Không tầm soát khi mang thai: Bùng phát bệnh, không kịp trở tay

09/08/2017 - 18:30

PNO - Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa thực hiện cuộc đại phẫu kép: mổ bắt con và phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày cho sản phụ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Đây là trường hợp thai phụ chủ quan không khám sức khỏe, tầm soát nên không hề hay biết đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Ung thư hành, tưởng ốm nghén

Sau thời gian dài chờ đợi, vợ chồng cô giáo Vũ Thị D. (SN 1987, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vui mừng khi bác sĩ siêu âm báo tin chị mang thai. Niềm vui lớn này khiến chị cảm thấy không mấy khó chịu khi bỗng dưng chán ăn, liên tục nôn ói. Nghĩ mình bị ốm nghén nên chị D. chủ quan không đi khám. Đến tháng thứ sáu của thai kỳ, chị bị “ốm nghén” nặng, sức khỏe suy kiệt, trọng lượng cơ thể từ 48kg chỉ còn 35kg.

Khong tam soat khi mang thai: Bung phat benh, khong kip tro tay
Chị Vũ Thị D. đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm con khi sức khỏe chưa thật sự phục hồi sau ca đại phẫu


Đến bệnh viện (BV) địa phương khám, bác sĩ (BS) chẩn đoán chị D. suy nhược cơ thể, cần bổ sung dinh dưỡng. Vào tháng thứ bảy của thai kỳ, chị bị nôn ra máu. Đến BV Đại học Y Dược TP.HCM khám, chị D. bàng hoàng khi BS báo tin: bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Khối u xâm chiếm dạ dày gây tắc hẹp toàn bộ môn vị.

Chị Võ Thu Q. (SN 1985, tỉnh Bến Tre) mang thai lần thứ hai. Bị mỏi mệt, chóng mặt, ăn uống không ngon, đầy hơi, nôn ói ở ba tháng đầu thai kỳ, chị Q. cho rằng, “có bầu bị hành là bình thường”. Khi thai qua tháng thứ tư, chị đến một BV phụ sản tại TP.HCM khám, bất ngờ phát hiện buồng trứng có khối u. Chị Q. nhập viện phẫu thuật, kết quả giải phẫu bệnh phẩm xác định khối u ác tính, giai đoạn 1B (giai đoạn sớm - chưa di căn).

Cần tầm soát sức khỏe trước khi mang thai

Thực tế, nhiều phụ nữ vô tư “thuận theo tự nhiên”, “trời cho” hay “vỡ kế hoạch” khi mang thai. Thậm chí,  không ít đôi vợ chồng có kế hoạch sinh con hẳn hoi, nhưng không chú trọng việc khám tiền sản, chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: thai phụ mắc bệnh hiểm nghèo, phát hiện muộn hoặc bị sẩy thai, thai lưu… 

Khong tam soat khi mang thai: Bung phat benh, khong kip tro tay
 

Chị Nguyễn Thị Minh K. (20 tuổi, tỉnh Bình Dương) mang thai 34 tuần, vừa phát hiện bị hở van tim mức độ nặng. Hiện, vợ chồng chị đang đứng trước tình huống nghiệt ngã, trường hợp xấu nhất buộc phải lựa chọn: cứu con hoặc cứu mẹ. Sức khỏe suy yếu, K. ngồi bệt xuống sàn nhà thở dốc khi đi khám tại Viện Tim. Đáng buồn hơn, chị từng mất đứa con đầu lòng khi ở tuần 39 thai kỳ. Cuộc sống quá khó khăn và chủ quan nên chị không đi khám tiền sản.

ThS-BS Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại tiêu hóa BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Chị D. bị ung thư dạ dày thể thâm nhiễm, tổn thương toàn bộ dạ dày, nếu mổ không kịp, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào”. Các BS khoa Ngoại tiêu hóa, Dinh dưỡng, Hóa trị ung thư, Phụ sản và nhi đã hội chẩn nhiều lần, đưa ra cách điều trị tối ưu cho cả mẹ và thai nhi.

Theo đó, khi thai được 31 tuần, BV tiến hành cuộc đại phẫu. Đầu tiên, mổ bắt con. Bé trai (nặng 1,5kg) được chuyển sang BV Nhi Đồng 2 chăm sóc. Ngay sau đó, ê kíp BS khoa Ngoại tiêu hóa cắt toàn bộ dạ dày, nối thực quản cho chị D. Hiện, dù sức khỏe chị tiến triển tương đối, nhưng chặng đường sắp tới rất cam go. 

Theo BS Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược TP.HCM, việc chuẩn bị sức khỏe hay khám tiền sản là hết sức cần thiết. Cụ thể, cần khám phụ khoa, kiểm tra sức khỏe tổng quát, siêu âm ổ bụng để phát hiện bất thường ở các tạng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng…

Thai phụ cần siêu âm tim, kiểm tra răng miệng, dinh dưỡng đầy đủ và cần tiêm ngừa các bệnh viêm gan siêu vi, Rubella, sởi, quai bị, thủy đậu. Khi mang thai, nội tiết tố của thai phụ sẽ thay đổi, sức đề kháng giảm. Vì thế, thai phụ dễ mắc bệnh lây nhiễm, hoặc một số bệnh tiềm ẩn có cơ hội bùng phát. Do vậy, phụ nữ mang thai nên đi khám định kỳ, nhất là khi có dấu hiệu lạ như sụt cân, nôn ói…

Khong tam soat khi mang thai: Bung phat benh, khong kip tro tay
 

Đặc biệt, nếu đã qua giai đoạn hết nghén (thông thường ba tháng đầu thai kỳ), nhưng vẫn tiếp tục có triệu chứng ốm nghén hoặc những tháng cuối thai kỳ xuất hiện nghén trở lại thì nên đến BV chuyên khoa kiểm tra, vì có thể thai phụ mắc bệnh lý nào đó. Việc phát hiện bệnh sớm, sẽ có cơ hội ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác động xấu.

Cụ thể, cũng theo BS Kiều Dung, nếu khám sức khỏe tổng quát và sản phụ khoa trước khi mang thai, chị Q. có thể phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm hơn, không phải đình chỉ thai kỳ, chị D. không phải trải qua ca đại phẫu... 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI