Lấy thuốc đau lưng của mẹ uống, cô gái sốc phản vệ

07/09/2020 - 17:18

PNO - Sau khi uống thuốc được 30 phút, chị L.nổi đỏ toàn thân, khó thở, tím tái nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.

 

Bệnh nhân L. suýt mất mạng vì tự ý dùng thuốc của bác sĩ kê cho mẹ uống
Bệnh nhân L. suýt mất mạng vì tự ý dùng thuốc của bác sĩ kê cho mẹ mình 

Chiều 7/9, bác sĩ CK2 Dương Thiện Phước – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - cho biết, bệnh viện này vừa cứu sống bệnh nhân nữ tên N.T.H.L., 29 tuổi, suýt mất mạng do tự ý uống thuốc không theo toa của bác sĩ.

Người nhà bệnh nhân kể, chị L. thấy đau lưng nên tự ý lấy thuốc của mẹ mình để uống. Sau khi uống xong, da của chị nổi mẩn đỏ, ngứa nên tiếp tục ra hiệu thuốc gần nhà mua thêm 2 liều thuốc uống. Sau khi uống liều thứ nhất được 30 phút, chị tiếp tục bị nổi đỏ toàn thân, khó thở, tím tái nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lừ đừ, đỏ ngứa toàn thân, tay chân lạnh, huyết áp thấp, thở nhanh co kéo, sưng nề mặt. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán đây là tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thuốc không rõ loại và nhanh chóng xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để điều trị. Sau đó, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần. 

Đến chiều 7/9, chị L. tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định. 

Bác sĩ Dương Thiện Phước cảnh báo: mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là những người cùng trong một gia đình. Việc uống thuốc theo toa bác sĩ kê cho bệnh nhân khác rất nguy hiểm, thậm chí chết người. Đây là thói quen khá phổ biến trong cộng đồng. 

Mặt khác, có khi thuốc uống vào che mất những căn bệnh tiềm ẩn mà phải qua xét nghiệm, chụp chiếu phim mới nhận ra. Ví dụ, thuốc giảm đau khiến chúng ta tưởng bệnh đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết như: giảm đau khi bị viêm ruột thừa, viêm tụy cấp… Hoặc dùng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây tình trạng lờn thuốc. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, tăng huyết áp… nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức. 

"Khi bị bệnh, thay vì đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc điều trị, một số người dân tự chẩn đoán bệnh cho mình rồi ra tiệm thuốc tây mua về uống. Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da; nặng thì sốt, hôn mê, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Ngay cả thuốc bác sĩ kê toa cũng không nên tự ý sử dụng kéo dài trong nhiều tháng", bác sĩ Phước chia sẻ.

 
Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn và có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra sốc phản vệ như: thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, các yếu tố vật lý và hoá học…, trong đó thuốc là nhóm nguyên nhân rất thường gặp.
Lan Chi
 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI