Lãng phí khi cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo giáo viên mầm non

22/12/2022 - 06:32

PNO - Việc phải dừng đào tạo giáo viên tiểu học, THCS trình độ cao đẳng đang gây ra tình trạng lãng phí lớn đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm về cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang thiếu 12.400 giáo viên tin học, tiếng Anh ở cấp tiểu học.

Tiến sĩ "ngồi chơi", khuôn viên bỏ trống

Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Thừa Thiên - Huế có khuôn viên rộng 3ha, có 8 giảng viên trình độ tiến sĩ, chỉ khoảng 10 cán bộ trình độ đại học (ĐH), còn lại đều có trình độ thạc sĩ. Từ quy mô đào tạo hàng ngàn sinh viên, mấy năm trở lại đây, trường chỉ còn đào tạo chưa đến 100 sinh viên sư phạm mầm non/năm. Trường CĐSP Quảng Trị có 3 dãy giảng đường chính, khu vực nhà hiệu bộ, đa chức năng; có thể đáp ứng việc học cho 3.000 sinh viên. Trường là đơn vị có số giảng viên trình độ tiến sĩ nhiều nhất trong khối các trường CĐSP. Nhưng nhiều năm nay, trường chỉ đào tạo vài chục sinh viên mỗi năm. Trường CĐSP Hà Tây cũng tương tự, những dãy nhà lớn, rộng hầu hết đóng cửa. Bởi năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ vỏn vẹn 20 sinh viên sư phạm mầm non…

Năm 2019, Trường CĐSP Hà Tây công bố quyết định thành lập Trường tiểu học - THCS Thăng Long. Trường tiểu học, THCS, THPT trong các trường sư phạm, vốn được xem là các trường thực hành. Phần lớn công việc của cán bộ, giảng viên Trường CĐSP Hà Tây từ năm 2019 đến nay, là dạy học sinh tiểu học và THCS. Cũng năm 2019, trường liên cấp thuộc Trường CĐSP Quảng Trị được thành lập, hơn 10 tiến sĩ, hơn 70 thạc sĩ là cán bộ, giảng viên đang đào tạo sinh viên sư phạm cũng đảm nhiệm việc dạy học sinh phổ thông. Tuy phải vận hành trường liên cấp theo cơ chế tự chủ tài chính với không ít khó khăn, song các thầy cô giáo vẫn được đứng lớp, vẫn được làm công tác giảng dạy. Trong khi phần lớn cán bộ, giảng viên của các trường CĐSP khác không có cơ hội hoạt động chuyên môn.

Do chỉ được đào tạo giáo viên mầm non nên nhiều giảng đường của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây phải đóng cửa
Do chỉ được đào tạo giáo viên mầm non nên nhiều giảng đường của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây phải đóng cửa

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Chủ tịch Hội đồng Trường CĐSP Bắc Ninh - chia sẻ: “Nguồn nhân lực của các trường CĐSP đang bị lãng phí. Những giảng viên trước đây đào tạo sinh viên sư phạm tiểu học, sư phạm THCS - thì nay hầu hết đều phải đảm nhiệm những công việc khác ngoài chuyên môn, trong khi phần lớn có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ”.

Hệ thống trường CĐSP được hình thành từ thập niên 1960, trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng yêu cầu của địa phương. Hiện các trường đang gặp khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể. Nguyên nhân được chỉ ra, một phần do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, nên chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học, THCS bị cắt chuyển hẳn cho khoảng 10 trường ĐH sư phạm. Một phần nữa do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ GD-ĐT nên một số trường CĐSP địa phương đã sáp nhập vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia. Thậm chí, ở một số địa phương, trường CĐSP sau khi chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non, có khả năng trở thành một khoa trong trường đào tạo nghề. Đến nay, cả nước chỉ còn 22 trường CĐSP, trong đó 19 trường trực thuộc UBND các tỉnh, 3 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Kết hợp nhiều giải pháp

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ - khẳng định: “Không nên xóa hệ thống trường sư phạm địa phương. Nhu cầu giáo viên phổ thông tăng đột ngột do nhiều lý do khác nhau đã xảy ra nhiều lần trong 60 năm qua. Đến lúc cần các trường sư phạm địa phương để giải bài toán rất khó này - thì còn đâu cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của các trường CĐSP địa phương”.

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc sáp nhập này thế giới đã làm, song họ có lộ trình 5-7 năm sau khi ban hành luật để có thời gian đầu tư, phát triển các trường. Do đó, trước mắt cần duy trì nguyên vẹn hệ thống trường CĐSP địa phương, đồng thời có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên lên ĐH, vừa đa ngành hóa các trường này. Sau đó hợp nhất với các cơ sở giáo dục ĐH khác cùng địa phương, tổ chức lại để hình thành một ĐH địa phương đa cấp, đa lĩnh vực hoàn chỉnh.

“Với những trường sư phạm chưa đạt chuẩn như quy định ở Luật Giáo dục sửa đổi 2019, Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm tại trường CĐSP địa phương, 1 năm tại trường ĐH sư phạm trọng điểm. Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng. Đây cũng là một cách làm để học sinh ở những vùng khó có thể học tập ngay tại địa phương” - tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề xuất. 

Kế hoạch của TP Hà Nội là sáp nhập Trường CĐSP Hà Tây vào ĐH Thủ Đô. Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ Đô - nhận định, ngoài giải pháp sáp nhập, có thể tính đến phương án xây dựng mô hình trường thực hành liên cấp chất lượng cao. Theo ông, đội ngũ giáo viên của các trường CĐSP đủ mạnh, cùng với kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ đào tạo giáo viên tiểu học, THCS - hoàn toàn có thể triển khai tốt mô hình này. Thực tế cũng cho thấy, trường liên cấp trực thuộc Trường CĐSP Hà Tây, trực thuộc Trường CĐSP Quảng Trị đã bước đầu khẳng định được chất lượng giáo dục sau 4 năm đi vào hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà thì mong muốn trường CĐSP địa phương có được cơ chế nhân lực hoạt động như trường đào tạo ngành y, giảng viên của các trường CĐSP đồng thời là giáo viên tại những cơ sở giáo dục phổ thông theo diện hợp đồng giảng dạy. Hướng đi này vừa giải được bài toán công ăn việc làm theo đúng chuyên môn cho giảng viên các trường CĐSP, vừa góp sức với ngành giáo dục giải một phần bài toán thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI