Lệch…

10/03/2015 - 11:11

PNO - PN - Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, điều cơ bản nhất là tình yêu. Tuy nhiên, chỉ có tình yêu không thì chưa đủ, khi bắt nguồn của cuộc hôn nhân đó đã có những điểm “lệch cơ bản”, nhưng người ta cố níu kéo - nâng hạ...

edf40wrjww2tblPage:Content

CỐ… VÓI

Ngô Thị Oanh, 20 tuổi, mẹ mất sức lao động. Trước Oanh, hai người chị đổ vỡ gia đình về sống chung với mẹ. Sau Oanh còn bốn đứa em. Tất cả chỉ trông vào khoản lương giữ vườn của người cha gầy yếu. Thế nên sau khi quen và yêu Cao Thanh Vinh - người bạn làm chung ở cơ sở tách vỏ hạt điều, và được Vinh ngỏ lời trăm năm thì Oanh đồng ý, vì ngoài chút thương yêu, cô còn có ý định tìm nơi nương tựa. Lấn cấn duy nhất trong lòng Oanh là nhà Vinh rất khá giả, sở hữu nhiều nhà cửa, đất đai, vườn cao su... nhưng vì tình yêu, cả hai quyết san bằng mọi khoảng cách. Mặt khác, gia đình Vinh cũng hứa sẽ không có chuyện phân biệt nghèo-giàu.

Thế nhưng, khi về sống chung thì sự thật khác hẳn.

Sau khi cưới, ban ngày vợ chồng Oanh vẫn đi làm công việc cũ, nhưng ban đêm bắt đầu từ 2g sáng thì phải dậy để đi cạo mủ 2ha cao su. Oanh mới tập cạo nên có phần không giỏi, thế là cha chồng mắng nhiếc là thứ làm biếng, làm lấy có, “cạo thấy chén mủ không muốn trút”. Oanh phân bua này nọ rằng mình mới học cạo, cạo chưa quen… thì ông mắng là “thứ nghèo mà bày đặt nói này nói nọ”.

Đau xót nhất là chồng Oanh không một lời bênh vực vợ. Oanh cạo mủ cao su suốt từ sau ngày cưới tới khi cấn bầu năm tháng bụng to không thức đêm nổi nữa thì nghỉ cạo, nhưng cha mẹ chồng không thông cảm mà luôn nhiếc móc: “Cái nhà của mày không bằng… nhà vệ sinh nhà tao! Lọt vô được nhà này là phước ba đời rồi. Không lo làm ăn mà cứ ở đó làm biếng!”. Oanh đâu có lười nhác, vẫn đi làm đến gần ngày sinh con.

Sinh mổ, đi lại khó khăn, ăn uống không đầy đủ nên Oanh gầy nhom chứ không trắng trẻo tròn trịa như bao bà mẹ một con khác. Đùng một cái, cha mẹ chồng cho vợ chồng Oanh ăn riêng “để tự lập”. Con ẵm ngửa, cái chén, cái nồi không có, tiền bạc cũng không nên Oanh năn nỉ cha mẹ chồng cho mình ăn chung để có sữa em bé bú, khi con cứng cáp sẽ đi làm việc bù lại “tiền cơm” lúc sinh nở.

Con sinh ra không được khỏe mạnh, Oanh phải nghỉ chẻ hạt điều, ở nhà chăm con và làm tròn bổn phận con dâu. Tất cả chi tiêu gia đình nhỏ đều chờ lương chồng. Nhưng bây giờ chồng không đưa tiền cho Oanh nữa, mà bảo “không làm vợ được thì để tiền này cho người khác xài”. Người khác xài tiền của chồng Oanh vì họ “biết làm vợ”. Còn Oanh ở nhà chăm sóc con nhỏ, cơm nước giặt giũ cho cả nhà chồng mà tiền cơm cho bản thân và tã, sữa con trẻ vẫn phải trả cho mẹ chồng ba triệu/tháng. Con mười tháng, Oanh nhận được mười triệu tiền bảo hiểm, nhưng phải bán luôn bốn chỉ vàng cưới để “trả nóng” cho mẹ chồng tiền cơm nước bấy lâu nay.

Oanh bảo không biết mình “tội nợ” gì với nhà chồng mà khổ vậy. Nuôi con nhỏ, mang bệnh trong người, không tiền và phải chứng kiến cảnh công khai bồ bịch của chồng vì mình “không làm vợ được”. Ức nhất là nhờ cha mẹ chồng can thiệp thì ông bà bảo “Mày làm vợ làm sao để nó có bồ? Nó làm ra tiền được thì nó ăn chơi được!”.

Bây giờ con 15 tháng, Oanh bồng về nhà cha mẹ ruột nương náu trong mái nhà lụp xụp chờ ly hôn vì không “vói” tới kiểu gia đình giàu có nhưng bất nhân như thế!

Lech…

CỐ… HẠ

Chị Trần Mỹ Phụng vừa nói chuyện vừa loay hoay ghi chép một tờ “sớ” dài thoòng những hóa đơn chứng từ từ ngày gần sinh con đến khi bé tròn 13 tháng tuổi để yêu cầu thi hành án với chồng cũ.

Nhưng, đòi là cho “bõ ghét” chứ chị biết anh ta sẽ không bao giờ cấp dưỡng dù hai nhà cách nhau có một ngã tư. Hàng ngày qua lại trong xóm ấp, anh ta vẫn thấy con của Phụng giống mình như “cắt mặt đặt qua”.

Ba mươi sáu tuổi, làm giáo viên ở một trường cấp III khá tiếng tăm trong tỉnh nhưng Phụng không vượt qua được lời dạy bảo của mẹ già: “Gái lớn lên phải lấy chồng. Nếu không, người đời sẽ nói mình vô duyên, mất nết gì đó nên mới ế”. Để yên nơi ấm chỗ, không gì hơn là lấy một anh hàng xóm. Rõ gia thế của nhau, vợ chồng có bất đồng thì sui gia một bước là tới. Không muốn chọn lựa nữa, Phụng vâng lời mẹ dù biết chồng mình chỉ là một anh thợ sửa xe. Cưới nhau, nghĩa là Phụng phải một ngày đi - về gần 40km lo cơm nước cho chồng và nhà chồng.

Được cái là chồng Phụng không buộc vợ thay đổi công việc, cũng không ý kiến mỗi khi vợ đi trễ về sớm, chỉ cần hai bữa cơm lo đầy đủ là êm. Anh cũng khá tử tế với Phụng, cũng biết rửa chén, giặt đồ giúp vợ, Đổi lại, Phụng phải răm rắp nghe lời cha mẹ chồng, đó là “chuẩn của dâu ngoan”.

Sau ngày cưới, Phụng phải đưa hết vàng cho mẹ chồng giữ. Lương hướng hàng tháng bao nhiêu, thẻ tài khoản ngân hàng nào, cách rút thẻ thế nào… Phụng cũng phải “công khai hóa”. Phận dâu con nên Phụng không phản đối gì. Tất cả chỉ muốn ấm êm khi cái thai đã dần hình thành.

Thế nhưng nào có yên… Làm mẹ khi lớn tuổi, thai con so, nên Phụng phải đi bệnh viện thăm khám hàng tháng. Mỗi chuyến đi phải mất hai ngày. Chồng Phụng không khi nào đi cùng, bảo bận coi tiệm sửa xe. Để rồi chồng sửa được mấy chiếc xe không biết, chỉ thấy trong mỗi chuyến Phụng đi khám thai, ở nhà anh rước cô gái khác về cùng “sửa mền sửa gối”! Tiền lương của Phụng đổ vào tiền xe cộ, các đợt chiếu chụp, siêu âm của bệnh viện, lại còn những toa thuốc dưỡng thai. Mẹ chồng kiểm tra tài khoản xong về mắng nhiếc, nói Phụng khinh dễ gia đình bà dốt nên mới lừa gạt, chứ lương Phụng tháng sáu, bảy triệu sao không còn bao nhiêu? Phụng trưng ra các hóa đơn, chứng từ bệnh viện, mẹ chồng ngoa ngoắt quay đi…

Thai bảy tháng, chồng bảo Phụng hãy mắt nhắm mắt mở cho anh rước “vợ bé” về vì Phụng không “chiều” chồng được, mà anh ta thì không thể thiếu… vợ. Phụng không đồng ý. Thế là đôi bàn tay lâu nay cầm mỏ lếch, chìa khóa… giơ lên. Phụng “dính chưởng”, gương mặt sưng vù.

Thai tám tháng, Phụng ra khỏi nhà chồng sau khi ký tên “trả” lại hết vàng cưới cho mẹ chồng, lòng tự nhủ bấy nhiêu cũng đáng cho cái giá bình yên.

Giờ con tròn tuổi, Phụng vừa đến trường, vừa chăm con, vừa săn sóc mẹ già tuổi gần bảy mươi vừa bị cơn tai biến. Nhưng Phụng bảo, vậy mà thoải mái vì được an nhiên, vì cứ nhớ tới cảnh mỗi tháng mẹ chồng chễm chệ ngồi đếm tiền của mình rồi bắt bẻ nọ kia là rợn óc.

Mẹ của Phụng nghe con nói chuyện mà nước mắt cứ rịn chảy. Chắc bà hối hận vì đã ép con “chui vào rọ” vì sợ tiếng đời, dù biết căn bản cuộc hôn nhân này đã lệch ngay từ đầu.

 THÙY PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI