êm đềm: cơ ngơi, tiền tài, địa vị, sắc đẹp. Dù thiếu vắng con ruột, Eliane đã có cô con gái nuôi để thỏa mãn tình mẫu tử. Trong tâm trí của bà, Đông Dương và Pháp là những thứ không thể tách rời.

Eliane là một chân dung mang tính trung dung cho hình mẫu người Pháp ở thuộc địa thời bấy giờ. Bà không phải người chủ tàn nhẫn nhưng vẫn luôn đặt mình cao hơn những người Việt bản xứ. Eliane gọi các công nhân là cu li và cũng có những hình phạt nghiêm khắc cho họ. Thế giới của bà xoay quanh việc tận hưởng cuộc sống với thuốc phiện, những bữa ăn ngon và tình nhân. Dù biết về các phong trào phản kháng, nữ chủ đồn điền vẫn tin rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp và người Pháp sẽ mãi thống trị.

Tất nhiên, với dòng chảy lịch sử, chúng ta đều hiểu suy nghĩ của Eliane ở đầu phim chỉ là ảo tưởng. Indochine có thể coi như một câu chuyện dụ ngôn cho thất bại của Pháp ở Việt Nam. Ngay từ đầu phim, đạo diễn đã cài cắm những tình tiết báo hiệu việc này, như chiếc thuyền do người Việt chèo đua thắng thuyền của người Pháp. Sự vững chãi của xã hội mà Eliane tin tưởng dần chao đảo khi nhiều nhân vật thực dân Pháp tàn ác xuất hiện, còn người Việt dần lộ diện như một dân tộc bị áp bức.

Ngày tàn của người Pháp ở Việt Nam

Indochine được một số cây bút nhận định mang hơi hướng phim kinh điển Cuốn theo chiều gió. Hai tác phẩm này đều có chất “vang bóng một thời” và kể câu chuyện của các nhân vật trải dài qua sự kiện lịch sử. Ở nửa đầu, nhân vật chính là Eliane còn phần sau xoay sang số phận của Camille. Trên hành trình tìm người yêu, nàng thiếu nữ nhận ra cuộc sống thật của dân chúng chẳng hề ngọt ngào như cách cô được nuôi lớn. Đâu đó ngoài kia, có những người hằng ngày phải chịu đòn roi, thậm chí mất mạng khi mưu sinh.

Vai diễn Camille đã trở thành bệ phóng tên tuổi cho nữ diễn viên gốc Việt Phạm Linh Đan
Vai diễn Camille đã trở thành bệ phóng tên tuổi cho nữ diễn viên gốc Việt Phạm Linh Đan

Càng về sau, bộ phim chuyển dần từ chất tâm lý tình cảm sang hiện thực xã hội. Không khí ngày càng ngột ngạt hơn, đỉnh cao là cảnh quay ở vịnh Hạ Long khi nhiều người Việt bị đem ra cân đo, ước lượng như một món hàng, trước khi được bán cho các chủ đồn điền. Từ sự đau thương đó, Camille hun đúc lý tưởng trở thành một chiến sĩ cách mạng. Như chính nhân vật nhận định, cô không còn khả năng quay về cuộc sống cũ, bất chấp Eliane vẫn nghĩ rằng chỉ cần Camille trở về là mọi thứ lại sẽ như xưa.

Sự chuyển hóa của Camille là từ tầng lớp quý tộc Việt Nam sang thành đại diện cho phong trào cách mạng. Ở nhân vật này có những mâu thuẫn nội tâm và sự pha trộn lý tưởng thú vị. Với gốc gác hoàng tộc, Camille mang trên mình những giá trị văn hóa dân tộc và truyền thống tổ tiên nhưng cô lại sống trong một gia đình Pháp từ nhỏ nên tiếp thu khuynh hướng Tây học rõ nét. Bước ra cuộc đời, Camille lại hiểu thêm về hiện thực xã hội và cuộc sống của những người khốn cùng.

Ban đầu, Camille giống một thiếu nữ mong manh, có phần ngây thơ khi sớm phải lòng chàng trai mới gặp. Nhưng, theo diễn tiến câu chuyện, cô ngày càng bộc lộ rằng mình mạnh mẽ hơn Jean-Baptiste và khôn ngoan hơn mẹ nuôi. Camille sớm biết con đường mình phải đi còn chàng sĩ quan cứ mãi loay hoay. Cô cũng nhận ra thất bại không thể tránh khỏi của người Pháp ở Đông Dương, trong khi Eliane thì sống trong quá khứ vàng son.

Trailer phim Đông Dương:

 

 

Đạo diễn Régis Wargnier khéo cài cắm những tình tiết tréo ngoe phản ánh nan đề của người Pháp ở Đông Dương. Ở phần sau phim, Camille trở thành một biểu tượng kiểu Joan of Arc ở Việt Nam, đại diện cho tự do và chống lại cường quyền. Người Pháp vốn tôn sùng Joan of Arc nhưng lại thẳng tay đàn áp một biểu tượng tương tự ở thuộc địa.

Vai diễn Camille đầy thử thách đã trở thành bệ phóng tên tuổi cho nữ diễn viên gốc Việt Phạm Linh Đan - người mới 18 tuổi khi phim ra mắt. Ban đầu, cô tình cờ thấy mẩu quảng cáo tuyển diễn viên nhưng không nghĩ mình có khả năng diễn xuất. Linh Đan được một người bạn đăng ký dùm và cuối cùng được trao cơ hội đóng cùng Catherine Deneuve.

Nét đẹp dịu dàng, ánh mắt có thể diễn đạt cả tình yêu lẫn sự cương quyết đã khiến Linh Đan tạo ấn tượng mạnh trong phim điện ảnh đầu tiên. Ngoài ra, nữ diễn viên cũng ở Pháp nhiều năm nên hợp với hoàn cảnh của Camille, người sống cùng mẹ nuôi tại Pháp từ nhỏ. Indochine đã mang đến cho Linh Đan đề cử giải César Nữ diễn viên triển vọng. 

Với Catherine Deneuve, vai diễn trong bộ phim đã tô điểm thêm cho sự nghiệp của một minh tinh huyền thoại. Cảm xúc của một phụ nữ trung niên giàu có dần đổ vỡ ảo tưởng được bà thể hiện trọn vẹn từ ánh mắt, dáng đi đến các đoạn hội thoại. Khán giả đồng cảm với tình thương con và nỗi đau mà Eliane phải trải qua. Catherine Deneuve được đề cử nữ chính ở Oscar, đồng thời thắng giải César ở cùng hạng mục. Bà từng quay lại Việt Nam vào năm 2016 trong vai trò khách mời đặc biệt của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Minh tinh chia sẻ cảm xúc bồi hồi bởi từng có nhiều kỷ niệm đẹp ở Việt Nam.

Nhiều cảnh quay trong phim đã khai thác vẻ đẹp của Việt Nam, đặc biệt là vịnh Hạ Long. Tác phẩm này cùng The lover (1992) và The quiet American (2002) đã giới thiệu một số khung cảnh Việt Nam lên màn bạc Âu Mỹ, trước khi bom tấn Kong: Skull Island (2017) đến ghi hình. Indochine còn khá thú vị với khán giả Việt bởi có sự góp mặt của một số diễn viên trong nước, nổi bật là Trịnh Thịnh và Như Quỳnh. Dù vậy, điểm trừ của bộ phim là phần thoại tiếng Việt chưa thật trau chuốt, có diễn viên nói tốt nhưng có người còn thiếu tự nhiên. 

Ân Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI