Khoảnh khắc định mệnh cho hai ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2000

11/11/2020 - 06:01

PNO - Vào đêm định mệnh cách đây 20 năm, trước khi Tòa Tối cao ra phán quyết ai sẽ là tổng thống Mỹ thứ 43, đã có nhiều bất ngờ với cảm xúc lẫn lộn của chính những người trong cuộc.

Tối 7/11/2020 (giờ Việt Nam), hàng loạt hãng truyền thông của Mỹ và quốc tế đã đưa tin chúc mừng ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ thứ 46 với 284 phiếu đại cử tri so với 214 phiếu của tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Truyền thông đã đồng loạt đưa tin ông Joe Biden đắc cử tổng thống trong khi kết quả chính thức vẫn chưa được xác nhận theo các thông lệ - Ảnh: Michael Brochstein —Echoes Wire/Barcroft Media/Getty Images
Truyền thông đã đồng loạt đưa tin ông Joe Biden đắc cử tổng thống trong khi kết quả chính thức vẫn chưa được xác nhận theo các thông lệ - Ảnh: Michael Brochstein/Getty Images

Thế nhưng, hiện việc kiểm phiếu vẫn tiếp diễn trong khi Tổng thống Donald Trump cũng đang thúc đẩy một chiến dịch quy mô nhằm đưa vụ việc lên Tòa Tối cao với cáo buộc có gian lận trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử.

Những tình huống phức tạp và khó lường này khiến người ta liên tưởng tới cuộc tranh đua đầy kịch tính cách đây 20 năm giữa ứng viên George W. Bush và Phó tổng thống Al Gore, và chỉ kết thúc khi có sự tham gia vào phút cuối của Tòa Tối cao.

Tháng 12/2000: Tòa Tối cao và những khoảnh khắc định mệnh

Ngày 12/12/2000, đội ngũ cố vấn pháp lý đại diện cho thống đốc bang Texas George W. Bush và Phó tổng thống đương nhiệm Al Gore “đóng đô” ngay tại khuôn viên Tòa Tối cao để ngóng chờ phán quyết của tòa đối với lệnh tái kiểm phiếu gây tranh cãi ở bang Florida.

Ông George W. Bush (trái) và ông Al Gore (phải) trong một cuộc tranh luận tổng thống diễn ra vào tháng 10/2000 - Ảnh: AP
Ông George W. Bush (trái) và ông Al Gore (phải) trong một cuộc tranh luận tổng thống diễn ra vào tháng 10/2000 - Ảnh: AP

Cả hai lúc đó đang là đối thủ của cuộc đua vị trí Tổng thống Mỹ và đang ở chặng cuối cùng với những tình huống đầy bất ngờ khiến cuộc bầu cử mãi vẫn không thể có được kết quả chung cuộc. Lúc này, Tòa Tối cao chính là nơi mà hàng triệu con mắt trông vào.

Cũng vào cái ngày nửa đầu tháng 12 đó, đông đảo phóng viên của hầu hết các hãng thông tấn lớn ở Mỹ và quốc tế vẫn đang trực chiến ngay tại hành lang của Tòa Tối cao.

Những khuôn mặt hiện rõ vẻ sốt ruột và căng thẳng. Họ đang chờ đợi một quyết định hệ trọng từ bên trong tòa nhà uy nghiêm kia chuyển ra thế giới bên ngoài. Không phải qua website, hay email; và chắc chắn cũng không phải là một dòng tweet trên Twitter bởi phải 6 năm sau thì dịch vụ mạng xã hội trực tuyến được người Mỹ yêu thích này mới được “khai sinh”.

Những dòng chữ mong đợi đó được in trên giấy trắng mực đen và chuyển cho các phóng viên ngay tại Phòng Báo chí thuộc Tòa Tối cao.

Ngay lập tức, cánh phóng viên giữ rịt những tờ giấy trên tay và chạy ngay ra phía các máy quay chờ sẵn bên ngoài để kịp truyền trực tiếp nội dung quan trọng cho hàng triệu khán giả đang nóng lòng chờ đợi.

Khung cảnh hỗn loạn diễn ra bên ngoài Tòa Tối cao hôm 11/12/2000 - Ảnh: AP
Khung cảnh hỗn loạn diễn ra bên ngoài Tòa Tối cao ngày 12/12/2000 - Ảnh: AP

Cũng ngay lúc ấy, trên chương trình tường thuật trực tiếp của đài ABC News, người dẫn chương trình Peter Jennings hỏi phóng viên hiện trường Jeffrey Toobin - vốn là chuyên gia phân tích pháp lý - về nội dung của tập tài liệu nhận từ Tòa Tối cao mà ông đang cầm trên tay, cũng như ý nghĩa thật sự của phán quyết đó.

“Là… uhm...”, ông Toobin nói một cách lúng túng như một cậu bé không thuộc bài, tay giữ chặt những tờ giấy.

“Bình tĩnh nào, Toobin,” Jennings nhắc.

“Là thế này…” Toobin vừa nói vừa lật qua lật lại các tờ giấy.

Nhưng sau đó thì ông vẫn không nói được thêm lời nào nữa cả. Mãi một lúc sau, ông Toobin mới lên tiếng đề nghị:

“Peter, sẽ tốt hơn nếu cho tôi thêm vài phút nữa nhé…”.

Khoảng khắc phóng viên Toobin của đài ABC tỏ ra lúng túng khi cầm trên tay tập tài liệu là phán quyết của Tòa Tối cao - Video tư liệu của đài ABC News

Trong một kỳ bầu cử với quá nhiều kịch tính đáng để ghi vào sử sách như thế này thì không quá khó hiểu khi chứng kiến những khoảnh khắc cuối cùng với nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau như vậy.

Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, ngày 12/12/2000, Tòa Tối cao chính thức tuyên bố, quyết định tái kiểm phiếu của Tòa Thượng thẩm Florida trước đó là "trái hiến pháp". Điều này đồng nghĩa ông George W. Bush chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, dù trước đó, ông Al Gore đã được các hãng truyền thông lớn “điểm mặt đặt tên” như là tân Tổng thống của "xứ cờ hoa".

Báo chí thời bấy giờ cũng rối bời với kết quả kiểm phiếu của 2 ứng viên cho đến khi có phán quyết của Tòa Tối cao - Ảnh: jornalfloripa
Báo chí thời bấy giờ cũng "rối bời" với kết quả kiểm phiếu của 2 ứng viên cho đến khi có phán quyết cuối cùng của Tòa Tối cao - Ảnh: Jornal Floripa

Ngay lúc mà các luật sư của ông Bush đang bận rộn fax bản phán quyết của Tòa Tối cao cho nhau thì ông Karl Rove - cố vấn trưởng của chiến dịch vận động tranh cử của ông Bush cũng đang dán mắt vào màn hình tivi để nắm bắt tình hình truyền đi từ Tòa Tối cao.

“Lúc ấy tôi đang bật qua bật lại các kênh truyền hình đang phát trực tiếp… Các phát thanh viên đang đọc từng từ trên những tờ giấy mà họ nhận được từ Tòa”, ông Rove nhớ lại. “Tôi chỉ kịp nghe loáng thoáng phần kết luận rằng, Tòa Tối cao nhận thấy lệnh cho phép tái kiểm phiếu của Tòa Thượng thẩm bang Florida là vi phạm các điều luật… Có nghĩa là cuối cùng cuộc bầu cử cũng đã được kết thúc”.

Rove nhấc máy gọi ngay cho ông Bush, lúc ấy là 10 giờ tối, ngày 12/12/2000 và ông Bush đang nằm đọc sách trên giường.

“Chúc mừng ngài, thưa Tổng thống”, ông Rove hét lên trong điện thoại.

Rõ ràng là ông Bush đã bối rối: “Anh đang nói cái gì vậy? Anh có điên không đấy?”.

Những người ủng hộ của cả 2 bên tập trung ngay trước Tòa Tối cao để chờ đợi phán quyết của Tòa - Ảnh: Michael Robinson-Chavez/TWP
Những người ủng hộ của cả hai bên tập trung ngay trước Tòa Tối cao để chờ đợi phán quyết của Tòa - Ảnh: Michael Robinson-Chavez/TWP

Lý giải phản ứng nặng nề này của mình với thuộc cấp trong quyển sách mang tên “Cuộc gọi vào phút cuối: Trận chiến 36 ngày để quyết định cho kỳ bầu cử năm 2000” do ký giả Toobin chắp bút, ông Bush tiết lộ rằng, ngay trước khi nhận cuộc gọi từ Rove thì ông Bush có xem bình luận từ đài CNN với nhận xét rằng, ông chính là kẻ thua cuộc.

Trong khi Rove càng cố thuyết phục ông Bush rằng ông đã thắng cử thì lại càng khiến bản thân ông hoang mang hơn. “Tôi cần gọi cho luật sư”, ông Bush trả lời.

Cũng ngay trong thời điểm ấy, ông Gore và đội ngũ cộng sự của mình cũng đang “rối như tơ vò” với phán quyết bất ngờ từ Tòa Tối cao.

“Những gì cần biết thì lại nằm tuốt ở tận trang 7 của phán quyết”, Ron Klain - một thành viên trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Al Gore kể lại. “Thật là khủng khiếp. Ông Gore thì đang giục tôi ở đầu dây bên kia trong khi tôi thì cứ cắm đầu đọc và đọc… Người ta chuyển cho tôi từng tờ giấy… 1 tờ… 2 tờ… May quá, cuối cùng thì tôi cũng có được tờ giấy thứ 7…”.

Thế nhưng khi đọc đến trang thứ 12 thì Klain nói với ông Gore: “Thưa ngài, tôi nghĩ rằng, có vẻ như chúng ta đang trở nên tuyệt vọng”.

Số phiếu của cả 2 ứng viên liên tục thay đổi khiến ngay chính bản thân của họ cũng không biết ai là kẻ thắng người thua - Ảnh: potus-geeks
Số phiếu của cả hai ứng viên liên tục thay đổi khiến không ai đoán được ai là kẻ thắng người thua - Ảnh: potus-geeks

Lúc đó, ở bang Texas, ông Bush đã bình tâm trở lại sau cuộc gọi hàng giờ với các luật sư của mình. Và tất cả họ đều chung nhận định: "Cuộc chơi" đã kết thúc và ông mới chính là người thắng cử.

Liên tiếp các cuộc gọi sau đó cho ông Bush đều bắt đầu với câu: “Chúc mừng ngài Tổng thống đã đắc cử”.

Ngày hôm sau, ông Gore gọi cho ông Bush để công nhận việc mình thua cuộc. Thế là cuộc bầu cử đầy tranh cãi được lịch sử Mỹ đặt tên là “36 ngày điên rồ của nước Mỹ” đã chính thức khép lại.

Bầu cử tổng thống năm 2020: Liệu lịch sử có lặp lại?

Với quyết tâm đưa vụ việc lên Tòa Tối cao lần này, liệu một kịch bản với kết thúc mỹ mãn của tổng thống Bush từ năm 2000 có lặp lại với ông Trump hay không? - Ảnh: Getty Images
Với quyết tâm đưa vụ việc lên Tòa Tối cao lần này, liệu một kịch bản với kết thúc mỹ mãn của Tổng thống Bush từ năm 2000 có lặp lại với ông Donald Trump cho kỳ bầu cử năm 2020 hay không? - Ảnh: Getty Images

Vào những ngày đầu tháng 11/2020, nước Mỹ cũng lại đang rơi vào một tình huống pháp lý đầy phức tạp khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố rằng, cuộc bầu cử năm 2020 có dấu hiệu gian lận, và đáng lẽ ông đã dễ dàng tái đắc cử với số phiếu bầu hợp pháp dành cho mình. 

“Vì vậy, Tòa Tối cao cần xem xét và ra quyết định”, ông Donald Trump viết trên tài khoản Twitter của mình.

Liệu sau 20 năm, một kịch bản tương tự có xảy ra với nước Mỹ hay không? Những điều bất ngờ vẫn đang còn ở phía trước.

Nguyễn Thuận (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI