Kiêng thôi, đừng kiêng quá!

27/08/2023 - 08:57

PNO - Tuy cần hạn chế một số thực phẩm nhưng chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường và tăng huyết áp vẫn phải xoay quanh 4 nhóm là chất đường bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả. Nhiều bệnh nhân kiêng khem quá mức khiến cơ thể suy kiệt, không đủ sức khỏe chống chọi với bệnh tật.

Bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp cần ăn đủ chất để tránh tình trạng cơ thể suy kiệt - Nguồn ảnh: Internet
Bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp cần ăn đủ chất để tránh tình trạng cơ thể suy kiệt - Nguồn ảnh: Internet

Suýt hôn mê vì kiêng thịt và tinh bột 

Bác sĩ chuyên khoa I Lý Kha Niến - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết trung bình mỗi ngày, ông tư vấn cho ít nhất 10 trường hợp có chế độ ăn uống chưa hợp lý. Trong số đó, không ít người có bệnh lý nền phải nhập viện do suy kiệt vì kiêng khem quá mức. 

Điển hình là bà P.T.D. (60 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM). Bà D. phát hiện mắc bệnh tiểu đường 15 năm nay. Khoảng 2 năm qua, bà nghe lời người quen, thực hiện chế độ ăn chay trường, ăn nhạt, cắt hẳn tinh bột. Theo bà D., ăn như vậy chẳng những ổn định được chỉ số đường huyết mà còn tránh được các bệnh như tăng huyết áp, gout và máu nhiễm mỡ. Chị T.T.H. - con gái bà D. - chia sẻ, từ khi ăn chay trường, mẹ chị không uống thuốc tiểu đường nữa. Thực đơn của bà chỉ gồm rau củ hấp, luộc và sữa hạt. Dù con cái khuyên can thế nào, bà D. cũng không nghe bởi bà cho rằng ăn chay chữa bách bệnh, cơ thể được thanh lọc nhẹ nhàng. Cách đây 1 tháng, bà D. bỗng rơi vào trạng thái lơ mơ, nằm li bì, gọi không dậy. Gia đình tá hỏa, vội đưa bà tới bệnh viện cấp cứu. Kết quả xác định bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy kiệt do suy dinh dưỡng lâu ngày. Bà D. bị hạ đường huyết (nghi do ăn uống không đủ chất hoặc bỏ bữa). Rất may, bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời. Chỉ cần phát hiện muộn, đưa tới bệnh viện chậm chút nữa, bà D. có thể rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong. Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng bà D. phải nằm viện, chăm sóc nâng đỡ thể trạng suốt 2 tuần sau đó.

Bệnh nhân được dặn dò phải ăn uống đủ dinh dưỡng, không được kiêng khem tiêu cực. Cơ thể con người cần cả đạm động vật (chỉ dùng đạm thực vật sẽ không đủ). Người bệnh tiểu đường cần giảm bớt tinh bột chứ không phải cắt luôn nguồn tinh bột. Nếu cắt hẳn tinh bột sẽ gây rối loạn cho cơ thể. Hoạt động của tất cả tế bào trong cơ thể đều cần có glucose. Các tế bào thần kinh của não bộ phải có glucose mới có thể thực hiện suy nghĩ, ghi nhớ, làm việc và học tập. Để tránh đường huyết tăng cao, người bình thường có thể ăn 1-2 chén cơm/bữa còn người tiểu đường nên ăn 1/2 chén cơm/bữa.

Tương tự, ông N.V.Q. (57 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) tới bệnh viện khám vì hay bị hoa mắt, chóng mặt. Kết quả xét nghiệm máu xác định bệnh nhân bị thiếu máu, thiếu sắt. Sau khi hỏi han về chế độ ăn của bệnh nhân, bác sĩ biết được ông Q. ăn uống kiêng khem quá mức. Ông Q. có tiền sử tăng huyết áp. Cho rằng ăn thịt gây tăng huyết áp, ông chuyển qua ăn chay trường, kiêng thịt tuyệt đối suốt 2 năm qua. Việc không ăn thịt trong thời gian dài dẫn tới tình trạng cơ thể bị thiếu hụt các nguyên tố vi lượng và chất khoáng. Theo thời gian, bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt, khiến hoa mắt, chóng mặt gây ảnh hưởng sức khỏe. Không chỉ thế, đối với người ở độ tuổi trung niên trở đi, việc bổ sung các nguyên tố vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều này giúp cơ thể chậm lão hóa hơn. Người ở độ tuổi trung niên kiêng ăn thịt sẽ dễ bị suy nhược, không đủ sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Những người này khi bị bệnh sẽ rất lâu hồi phục, thời gian nằm viện kéo dài hơn bình thường. Những thực phẩm giàu sắt là thịt bò, cá, các loại họ đậu…

Vẫn cần đủ 4 nhóm chất nhưng gia giảm cho phù hợp

Tóm lại, người bị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp không nên kiêng khem cực đoan. Thịt và tinh bột vẫn cần duy trì, tuy nhiên, lựa chọn loại thịt nào và dùng tinh bột ở mức độ ra sao cần chọn lọc và cân nhắc kỹ.
Chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường và tăng huyết áp vẫn xoay quanh 4 nhóm thực phẩm là chất đường bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả. Thế nhưng, các nhóm thực phẩm này cần được gia giảm cho phù hợp hơn. Chất đường bột bao gồm cơm, bún, mì, phở… Chất đạm bao gồm từ động vật như các loại thịt cá và từ thực vật như các loại họ đậu. Chất béo từ động vật và thực vật. Rau củ quả chính là nguồn cung cấp dồi dào vitamin và khoáng chất. 

Yoga được cho là hữu ích với bệnh nhân tăng huyết áp  và tiểu đường  Nguồn ảnh: Internet
Yoga được cho là hữu ích với bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường Nguồn ảnh: Internet

Bệnh nhân tiểu đường nên ăn 1/2-1/3 chén cơm mỗi bữa và cần hạn chế các loại củ quả như bí đỏ, khoai mỡ, khoai môn, khoai tây vì chúng chứa nhiều tinh bột (chỉ ăn 1 lần/tuần những loại củ quả này). 

Người bị tăng huyết áp cần hạn chế ăn mặn, các thực phẩm đóng hộp, chiên xào, muối. Nhóm đạm chỉ nên chiếm 35 - 45% trên tổng khẩu phần bữa ăn. Mỗi bữa, họ chỉ nên ăn 30 - 40g thịt. Riêng khẩu phần rau xanh cần nhiều gấp 3 lần thịt. Nếu ăn quá nhiều thịt sẽ gây dư thừa protein, khởi phát bệnh gout. Không chỉ bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp nên ăn cá thường xuyên mà cả người bình thường cũng cần bổ sung món cá trong thực đơn hằng ngày. Loại thực phẩm này phù hợp cho cả người ăn kiêng và những người cao tuổi. Nó vừa có thể bổ sung năng lượng cần thiết vừa có tác dụng bảo vệ cơ thể. Hàm lượng đạm trong cá rất cao. Cá còn có vitamin và là thực phẩm chứa nguồn chất béo tốt nhất, giàu a xít béo omega - 3, 6, 9 và rất ít cholesterol xấu. Các loại cá béo nhiều omega 3 là cá hồi, cá thu.

Bên cạnh đó, bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp nên ăn nhiều loại rau màu xanh đậm. Ăn rau xanh chẳng những không làm tăng lượng đường trong máu mà ngược lại, chất xơ bên trong rau có tác dụng hỗ trợ ổn định huyết áp, giảm đường huyết, kiểm soát mỡ máu và giảm tỉ lệ mắc phải biến chứng tim mạch. Một sai lầm mọi người hay mắc phải là chỉ ép nước trái cây và rau củ uống. Làm như vậy sẽ vô tình loại bỏ mất nguồn chất xơ trong rau quả. Cách tốt nhất là ăn trái cây nguyên miếng để được hưởng đầy đủ lợi ích từ nguồn chất xơ.

Ngoài ra, người tăng huyết áp nên ăn chuối vì loại trái này là nguồn bổ sung kali. Kali cũng được tìm thấy trong các loại rau lá màu xanh đậm. Đây là dưỡng chất rất có lợi cho người bị tăng huyết áp. Sau khi được hấp thu, kali sẽ giúp trung hòa lượng natri bên trong cơ thể và thải ra ngoài thông qua quá trình bài tiết giúp hạ huyết áp xuống mức ổn định. Bên cạnh đó, các loại chất béo không bão hòa như dầu đậu nành, dầu mè đều có tác dụng rất tốt trong việc hạ lượng cholesterol trong máu, kiểm soát lượng đường huyết, ổn định huyết áp. Ngược lại, có 2 loại chất béo nên tránh: chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa bởi chúng gây tăng lượng cholesterol trong máu, tăng lượng đường huyết. Chất béo chuyển hóa thường gặp trong các món chiên, nướng. Chất béo bão hòa có trong nội tạng mỡ động vật.

Những người có bệnh lý nền về chuyển hóa nói chung và bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp nói riêng còn cần duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh: không lạm dụng chất kích thích (trà, cà phê), đồ uống có cồn (bia, rượu), hút thuốc lá. Nên tránh thức khuya (ngủ trước 22g) và có chế độ tập luyện thể thao phù hợp. Bơi lội, đi bộ, làm vườn, tập dưỡng sinh, yoga... được cho là hữu ích với bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường. Việc duy trì thể dục thể thao giúp người bệnh phòng ngừa được các biến chứng về tim mạch. 

Thanh Huyền 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI