Không có tinh trùng vẫn có thể làm cha?

28/05/2022 - 07:09

PNO - Kỹ thuật ROSI (tiêm tinh trùng non vào bào tương trứng) được coi là bước đột phá mới đối với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, là giải pháp cho nam giới không có tinh trùng.

Vừa qua, các cặp vợ chồng hiếm muộn đã có thêm hy vọng khi hai trường hợp đầu tiên tại Việt Nam đã được hỗ trợ mang thai thành công dù người chồng không có tinh trùng (bào thai vẫn mang gen của bố). Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương - để giải đáp rõ hơn cho bạn đọc xoay quanh kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới này.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo để chọn lựa phôi 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại nước ta, hiện tỷ lệ hiếm muộn tính trên các cặp vợ chồng như thế nào? Nguyên nhân nào can thiệp được, nguyên nhân nào không can thiệp được?

Soi tìm tinh trùng bằng kính hiển vi tại Bệnh viện Hùng Vương (ảnh bệnh viện cung cấp)
Soi tìm tinh trùng bằng kính hiển vi tại Bệnh viện Hùng Vương (ảnh bệnh viện cung cấp)

Bác sĩ Lý Thái Lộc: Tỷ lệ hiếm muộn tính trên các cặp vợ chồng tại Đông Nam Á nói chung ở mức khoảng 15%. Tại châu Âu, con số này ở mức trên 10%. Trường hợp không can thiệp hỗ trợ sinh sản được là người vợ không còn trứng và người chồng tuyệt đối không có tinh trùng. Nếu một trong hai vợ chồng vẫn còn trứng hoặc tinh trùng thì sẽ phải xin trứng hoặc xin tinh trùng. Như vậy, bào thai sẽ không mang gen của mẹ hoặc bố.

* Hiện nay, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đã có những đột phá nào để hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hơn nữa?

- Trước tiên là kỹ thuật ROSI (tiêm tinh trùng non vào bào tương trứng) - được coi là bước đột phá mới đối với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, là giải pháp cho nam giới không có tinh trùng. Trước đây, những trường hợp này phải đi xin tinh, em bé sinh ra không mang gen của bố. Tuy nhiên, nhờ ROSI, các bác sĩ đã chọn lọc được tinh trùng non của người chồng rồi tiêm trực tiếp vào trứng của vợ.

Ngoài kỹ thuật ROSI, hiện trên thế giới còn có các kỹ thuật để chọn lựa được phôi có chất lượng tốt như: áp dụng trí tuệ nhân tạo, dựa vào chẩn đoán hình ảnh để theo dõi phôi liên tục và dựa vào di truyền. Sở dĩ cần chọn lựa được phôi tốt là do chúng ta đang vươn tới mục tiêu đạt tỷ lệ thành công chuyển phôi cao hơn nữa. Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm của chúng ta đang đạt tỷ lệ thành công ở mức trên 40% nhưng nhờ những đột phá về kỹ thuật chọn lựa phôi, hy vọng có thể nâng tỷ lệ thành công lên tới mức 80 - 90%.

Trước đây, Bệnh viện Hùng Vương đã áp dụng kỹ thuật ROSI trên 40 cặp vợ chồng nhưng tỷ lệ thành công thấp. Vừa qua là lần đầu tiên đơn vị phối hợp với Bệnh viện Bình Dân chuyển phôi thành công cho hai trường hợp nhờ kỹ thuật mới này. Bệnh viện Hùng Vương đang chọn phôi qua kính hiển vi, bên cạnh đó cũng đặt mua máy móc để có thể chọn lọc phôi thông qua chẩn đoán hình ảnh. Không chỉ vậy, bệnh viện còn phối hợp với Đại học Sài Gòn cùng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, hướng tới áp dụng trí tuệ nhân tạo cho quá trình chọn lựa phôi.

Vì sao vô tinh vẫn có thể sinh con?

* Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về kỹ thuật ROSI? Vì sao tỷ lệ thành công của kỹ thuật này vẫn chưa cao? Muốn thực hiện được kỹ thuật ROSI đòi hỏi những điều kiện gì?

- ROSI (Round spermatid injection) muốn thực hiện được trước tiên phải có sự phối hợp giữa hai chuyên khoa là nam khoa và sản phụ khoa (bác sĩ phải có kinh nghiệm và được đào tạo về mổ vi phẫu). Bác sĩ nam khoa rất quan trọng, họ cần chọn đúng ống sinh tinh mang khả năng có tinh trùng cao nhất của người chồng. Còn bác sĩ sản phụ khoa cũng cần phải lấy được trứng tốt nhất của người vợ. Trang thiết bị đã có sẵn, khó nhất là yếu tố con người.

Để áp dụng kỹ thuật ROSI, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp cùng đồng nghiệp Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, vi phẫu tích (micro TESE) tìm tinh trùng non cho người chồng. Kỹ thuật này hiện nay đã được một số bệnh viện điều trị hiếm muộn áp dụng, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng đạt trên 63% nhưng đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, nhân sự có chuyên môn cao cũng như quy trình phù hợp.

Tôi sẽ nói rõ hơn về hai trường hợp vừa được chuyển phôi thành công bằng kỹ thuật ROSI để dễ hình dung. 

Ca thứ nhất là chị T.T.T.N. (sinh năm 1991). Người vợ hoàn toàn bình thường nhưng người chồng bị vô tinh kèm rối loạn nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể bình thường là 46XY thì anh này là 47XYY (thừa một nhiễm sắc thể). Người chồng vô tinh khi xuất ra bên ngoài nhưng khi tìm kiếm trong ống sinh tinh ở tinh hoàn vẫn có tinh trùng non. Chúng tôi đã tạo được năm phôi, sau khi sinh thiết phôi thì chỉ ba phôi dùng được. Lần thứ nhất chuyển phôi thất bại. Lần thứ hai thành công. Hiện người vợ đã mang thai được tám tuần. Phôi còn lại được đông lạnh để sử dụng cho lần sau.

Sau khi có thai thành công, người vợ tiếp tục theo dõi sức khỏe tại một cơ sở y tế tư nhân. Lần gần đây nhất, chúng tôi liên lạc với chị ấy thì biết tim thai rất tốt, mọi thứ đều suôn sẻ bình thường.

Ca thứ hai là chị V.T.T.N. (sinh năm 1994). Ca này người chồng cũng vô tinh nhưng không bị bất thường về nhiễm sắc thể. Chúng tôi tạo được bảy phôi. Khi chuyển phôi thì thành công luôn ở lần thứ nhất. Hiện nay, thai phụ đã mang thai được tám tuần.

Hai ca này, quá trình mổ cho người chồng để lấy mẫu mô tinh hoàn đều được tiến hành tại Bệnh viện Bình Dân. Sau đó, Bệnh viện Hùng Vương lấy mẫu mô này về để xé tìm tinh trùng. 

Trước khi phẫu thuật tìm tinh trùng cho người chồng, để tăng khả năng thành công, bác sĩ phải điều trị nội khoa, đưa các chỉ số nội tiết bệnh nhân về gần mức bình thường và ổn định. Bệnh nhân cũng được xét nghiệm di truyền trước để bác sĩ phân loại bệnh và có hướng điều trị, theo dõi sau khi thụ tinh.

Không chỉ thế, làm cách nào để tinh trùng non hòa hợp được với trứng trưởng thành và phát triển thành phôi được cũng tính toán chính xác và thực hiện bởi các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản.

Trước đó, Bệnh viện Hùng Vương đã cử các chuyên viên sang Nhật Bản để được đào tạo về kỹ thuật ROSI. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các kính hiển vi có thể phóng cực đại để tìm những tinh trùng non chất lượng tốt nhất.

* Vì sao nói người chồng vô tinh mà vẫn tìm được tinh trùng? Khái niệm vô tinh được hiểu như thế nào? Những nguyên nhân nào dẫn tới vô tinh ở nam giới?

- Vô tinh nghĩa là không có tinh trùng xuất ra ngoài và được chia thành hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất: trong tinh hoàn của người chồng vẫn còn tinh trùng nhưng trong quá trình tạo tinh thì trục trặc ở khâu nào đó. Những ca thế này mổ tinh hoàn có thể lấy được tinh trùng tươi thì sẽ cho kết hợp với trứng của người vợ. Tuy nhiên, trước đây, nếu lấy ra là tinh trùng non thì sẽ ngưng lại. Sau này, Bệnh viện Hùng Vương dù lấy được tinh trùng non vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật ROSI để thực hiện và cuối cùng cũng có hai ca thành công như vừa kể.

Trường hợp thứ hai: người chồng không có tinh trùng khi xuất ra ngoài và cả trong tinh hoàn. Trường hợp này gọi là vô tinh tuyệt đối, không thể làm gì được, chỉ còn cách đi xin tinh trùng để thụ thai.

Những nguyên nhân phổ biến gây vô tinh: nam giới bị quai bị gây biến chứng hoặc bất thường nhiễm sắc thể và những bệnh lý tại tinh hoàn khiến quá trình tạo tinh trục trặc. Tỷ lệ nam giới vô tinh chiếm 20 - 25% trên các cặp vợ chồng hiếm muộn mà nguyên nhân từ phía người chồng. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI