Khủng hoảng tuổi trung niên: Đừng nghĩ đó là một cơn khó chịu

08/11/2022 - 19:55

PNO - Nếu trong gia đình có người thân đang rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên, hãy gần gũi để cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tự nhiên đến một độ tuổi nào đó, có người bỗng dưng nghỉ việc vì cảm thấy mình chẳng còn thiết tha gì; có người bỗng dưng thấy mình cần đầu tư nhiều cho sức khỏe; có người bỗng dưng ghét bỏ mọi thứ, muốn xa lánh hết… Người ta dùng cụm từ “khủng hoảng tuổi trung niên” để nói về các điều “bỗng dưng” đó.

Để hiểu thêm về khủng hoảng tuổi trung niên, chúng ta hãy cùng trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Văn Ca - Trưởng khoa Tâm lý - Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, khủng hoảng tuổi trung niên có thật không? Chúng ta nhìn thấy những gì liên quan đến khủng hoảng này, bằng cách nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca: Khủng hoảng tuổi trung niên chắc chắn là có thật. Đó chính là một sự chuyển đổi ngoại hình, thể chất và sự tự tin, có thể xảy ra ở bất cứ người trung niên nào. Ai cũng có thể tự nhận diện được sự thay đổi thân tâm của mình vào một lúc nào đó.

Sự thay đổi này có thể tạo ra cảm giác chán nản, hối hận và mức độ lo lắng cao hoặc mong muốn có được sự trẻ trung hay thay đổi mạnh mẽ lối sống hiện tại. Cũng có người cảm thấy muốn thay đổi các quyết định và sự kiện trong quá khứ.

Có rất nhiều biểu hiện để có thể nhìn thấy những gì liên quan đến khủng hoảng tuổi trung niên. Trước tiên, đó chính là cảm nhận về tuổi già hay cảm giác thừa thãi sau khi nghỉ hưu gây sa sút tinh thần, khiến chúng ta cảm thấy lo âu, buồn phiền và căng thẳng hơn. Thêm nữa là áp lực về gia đình: gánh nặng gia đình, các căng thẳng tâm lý đến từ việc chăm sóc gia đình, con cái.

Có một số người khó chấp nhận việc thay đổi của cơ thể do hoóc-môn suy giảm, dẫn đến thừa cân, rối loạn chuyển hóa, nhu cầu và đời sống tình dục thay đổi, giảm ham muốn. Có người còn cảm thấy mất mát, cô đơn…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

* Sự khủng hoảng này có khác biệt nhiều giữa nam và nữ, về triệu chứng hay các biểu hiện, thưa ông?

- Giữa nam và nữ luôn có những sự khác biệt, thế nên khủng hoảng tuổi trung niên cũng rất khác nhau giữa hai giới vì các yếu tố gây căng thẳng của họ khác nhau. 

Với nam giới, khủng hoảng tuổi trung niên đến muộn hơn và kéo dài hơn nữ giới. Các triệu chứng rõ nét nhất ở nam giới là mất ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, giảm mức testosterone và cảm thấy buồn bã. Nỗi buồn ở khủng hoảng tuổi trung niên có xu hướng ít dữ dội hơn nhiều so với các rối loạn trầm cảm toàn phát.

Còn với nữ giới, khủng hoảng tuổi trung niên đến sớm hơn nam giới, thường kéo dài từ 3-5 năm. Các biểu hiện thường gặp nhất ở khủng khoảng tuổi trung niên nơi phụ nữ là tăng cân, tiền mãn kinh. Trầm cảm cũng là một mối quan tâm đáng kể. Đa phần phụ nữ khoảng thời gian này thường có xu hướng hay tức giận, cáu kỉnh và dễ rơi nước mắt hơn.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

* Chúng ta phải làm gì khi bỗng nhiên một ngày nào đó, khủng hoảng tuổi trung niên ập đến? 

- Thực ra, mỗi giai đoạn cuộc đời đều có những sự thay đổi. Chúng ta không thể ngồi chờ nó ập tới rồi mới tìm cách ứng phó mà phải luôn giữ gìn, tăng cường sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của mình bằng nhiều cách. Cụ thể: uống nhiều nước và tăng cường vận động thể lực (tập thể dục hay chơi các môn thể thao yêu thích), đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.

Ngoài ra, hãy luôn lắng nghe và quan sát chính mình để khi nhận thấy có dấu hiệu của khủng hoảng tuổi trung niên, bạn sẽ không cảm thấy sốc. Thời gian này, nên cân nhắc trước các quyết định, tránh sự vội vàng. Hãy luôn giữ quan hệ với gia đình, bạn bè và thường xuyên nói chuyện với họ.

Hãy chấp nhận thực tế. Đặc biệt, tử tế với chính mình, nâng niu mình và luôn tử tế, văn minh với người khác. Tôi có một lưu ý nhỏ cho các bạn rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên: hãy tập ngủ đủ giấc. Nên nghỉ trưa từ 15-30 phút, nên đi ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

* Theo bác sĩ, gia đình đóng vai trò như thế nào đối với người đang bị khủng hoảng tuổi trung niên? 

- Ở độ tuổi nào, gia đình cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu trong gia đình có người thân đang rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên, hãy gần gũi để cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hãy lắng nghe để người thân của bạn nói về nỗi đau khổ. Nên lắng nghe mà không phán xét cũng như không đưa ra lời khuyên hay đổ lỗi cho bất kỳ điều gì.

Bày tỏ mối quan tâm nhưng tránh nói những điều khẳng định như họ đang gặp phải một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng hỏi thăm tình trạng của họ, khơi gợi để họ tâm sự cùng bạn.

Hãy nói về tầm quan trọng của việc được giúp đỡ bằng cách khuyến khích người đó gặp gỡ bác sĩ/chuyên gia tâm lý hoặc thường xuyên chia sẻ, cởi mở với những người mà họ tin tưởng.

Khuyến khích họ khám phá niềm vui, sở thích riêng để lấp đầy nỗi đau, ví dụ như tập yoga, đi bộ, đánh đàn…

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

* Khủng hoảng tuổi trung niên và khủng hoảng tuổi già giống và khác nhau thế nào?

- Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với tình trạng suy giảm các chức năng của cơ thể, phải thích ứng với việc phân bổ các chức trách. Họ phải đối mặt với những ngày tháng sau nghỉ hưu, phải tự nguyện hay bắt buộc giảm số giờ lao động dẫn tới giảm thu nhập. Bạn bè và một số đồng nghiệp của họ qua đời.

Ở những người trên 60 tuổi, sức khỏe giảm sút, tính độc lập và tính sáng tạo không như trước đây. Tất cả đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của người cao tuổi. 

Tuy nhiên, tuổi già là sự khởi đầu một thời kỳ vàng son trong cuộc đời con người, sau những trải nghiệm phong phú của cuộc sống.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Tạ Khánh Tâm (thực hiện)

 

Làm gì nếu bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng tuổi trung niên?

- Thừa nhận cảm xúc của chính mình: Quan tâm và chấp nhận những sự thay đổi cảm xúc, giấc ngủ, nỗi lo âu… đang xảy ra với mình. Nhìn nhận đây là sự thay đổi bình thường theo quy luật tự nhiên. 

- Chia sẻ với người khác: Đừng cố kìm nén cảm xúc. Thay vào đó, hãy tâm sự với một người có thể tin tưởng, chẳng hạn như bạn thân, vợ/chồng, bác sĩ tâm lý hoặc một vị cố vấn.

- Nhìn nhận lại cuộc sống: Đánh giá khách quan những gì mình đang có, ngừng so sánh bản thân với người khác. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh, lạc quan hơn.

- Chuyển hướng tích cực: Hãy tìm một công việc mang đến cho bạn niềm vui và hy vọng.

- Đặt ra những mục tiêu mới: Đó nên là những mục tiêu nhẹ nhàng, vừa với sức mình như: học thêm một ngoại ngữ, đi du lịch… hoặc thực hiện những hoạt động mà trước đây muốn nhưng chưa làm được…

- Chọn một bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý để giải quyết những khó khăn của chính mình.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca  
- Trưởng khoa Tâm lý - Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI