Làm mẹ có dễ?

09/05/2015 - 06:39

PNO - PN - Khi những người trẻ dần trở nên tự chủ hơn, hình ảnh người mẹ đã có nhiều thay đổi trong mắt họ. Không ít bạn trẻ kêu ca, phản kháng với cách mà họ được yêu thương, dạy dỗ. Giáo dục, truyền thông cũng tỏ ra không đồng tình với những người mẹ, đặc biệt là những bà mẹ Á Đông bởi sự “tụt hậu” trong việc dạy con tự lập cùng nhiều cách yêu thương sai lầm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đâu là giới hạn?

Với những người trẻ tham gia cuộc chuyện trò cùng chúng tôi, kể về những sai lầm của mẹ giống như một sự thú tội vì đã... dám-thấy-mẹ-sai-lầm.

Lam me co de?

Võ Thị Như Thảo (24 tuổi, Công ty cổ phần Tài Ký, TP.HCM): Suốt 18 năm sống cùng gia đình, tôi chỉ làm việc nhà như một… thú vui, thích thì phụ mẹ, không thích thì thôi. Hầu hết mọi công việc mẹ đều không cho tôi làm, vì tôi phải... lo học. Vào đại học, tôi như lạc giữa cuộc sống xa gia đình. Trong khi bạn bè tôi chia nhau nấu ăn, đi chợ, dọn dẹp phòng trọ như chuyện đương nhiên, thì tôi lại phải vật vã làm quen với phần việc của mình. Chỉ cần ngã bệnh, tôi lập tức chán nản, tủi thân.

Những ngày ấy, tôi liên tục bị giày vò bởi câu hỏi: “Tại sao mình lại phải ở đây? Sao mình không về với mẹ?”. Đã bao lần tôi muốn rời bỏ Sài Gòn vì quá tiếc nhớ cuộc sống yên lành ở quê, bên mẹ. May mắn là tôi đã không từ bỏ. Có điều, tôi đã phí hoài hai năm để tiếc nhớ, rồi chán chường, bất bình với cuộc sống tự lập. Tôi luôn hỏi, phải chăng mẹ đã tin rằng có thể bảo bọc tôi suốt đời, nên nâng niu tôi như vậy?

Nguyễn Đức Tùng (25 tuổi, giáo viên): Nhiều lúc, tôi sợ hãi vì sự kèm cặp, can thiệp của mẹ trong mọi quyết định của chị em tôi. Chị tôi lập gia đình đã 12 năm, ở xa mẹ cả ngàn cây số, nhưng từ việc mua đất, cất nhà, đến việc sắm cái áo mới, đôi dép mới đều bàn bạc với mẹ. Mẹ hào hứng nghe từng cuộc điện thoại, rồi tư vấn mọi vấn đề cho con. Có khi, riêng việc bàn bạc để chọn mua một món mỹ phẩm ưng ý, mẹ và chị tôi trao đổi qua điện thoại nhiều cuộc rồi mới “chốt hạ”.

Mâu thuẫn xảy ra vào ngày tôi ra trường đi làm. Khi máy tính cũ hư hỏng liên tục, tôi nói với mẹ nhu cầu mua một cái máy mới, rồi lặng lẽ dành dụm cho dự định ấy. Vài tháng sau, khi tôi tự mua được laptop mới, mẹ lạnh lùng, cau có suốt cả tuần. Hỏi ra, mẹ giận dỗi: “Bây mua máy tính mà chỉ thông báo cho mẹ. Mua loại gì, bao nhiêu tiền thì phải cùng nhau bàn bạc, tính toán chứ!”.

Xin nói rõ, mẹ tôi không hề am hiểu gì về công nghệ, cũng không dùng máy tính. Vấn đề duy nhất của mẹ là trăm sự tôi đều phải mang về hỏi han, rồi bàn bạc cho… “phải đạo”. Hiểu tính mẹ, tôi bắt đầu học cách xin ý kiến của mẹ trong mọi quyết định. Thế nhưng, rắc rối vẫn đến vì tôi không tài nào hiểu giới hạn của sự “bàn bạc”. Cứ vài hôm, tôi lại bị mẹ giận vì “tự ý đổi chiếc nhẫn mới”, “tự ý đi thăm ba” (ba mẹ tôi ly hôn)... Nhiều lúc, quá thất vọng về tôi, bà hét lên: “Được thôi! Đủ lông đủ cánh rồi thì bay đi!”. Tôi 25 tuổi, đã là một thầy giáo, sao mẹ không thể tin rằng tôi đang trưởng thành?

Trĩu nặng âu lo

Không tin rằng con đã trưởng thành là điểm chung của những bà mẹ “úm” con, áp đặt với con. Những người mẹ này trở thành đối tượng bị lên án, khi được cho là làm yếu ớt cả một thế hệ lẽ ra phải năng động, tự chủ. Họ đã sai lầm? Họ đã cùng đối thoại với chúng tôi về vấn đề này.

Nguyễn Thị Kim Mai (Vinpearl Đà Nẵng): Sau sáu tháng nghỉ thai sản, suốt một ngày làm việc ở khách sạn, lúc nào nước mắt tôi cũng chực trào khi nghĩ đến con trai đang bơ vơ ở nhà, dù cháu đang được bà nội trông nom. Bao lần nhấc điện thoại gọi về, tôi đều bật khóc sau khi những lời của mẹ chồng thông báo tình hình ở nhà. Tôi không chịu nổi khi nghĩ đến việc con trai đang lo sợ tôi đã bỏ nó đi mất, dù con trai tôi mới sáu tháng tuổi.

Tôi cũng liên tục tự hỏi: “Tại sao mình lại ở đây? Sao mình không về với con?”. Công việc, tiền bạc, tương lai đều trở nên vô nghĩa. Tan giờ làm, tôi bay về nhà. Vừa thấy mẹ, thằng bé đang buồn thiu trên tay bà bỗng đổi nét mặt, mắt sáng trưng, vui mừng hớn hở. Nhưng chỉ vài giây, như sực nhớ ra điều gì, cu cậu lại mếu máo, rồi bật khóc như bắt đền “bà mẹ ham tiền”. Ngay lúc ấy, tôi giận mình vô cùng khi phát hiện ra đúng 11 nốt mẩn đỏ, chi chít khắp mặt con. Tự lý giải là do bà nội vô ý để con bị muỗi cắn trong lúc ngủ trưa, tôi tủi thân, ôm con khóc nức nở.

Lam me co de?

24 tuổi, tôi từng rớt đại học, thất tình, bị lừa dối, nhưng chưa bao giờ lòng tôi tan nát như hôm nay. Trong khi đó, một ngày xa con, mà lại là xa con để đi làm thì có gì để đau thương so với hàng vạn nỗi đau trên đời này đâu, phải không?

Tôi rất hiểu tâm tư của bạn Như Thảo. Bạn nói rất đúng, một người mẹ rất có thể mù quáng tin rằng, bà có thể ở bên, bảo bọc con suốt đời, điều đó không hề xa lạ, hay lập dị. Tôi tin, đó là ao ước của mọi bà mẹ trên đời này. Để vượt lên niềm ao ước được ở bên con mà vẫn giữ sự tự do cần có của con, tôi nghĩ rằng, các thế hệ ba mẹ đều cần có thời gian tìm hiểu.

Bản thân tôi chắc chắn cũng sẽ phải học rất nhiều, dù tôi là một bà mẹ “9X”, cũng từng nếm trải hệ lụy của sự dựa dẫm, phụ thuộc như bạn. Tôi đã thấm thía những “nỗi oan” của mẹ từ khi Nick - con trai tôi chào đời. Thế nhưng, chúng ta cứ đợi đến lúc làm ba/mẹ để cảm thông với mẹ, thì cơ hội thấu hiểu và yêu thương đã vơi đi rất nhiều rồi.

Phạm Thị Duyên Hạ (30 tuổi, Công ty TNHH Đá Chàm, TP. Đà Nẵng): Những điều khiến các bạn buồn phiền vì ba mẹ không hề xa lạ với tôi. Nhưng có lẽ, càng về sau, với cuộc sống hiện đại, phản ứng vì sự mất tự do càng mạnh mẽ hơn. Có một nghịch lý mà tôi chỉ thấm khi đã làm mẹ: biết điều đó tốt cho con, thuận tiện cho mẹ, nhưng tôi không làm được.

Lam me co de?

Khi chuẩn bị sinh bé Lavie, tôi đã đọc rất nhiều sách về dạy con. Vợ chồng tôi thống nhất cách dạy con của người Nhật - đề cao tính kỷ luật, tự lập của con. Thế nhưng, trong từng giai đoạn con lớn lên, tôi đều bỏ qua những cơ hội để giúp con trưởng thành một cách khoa học. Biết rằng trẻ con không nhất thiết phải tròn trịa thì mới tốt, nhưng nhìn con gầy đi, tôi lại ép con ăn. Mỗi bữa ăn, tôi đều “vật lộn” với con, nhiều khi phát khóc vì bất lực với sự biếng ăn của con. Lavie khá lanh lợi, nhưng tròn tuổi, con gái vẫn chưa biết đi, tôi lại sốt ruột, rồi lấy làm phiền lòng mỗi khi có ai hỏi tới. Từng chuyện nhỏ nhặt như con trốn lật, chậm bò, chậm nói, tôi lại lo lắng không yên. Mỗi lần con vượt qua những cột mốc ấy, tôi lại thở phào.

Tôi vẫn không ngừng trau dồi các kiến thức nuôi dạy con, nhưng mỗi ngày, tôi lại thực hiện chưa phù hợp vì quá lo cho con. Lavie hơn hai tuổi, tôi vẫn chưa thể cho con ngủ riêng để đảm bảo không gian cho cả con lẫn ba mẹ. Dù đã trở lại với công việc từ lâu, nhưng đến bây giờ, những lúc rảnh rỗi, tôi lại cảm thấy khó chịu vì “con đang rất cần mình”.

Vậy đó, đôi khi, áp lực được chở che, lo toan cho con còn nặng nề hơn cả áp lực nuôi dạy con cho đúng. Sự nuông chiều quá mức của mẹ Thảo, hay sự can thiệp quá sâu vào đời tư của con như mẹ Tùng; đều là khởi đi từ nghịch lý đó. Đó là “di chứng” của giai đoạn chăm bẵm con thời thơ bé mà mọi bà mẹ đều mang theo, cho đến ngày con trưởng thành. Có điều, sự chăm bẵm ấy vô cùng quý giá cho con thời nhỏ, thì lại quá thừa thãi, phiền toái khi con đã trưởng thành. Tôi cũng không chắc là đến thời nào các bà mẹ mới thoát ra khỏi nghịch lý ấy.

Huỳnh Thị Hà (43 tuổi, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM): Vợ chồng tôi ly hôn. Việc tôi đi thêm bước nữa dường như gây tổn thương cho con, khiến mọi sự dạy dỗ, uốn nắn đều có thể trở thành biểu hiện của sự xa cách, “quay lưng” với con. Tôi từng trải qua những đêm ngồi lẳng lặng nghe chương trình tư vấn tâm lý trên đài phát thanh, rồi bật khóc vì quá thương con không có mái ấm đủ đầy. Bước vào tuổi dậy thì, con tôi bắt đầu ham thích những thú vui kỳ dị, từ tóc tai đến áo quần.

Mỗi lần con có ý định cắt một kiểu tóc lạ, hai mẹ con lại tranh cãi. Biết là phải kiên nhẫn giảng giải, nhưng trước sự cứng đầu của con, cùng bao nhiêu việc đè nặng lên vai mình, tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để ngọt ngào. Sau mỗi cuộc cãi vã, con im lặng lên phòng đóng cửa lại; tôi về phòng mình, nằm khóc. Đứa con trai 14 tuổi của tôi có khi im lặng một tuần, không nói chuyện với mẹ. Những ngày ấy, tôi càng cố gắng gần gũi, con càng xa cách. Trường không quá xa nhà, tôi vẫn đều đặn đón đưa, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ.

Lam me co de?

Bạn bè thường trách tôi chiều con, không cho con “ra đời”. Lắm lúc tôi cũng lo sợ vì quá thương mà hại con. Nhưng, nỗi mặc cảm của một người mẹ đã không giữ được cho con mái ấm trọn vẹn cứ khiến tôi gắng sức bù đắp. Mọi dịp lễ tết, bạn bè dập dìu du lịch, tôi cun cút ở nhà, tranh thủ bên con. Tôi vẫn cảm thấy mọi cố gắng của mình không sao khỏa lấp được những lần tôi nóng nảy, la lối.

Ngày xưa, có lần nuôi con trong bệnh viện một tuần, tới khi về nhà, soi gương, tôi thấy da mặt mình nám sạm. Sự lo lắng đến sạm da ngày đó rồi cũng qua khi con khỏe mạnh. Còn bây giờ, tôi chẳng biết khi nào mới hết những thấp thỏm, buồn lo trong hành trình cùng con trưởng thành.

***

Người mẹ nào cũng có mong ước dành cả thời gian, tâm sức và tình yêu cho con; vậy nên hành trình làm mẹ lắm day dứt, nhọc nhằn. Rõ ràng, làm mẹ không dễ.

MINH TRÂM

(thực hiện)

Đôi khi, áp lực được chở che, lo toan cho con còn nặng nề hơn cả áp lực nuôi dạy con cho đúng. Sự nuông chiều quá mức, hay sự can thiệp quá sâu vào đời tư của con đều là khởi đi từ nghịch lý đó. Đó là “di chứng” của giai đoạn chăm bẵm con thời thơ bé mà mọi bà mẹ đều mang theo, cho đến ngày con trưởng thành.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI