Không dễ thương mại hóa vắc-xin COVID-19

10/04/2021 - 06:00

PNO - Tại Pakistan, hàng ngàn liều vắc-xin Sputnik V đã bắt đầu mở bán công khai vào cuối tuần qua, với các điểm tiêm chủng đông nghẹt người xếp hàng chờ lượt. Thế nhưng, việc thương mại hóa vắc-xin không phải là lựa chọn khả thi ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Người dân Pakistan xếp hàng chờ tiêm vắc-xin thương mại tại các điểm tiêm chủng tư nhân ở Lahore, Karachi và Islamabad
Người dân Pakistan xếp hàng chờ tiêm vắc-xin thương mại tại các điểm tiêm chủng tư nhân ở Lahore, Karachi và Islamabad

Vắc-xin thương mại “cháy hàng”

Pakistan hiện đang cung cấp vắc-xin miễn phí cho các nhân viên y tế tuyến đầu và những người trên 50 tuổi, nhưng tỷ lệ tiêm chủng tăng chậm. Vì vậy, vào tháng Ba, nước này đã cho phép tư nhân nhập khẩu thương mại để bán vắc-xin ra công chúng. Vào ngày 1/4, tòa án Pakistan đã yêu cầu một công ty tư nhân nhập khẩu 
vắc-xin Sputnik V COVID-19 của Nga phải mở bán cho công chúng ngay lập tức, dù việc định giá vẫn còn nhiều bất đồng.

Tương tự, một công ty tư nhân ở Pakistan cũng bắt đầu nhận lô hàng vắc-xin CanSino Biologics COVID-19 của Trung Quốc từ ngày 25/3. Hassan Abbas - một quan chức của AJ Pharma, đối tác địa phương của CanSino - cho biết: “Chúng tôi có 10.000 liều đầu tiên vào ngày 25/3, 100.000 liều vào tháng Tư và 200.000 liều nữa vào tháng Năm”.

Bộ trưởng phụ trách phản ứng trước đại dịch COVID-19, Asad Umar nói rằng theo cơ chế, giá thương mại đối với vắc-xin nhập khẩu sẽ tăng thêm 40% so với chi phí hạ cánh, với 15% thuộc về các nhà bán lẻ hoặc bệnh viện.

Nhưng bất chấp chi phí cao, những hàng người đứng đợi vẫn nối dài trước các điểm tiêm chủng. Chiếm hầu hết trong hàng đợi là bộ phận thanh niên Pakistan vẫn chưa đủ điều kiện để được chính phủ tiêm chủng miễn phí. Saad Ahmed, 34 tuổi, nói với Reuters sau khi được chích ngừa tại một bệnh viện tư nhân cao cấp ở Karachi: “Tôi rất vui khi có được mũi tiêm, vì nó giúp việc di chuyển dễ dàng hơn”.

Khó phổ biến trên toàn cầu

Vì nguồn cung vắc-xin hạn chế, các chính phủ phải chọn một số nhóm ưu tiên nhận vắc-xin trước, bao gồm người có nguy cơ tiếp xúc với COVID-19 cao hơn (như nhân viên y tế) và những người dễ mắc bệnh nặng hơn (người lớn tuổi). Do đó, cho phép mọi người xếp hàng chờ tiêm chủng thông qua thị trường tư nhân là ý tưởng khó khả thi.

Tiêm chủng thương mại sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức cho việc quản lý sau tiêm chủng
Tiêm chủng thương mại sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức cho việc quản lý sau tiêm chủng

Phần lớn số người có khả năng mua vắc-xin tư nhân thương mại không được coi là có nguy cơ cao để nhận vắc-xin miễn phí. Nếu có những trường hợp ngoại lệ nằm ngoài nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng, chẳng hạn như di chuyển đến một quốc gia xem tiêm chủng là điều kiện nhập cảnh, thì câu trả lời là thực hiện yêu cầu tiếp cận đặc biệt, chứ không phải mua bán vắc-xin trên thị trường.

 

Mặt khác, sức hấp dẫn của việc bán vắc-xin thương mại có thể khiến các công ty tăng cường quảng cáo, từ đó ảnh hưởng đến lựa chọn vắc-xin của bệnh nhân. Việc phát triển vắc-xin COVID-19 được tiến hành rất nhanh chóng, và sản phẩm hầu hết được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Điều này buộc nhà chức trách và các công ty phải theo dõi cẩn thận những người nhận vắc-xin, bởi bất kỳ vấn đề sức khỏe nào họ gặp phải đều rất quan trọng. Tiêm chủng thương mại sẽ tạo ra thêm thách thức về hậu cần cho việc theo dõi. Hơn nữa, tất cả các loại vắc-xin COVID-19 có thể cần ít nhất hai liều nên nếu nguồn cung hạn chế, việc đảm bảo bệnh nhân được tiêm liều thứ hai có thể khó khăn. Và việc trì hoãn hoặc bỏ lỡ liều thứ hai sẽ có thể dẫn đến hiệu quả thấp hơn.

Bên cạnh đó, dây chuyền vận chuyển và bảo quản vắc-xin cũng là bài toán khó. Chẳng hạn mũi tiêm dựa trên công nghệ mRNA của Pfizer phải được bảo quản ở -800C. Quản lý dây chuyền lạnh đặc biệt không dễ dàng đối với bất kỳ nhà cung cấp nào, nhưng có khả năng sẽ được xử lý tốt hơn bởi các nhà cung cấp quy mô lớn khi kết hợp cùng nguồn lực từ chính phủ.

181 quốc gia đã tham gia Lời kêu gọi hành động đoàn kết của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hỗ trợ khả năng tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các công nghệ y tế COVID-19. Tuy vậy, vấn đề sở hữu trí tuệ về sản xuất và cung cấp vắc-xin vẫn là rào cản lớn đối với thương mại hóa vắc-xin.

Hiện tại, các công ty dược phẩm phát minh ra vắc-xin có quyền kiểm soát đối với đơn vị được cấp giấy phép sản xuất. Pfizer và Moderna vẫn đang bận sản xuất đơn hàng cho các quốc gia giàu có theo hợp đồng đặt trước. Riêng đối với hãng AstraZeneca, các nhà máy sản xuất đặt tại châu Âu và Ấn Độ đều chịu sự quản lý nghiêm ngặt sau khi chính quyền quyết định hạn chế xuất khẩu vắc-xin nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nội bộ khu vực, giữa lúc các quốc gia đối mặt đợt bùng phát dịch mới nguy hiểm hơn. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, ABC, BBC, The Conversation)

 

 

 

 

Tiêm chủng thương mại sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức cho việc quản lý sau tiêm chủng
Tiêm chủng thương mại sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức cho việc quản lý sau tiêm chủng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI