Khi học trò thành món hàng để đổi chác

20/03/2019 - 11:00

PNO - Chuyện học sinh bị nhiễm sán lợn bây giờ mới thấy, nhưng chuyện cha mẹ các cháu phải trả chi phí đắt, thậm chí rất đắt mà các cháu lại phải “hứng” những thực phẩm ôi thiu, dẫn đến bị ngộ độc thì thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Vụ việc hơn 200 trẻ mầm non ở H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn (heo) đang khiến cả xã hội âu lo. Người ta đang nghi ngờ, ở trường, các bé đã ăn phải thịt heo nhiễm sán. Sự độc quyền cung cấp thực phẩm (và nhiều thứ dịch vụ khác) vào các trường học đang ngày càng phổ biến trong cả nước và là nguyên nhân khiến thịt heo nhiễm bệnh vẫn vô tư “đi vào” bữa ăn của trẻ. 

Trong khi xã hội đang nỗ lực xóa bỏ độc quyền nhằm đa dạng hóa nguồn cung, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thì các trường học, phòng giáo dục, sở giáo dục và đào tạo lại tìm cách để độc quyền cung cấp các dịch vụ cho học sinh, trong đó có nguồn thực phẩm. Chuyện học sinh bị nhiễm sán lợn bây giờ mới thấy, nhưng chuyện cha mẹ các cháu phải trả chi phí đắt, thậm chí rất đắt mà các cháu lại phải “hứng” những thực phẩm ôi thiu, dẫn đến bị ngộ độc thì thỉnh thoảng vẫn xảy ra. 

Khi hoc tro thanh mon hang de doi chac
Phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương (H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đội mưa xuyên đêm chờ xét nghiệm bệnh sán lợn cho con (Nguồn ảnh: Dân Trí)

Vì sao người ta lại muốn độc quyền? Xin nói thẳng là để kiếm chác trên bữa ăn của học sinh. Bớt xén khẩu phần ăn của học sinh chẳng còn là chuyện xa lạ. Chẳng phải “nhón” của các cháu tí thịt, tí rau, chút nước mắm, xì dầu… mà người ta đã kê giá các loại thực phẩm để “đôn” bữa ăn của học sinh lên vài chục phần trăm.

Với 1kg thịt heo loại ngon, các cửa hàng Vissan bán giá 94.000 đồng nhưng hiệu trưởng lại chọn mua thịt heo của một công ty vô danh tiểu tốt nào đó với giá 170.000 đồng. Trứng vịt bán trong siêu thị 25.000 đồng/chục thì nhà cung cấp bán 49.000 đồng. Mọi thứ từ gạo, dầu, nước mắm, đường, bột ngọt đều đắt hơn giá thị trường vài chục phần trăm. 

Về lý, phụ huynh là người bỏ tiền (còn nhà trường chỉ là người thu hộ - chi hộ) nên họ có quyền kiểm soát chất lượng thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra. Thế nhưng, không trường nào cho họ thực hiện cái quyền đó. Muốn tham quan bếp ăn bán trú hay bữa ăn của con em mình, phụ huynh phải xin phép và được nhà trường xếp lịch. Tại một trường tiểu học ở TP.HCM, khi phụ huynh phát hiện và lên tiếng về giá thực phẩm quá đắt thì hiệu trưởng mới tiết lộ: nhà cung cấp do trưởng phòng giáo dục chỉ định(!). 

Với hàng trăm đến hàng ngàn học sinh bán trú, trường học luôn là nơi mà các công ty thực phẩm muốn thâu tóm. Nhưng hiệu trưởng và nhóm lợi ích cũng chẳng dại, họ mang ngay học sinh của mình để kiếm chác. Nếu không có cái gật đầu của lãnh đạo phòng, thậm chí là lãnh đạo quận hay sở, thì đố ai có thể độc quyền cung cấp thực phẩm cho một trường học nào đó. Ấy vậy mà việc ấy lại đang tràn lan. Không chỉ một trường mà ở H.Thuận Thành, công ty nọ còn được độc quyền cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non trong toàn huyện. Ai làm lợi cho hiệu trưởng và nhóm lợi ích nhất đương nhiên sẽ được chọn làm đối tác mà không cần hỏi ý kiến phụ huynh hay đấu thầu chọn giá. 

Không chỉ bữa ăn mà mọi hoạt động giáo dục như tiết học ngoài nhà trường, giáo dục ngoại khóa, du lịch học tập, học tiếng Anh với người nước ngoài, đồng phục, cặp học sinh… giờ đây đều đã và đang bị độc quyền. Nhưng chẳng dễ chống lại nó. Trong nhiều bê bối bị phát hiện ở một trường trung học phổ thông tại TP.HCM, có chuyện hiệu trưởng lén ký hợp đồng để một công ty độc quyền cung cấp đồng phục cho học sinh trong 10 năm.

Ông hiệu trưởng ấy đã bị giáng chức và chuyển đi trường khác, nhưng đến nay, học trò vẫn cứ phải mua áo quần và ba-lô đồng phục theo hợp đồng độc quyền đã ký, dù chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Điều này cho thấy, độc quyền đang bị nhóm lợi ích điều khiển. 

Tại TP.HCM, phụ huynh các trường từ mầm non tới trung học phổ thông từng phải ngậm đắng nuốt cay “đón nhận” những chiếc bảng tương tác giá gấp đôi thị trường. 
Nhưng độc quyền đã và đang dẫn đến một hậu quả ghê gớm hơn. Nhiều nơi mâu thuẫn bùng ra, thầy cô giáo đại diện cho lẽ phải đứng lên tố cáo hiệu trưởng và nhóm lợi ích. Tập thể sư phạm bị kéo vào một cuộc chiến, thầy cô chẳng còn tâm trí, và cũng không còn là tấm gương, để dạy dỗ, giáo dục học sinh. Những vụ bạo lực diễn ra ở học đường đang ngày càng nhiều, có nguyên nhân từ sự thờ ơ và thiếu làm gương của các thầy cô giáo. Đấy mới là hậu quả khủng khiếp mà học sinh, phụ huynh và cả xã hội phải gánh chịu. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI