Khi mạng xã hội thành sân chơi của kẻ lừa đảo

05/09/2023 - 06:00

PNO - Tình trạng lừa đảo thông qua internet đang tăng nhanh tại nhiều nơi trên thế giới. Đáng chú ý, mạng xã hội là kênh thông tin phổ biến nhất giúp kẻ xấu tìm kiếm, giăng bẫy và đánh lừa các nạn nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản hoặc thậm chí là buôn người, lao động cưỡng bức.

"Mỏ vàng” cho tội phạm

Ngày 30/8, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan đến đường dây lừa đảo trực tuyến, sau vụ một người đàn ông sát hại vợ con rồi tự sát vào ngày 28/8. Nhằm trang trải khoản nợ gia đình, người vợ đã tìm đến đường dây cho vay trực tuyến và bị lừa hơn 48.000 USD, khiến gia đình vỡ nợ. 

Mạng xã hội đang trở thành nơi tội phạm dễ dàng lừa đảo người dùng - ẢNH MINH HỌA: UNSPLASH
Mạng xã hội đang trở thành nơi tội phạm dễ dàng lừa đảo người dùng - Ảnh minh họa: Unsplash 

Xứ chùa vàng đang chứng kiến sự gia tăng các vụ án lừa đảo và tội phạm mạng. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề, Thái Lan đã ban hành luật mới vào đầu năm 2023, cho phép ngân hàng đóng băng ngay lập tức các tài khoản đáng ngờ trong 72 giờ mà không cần nạn nhân bị lừa đảo trình báo cảnh sát. Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và xã hội Thái Lan Chaiwut Thanakamanusorn cho biết Thái Lan đang chuẩn bị kiện Facebook - một động thái có thể khiến nền tảng này phải đóng cửa trên toàn quốc - với lý do những kẻ xấu dễ dàng sử dụng Facebook để lừa đảo người dùng.

Người phát ngôn của bộ Wetang Phuangsup nói thêm rằng, một số trò lừa đảo phổ biến nhất liên quan đến quảng cáo trả phí trên Facebook, kêu gọi mọi người đầu tư vào các công ty giả mạo, thường sử dụng biểu tượng của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan hoặc hình ảnh những người nổi tiếng địa phương. Ước tính 70 - 80% vụ lừa đảo trực tuyến tại Thái Lan liên quan đến Facebook.

Với việc cuộc sống của hàng triệu người xoay quanh mạng xã hội, các doanh nghiệp nhỏ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Instagram, Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội khác để quảng bá hoạt động kinh doanh. Gần một nửa doanh số bán hàng của Pat Bennett - một doanh nhân bán bánh granola ở Cleveland, bang Ohio (Mỹ) - thu được nhờ thông qua Instagram. Một ngày, cô Bennett nhận được tin nhắn trên Instagram từ một chủ doanh nghiệp khác mà cô quen biết. Người này nhờ Bennett bỏ phiếu cho mình tại một cuộc thi thông qua đường dẫn liên kết.

Nhưng khi Bennett nhấn vào đường link, cô lập tức mất quyền kiểm soát tài khoản Instagram và Facebook của mình. Với sự giúp đỡ từ bạn bè, cô truy vết và phát hiện địa chỉ IP của kẻ tấn công là từ châu Âu. Sau đó, Bennett nhận được email nói rằng, cô có thể lấy lại quyền kiểm soát tài khoản nếu trả khoản tiền chuộc 10.000 USD. Bennett từ chối trả tiền và chấp nhận xây dựng trang bán hàng lại từ đầu. Vào năm 2021, Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận được 847.376 khiếu nại liên quan đến các cuộc tấn công và hoạt động độc hại trên mạng với thiệt hại gần 7 tỉ USD, phần lớn trong số đó nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ. Các nạn nhân cho biết, những “gã khổng lồ” truyền thông xã hội như Meta hầu như chẳng làm gì để giúp họ giải quyết vấn đề.

Cần sự hợp sức từ nhiều phía

Dữ liệu mới do Ngân hàng Barclays của Anh công bố cho thấy, gần 9/10 vụ lừa đảo mua hàng bắt đầu từ mạng xã hội. Lừa đảo mua hàng là việc người dân mua những sản phẩm không có thật hoặc không như quảng cáo. Ngân hàng Barclays cho biết, trung bình mỗi nạn nhân mất khoảng 1.000 bảng Anh cho những kiểu lừa đảo này. Matt Hammerstein - Giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays tại Anh - nói các nền tảng công nghệ như mạng xã hội là nguồn gốc của “hầu hết các vụ lừa đảo”. Dù vậy, vẫn không có quy định pháp lý nào bắt buộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phải hỗ trợ ngăn chặn tội phạm.

Theo dữ liệu của ngân hàng, thanh niên trong độ tuổi 21-30 có nhiều khả năng bị lừa đảo nhất và họ chiếm 24% số nạn nhân. Tuy nhiên, những người trên 70 tuổi mới là đối tượng bị mất tiền nhiều nhất vì lừa đảo qua mạng khi chiếm tới 1/4 tổng giá trị tài sản thiệt hại. Ngân hàng này nhận định, cần có một quỹ bồi hoàn cho nạn nhân, được tài trợ bởi tất cả công ty sở hữu hệ thống và nền tảng được kẻ xấu dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo, bao gồm cả các công ty công nghệ và ngân hàng. Đồng thời, việc ngăn chặn lừa đảo nên trở thành quy định bắt buộc, thay vì chỉ mang tính tự nguyện như hiện tại. 

Tại Úc, các ngân hàng, công ty viễn thông và các nền tảng truyền thông xã hội lớn sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho những người tiêu dùng bị mất tiền do lừa đảo. Đây là một quy định theo quy tắc liên ngành mới nhằm dẹp bỏ các trang web lừa đảo, ngăn chặn các tài khoản và quảng cáo giả mạo. Bộ trưởng Dịch vụ tài chính Stephen Jones cho biết, Ủy ban An ninh và Đầu tư Úc (ASIC) sẽ hoàn thiện và quản lý thực hiện quy tắc trên từ ngay trong năm nay. Ngoài ra, hệ thống đăng ký tin nhắn SMS cũng đang được phát triển để chặn tin nhắn lừa đảo, mạo danh các cơ quan chính phủ và công ty nổi tiếng, tương tự như cách làm của Singapore. 

Tấn Vĩ (theo Euronews, CNBC, Financial Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI