Kinh tế Việt Nam đang hồi phục đúng hướng

01/05/2022 - 06:33

PNO - Vượt qua những khó khăn rất lớn do COVID-19, Việt Nam đang xử lý hiệu quả khủng hoảng và đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng.

Tạo được niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài

Báo chí nước ngoài đưa tin, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), so với năm 2020, trong năm 2021, tổng vốn đăng ký doanh nghiệp (DN) mới, điều chỉnh và tổng giá trị góp vốn mua cổ phần đều tăng 9,2%. Lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất với hơn 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn FDI năm 2021. Tiếp theo là sản xuất và phân phối điện, bất động sản và bán lẻ.

Việt Nam đã quyết tâm tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài  bằng việc kịp thời điều chỉnh các quy định pháp luật, song song với các cam kết và hành động cụ thể trong việc hỗ trợ các DN phục hồi. Năm 2021, các công ty có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và giảm so với năm 2019 đã được giảm 30% thuế thu nhập DN. Năm 2022, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế suất giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Các công ty đã tham gia quỹ bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021 được giảm mức đóng vào quỹ này từ 1% xuống 0% cho đến ngày 30/9 năm nay. Chủ trương mở cửa kinh tế hoàn toàn trong quý I/2022 càng cho thấy sự sẵn sàng của đất nước đối với các nhà đầu tư và du khách.

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu ở cảng Cát Lái - TP.HCM) - ẢNH: Đ.THƯ
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu ở cảng Cát Lái - TPHCM) - Ảnh: Đ.Thư

Dù đang trên đà phục hồi kinh tế, nhưng những thách thức vẫn còn do thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát. Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải gánh chịu tác động lớn của giá dầu cao, nguồn cung than bị thắt chặt… do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và chính sách “zero COVID” ở Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 5,5%. Lạm phát có khả năng tiếp tục tăng do giá năng lượng, nguyên liệu… tăng cao, chẳng hạn như giá dầu và thép tăng cao nhất từ trước đến nay, tới 80 - 90%. Chính phủ vẫn đang cam kết sẽ giữ lạm phát ở mức 4% trong năm nay.

Là một trung tâm sản xuất, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc và một số nước khác. Việc các cảng ở Thượng Hải đóng cửa khiến nguyên liệu sản xuất nhập khẩu trở thành vấn đề khó khăn. Giá cước vận chuyển cũng tăng cao, gây áp lực lớn cho các nhà xuất nhập khẩu. Giá vận chuyển container trung bình từ Việt Nam đến bờ Đông nước Mỹ đã tăng gấp ba lần bình thường.

Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết rủi ro xuất phát từ các yếu tố bên ngoài và Chính phủ có thể kiểm soát, giảm thiểu tác động xấu bằng các chính sách hỗ trợ hợp lý. Đề xuất tăng lương cho người lao động vào tháng Bảy năm nay cũng là một yếu tố làm tăng thêm thách thức cho các DN làm ăn ở Việt Nam. Dù vậy, các DN vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới dựa trên các đơn hàng mới. Đặc biệt, khối DN EU đang rất tự tin tại thị trường Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tăng lên 73 điểm, mức cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa lạc quan hơn

Hai năm sau đại dịch, chủ các DN vừa và nhỏ (SME) ở Nam Á đã lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh doanh. Chỉ số khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh doanh được công ty Sun Life Asia khảo sát trên 2.400 chủ DN SME tại bảy thị trường châu Á là Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam cuối năm 2021. Kết quả cho thấy 74% kỳ vọng tình hình tài chính của DN sẽ được cải thiện và 70% kỳ vọng tình hình kinh tế quốc gia họ sẽ chuyển động tích cực vào năm 2022. Có đến 84% DN SME có kế hoạch mở rộng hoặc phát triển kinh doanh vào năm nay. Cụ thể là mở rộng cung cấp sản phẩm (44%), số hóa để phát triển (30%), thuê nhân viên mới (30%) và mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp mới (22%).

Dù 46% số DN cho biết đại dịch đã có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, nhưng 19% đã kinh doanh tốt hơn rất nhiều sau đại dịch. Hơn 90% điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình để đối phó với đại dịch, bao gồm mở thêm các phương pháp phân phối mới (51%), số hóa DN (43%) và cung cấp sản phẩm mới (33%). Ba rủi ro hàng đầu liên quan đến đại dịch mà các DN SME phải đối mặt là sức khỏe (51%), giảm cầu (43%) và cạnh tranh thị trường ngày càng 
tăng (41%).

Jay Sala - Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư Sun Life Aisa - cho rằng khảo sát giúp hiểu rõ hơn việc các chủ DN đã cảm thấy tự tin như thế nào về triển vọng tăng trưởng và khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của họ trong thế giới ngày càng nhiều bất ổn này. Kết quả cũng cho thấy các chủ DN SME có mức độ lạc quan lành mạnh để cải thiện tăng trưởng triển vọng trong năm nay.

Thế nhưng, giới chuyên môn vẫn dự báo rằng các DN SME vẫn dễ bị tổn thương hơn cả trước các tác động như đại dịch. Có 76% DN Indonesia và 74% DN Ấn Độ tin vào các triển vọng. Trong khi các doanh nhân ở Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) tỏ ra thận trọng hơn với tỷ lệ lạc quan lần lượt là 62%, 51%. Các ngành sản xuất ô tô, hóa chất, dầu khí và khai khoáng sản được đánh giá là đặc biệt tích cực so với các ngành khác. 

Nam Anh (theo Taiwan News, NAU, ABLJ)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI