Làm gì để công chức dành trọn "8 giờ vàng" cho việc công?

16/11/2022 - 14:17

PNO - Với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, có lẽ công chức, viên chức muốn không "chân trong, chân ngoài" cũng khó.

 

Cải cách triệt để hệ thống tiền lương sao cho công chức bậc thấp nhất cũng đủ sống, không cần làm thêm
Cải cách tiền lương sao cho công chức, viên chức bậc thấp nhất cũng đủ sống, không cần làm thêm (Ảnh minh họa)

Khẩu hiệu “tám giờ vàng ngọc” vẫn thường xuyên được nhắc ở nơi công sở. Không một công chức, viên chức nào muốn phải liếc ngang, dọc, lén lút đi trễ, về sớm để tranh thủ làm việc thêm ở nơi khác. Bởi, đa số công chức phải làm thêm một việc gì đó mới có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. "Việc gì đó" có thể là trồng thêm luống rau, nuôi thêm con heo, bầy gà, sửa chữa cho bà con hàng xóm tivi, cassette, dạy thêm, mở phòng mạch hay khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tư nhân…

Cho đến tận bây giờ công chức nói chung rất cần thu nhập khác ngoài lương để sống. Theo bảng lương viên chức loại A năm 2022 người có lương cơ bản cao nhất, viên chức loại A3.1 bậc 6 là 11.920.000 đồng/tháng. Theo Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018, thì ngoài thu nhập còn có các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp), cộng tất cả các khoản đó thu nhập hàng tháng không quá 18 triệu đồng. Thử hỏi công chức, viên chức có cần làm thêm hay không?

Chỉ có những cơ quan đơn vị sắp xếp tạo điều kiện để nhân viên trong bộ máy của mình có thể tăng thêm thu nhập thì tình trạng “chân trong, chân ngoài”, ăn gian giờ làm việc công mới có thể ngăn chặn triệt để được.

Thời gian gần đây, hiện tượng công chức, viên chức rời bỏ khu vực công mới được cảnh báo đúng mức. Chứng tỏ người ra đi vì mức độ chịu đựng đã tới hạn hoặc do sức hút từ khu vực khác. Thay vì phê phán, lên án hoặc kêu gọi chung chung, chúng ta cũng nên nghĩ cho họ, đồng thời cần cấp bách cải cách chế độ tiền lương làm sao cho công chức, viên chức đủ đảm bảo cuộc sống gia đình. Đây cũng là giải pháp để chúng ta tuyển được người có năng lực. 

Vấn đề là không tinh giản biên chế, lấy đâu ra tiền để cải cách tiền lương. Nhưng việc tinh giản không dễ chút nào. Trong cơ quan nhà nước, không một ai ngồi không ăn lương. Nếu cho một người nghỉ thì việc của họ, dù nhỏ, cũng phải có người khác cáng đáng. Người có năng lực cũng đang rất nhiều việc, họ cũng chẳng rảnh tay. 

Để giải quyết vấn đề, có lẽ đầu tiên cần cương quyết giao cho khu vực tư nhân đảm nhiệm những đầu việc không cần cơ quan nhà nước quản lý thực hiện. Tiếp theo là tinh giản biên chế và cải cách tiền lương phải tiến hành song hành. Cải cách triệt để hệ thống tiền lương sao cho công chức bậc thấp nhất cũng đủ sống, không cần làm thêm. Xây dựng hợp lý bảng mô tả công việc cho từng chức danh; loại bỏ những đầu việc không cần thiết... Có như thế “tám giờ vàng ngọc” mới không chỉ là khẩu hiệu.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI