Sách Sân khấu cải lương TPHCM 1975-2025: Tiền đề cho những nghiên cứu chuyên sâu về cải lương

11/07/2025 - 06:13

PNO - Hội Sân khấu TPHCM vừa ra mắt sách biên khảo Sân khấu cải lương TPHCM 1975-2025 nhân kỷ niệm các cột mốc ý nghĩa của đất nước trong năm 2025.

Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, đồng chủ biên sách (cùng Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc) - về công trình này.

Ban biên tập sách tại buổi giao lưu ra mắt tác phẩm - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Ban biên tập sách tại buổi giao lưu ra mắt tác phẩm - Ảnh: Ngọc Tuyết

Phóng viên: Trong nửa thế kỷ qua, sân khấu cải lương (SKCL) trải qua quá nhiều thăng trầm. Ban biên tập đã định hướng và chọn lọc như thế nào để có được công trình sách này, thưa ông?

Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu: Chúng tôi nhận định việc nhìn lại giai đoạn 1975-2025 rất quan trọng. Không chỉ cần cái nhìn toàn diện về một giai đoạn, đời sống SKCL rất sôi động, lắm thăng trầm mà còn rút ra những bài học, giải pháp cho việc gìn giữ và phát triển SKCL trong giai đoạn tiếp theo. Công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ hơn 2 năm trước. Tháng 7/2023, hội đã tổ chức tọa đàm nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc thực hiện công trình.

Qua đóng góp của các tác giả, công trình tập hợp các bài viết ghi nhận theo giai đoạn: từ giai đoạn phát triển phồn thịnh (1975-1990) sang giai đoạn khủng hoảng (1990-2010), sau đó dần thích ứng và tìm hướng đi mới. Qua đó, người đọc có thể nắm được từ những vấn đề khái quát đến các thành phần đóng góp quan trọng vào sự phát triển của SKCL giai đoạn này.

* Có điều gì làm ông trăn trở hay chưa được thể hiện trong sách?

- Theo tôi, tập sách mới chỉ dừng lại ở chỗ khảo cứu, ghi nhận một số thành quả chứ chưa tổng kết vấn đề và đi sâu vào học thuật. Muốn làm được điều đó cần có thời gian, công tác tổ chức biên soạn, tập hợp được lực lượng thực hiện chuyên nghiệp và có tài chính.

Quá trình làm sách có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công trình này cũng là một sự khởi đầu để định hướng cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu sâu về SKCL và khơi gợi cho các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu có tiền đề để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn từng vấn đề. Ví dụ, về sự phát triển của âm nhạc hay mỹ thuật cải lương, hiện rất khó có người tổng kết được khi thế hệ làm nghề kỳ cựu rơi rụng dần, lớp trẻ lại quá mới. Về công tác đạo diễn, những tên tuổi làm nên thời kỳ rực rỡ của SKCL đã không còn, một mình tôi hay đạo diễn Hoa Hạ cũng không kịp tổng kết để đi vào chuyên sâu được.

* Vấn đề của SKCL là thiếu hệ thống lý luận, thiếu những công trình học thuật có thể định hướng cho người làm nghề lẫn nghiên cứu về sau. Cần giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

- Trước đây, chúng ta từng có một trung tâm nghiên cứu cải lương nhưng nơi đây lại nặng về việc tập hợp tư liệu, thu thập hiện vật (nhạc cụ, đạo cụ…), gần tính chất bảo tàng hơn là nghiên cứu học thuật, chuyên sâu. Tôi từng nhiều lần đề nghị phải có một trung tâm “nghiên cứu và phát triển” SKCL chứ không “bảo tồn”. Cải lương chưa thể bảo tồn được khi nó vẫn đang trên đà phát triển. Theo tôi, hiện nay, cải lương chưa có lý luận loại hình mà chỉ mới tập hợp những quan điểm cá nhân. Vì chưa có sự thống nhất nên người ta chưa nhìn được hết hướng đi, chưa biết nó thực sự là gì và phát triển ra sao.

Nghiên cứu lý luận phải gắn với thực tiễn. Tốt nhất, bên cạnh trung tâm nghiên cứu và phát triển này phải có nhà hát thực nghiệm để thực chứng những vấn đề được tổng kết, từ đó đề xuất hướng đi mới. Hiện tại, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ dừng lại ở nhiệm vụ biểu diễn chứ chưa có vai trò cho mục đích nghiên cứu chuyên sâu và thực nghiệm.

* Những năm qua, SKCL thực sự khởi sắc với nhiều nhân tố trẻ. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Trong tình hình vô vàn khó khăn của SKCL, với tấm lòng yêu nghề, các nghệ sĩ đã bươn chải, tập hợp lực lượng làm nên các đơn vị xã hội hóa. Đây là nỗ lực đáng khen khi các bạn tự bỏ tiền ra làm đoàn. Vì vậy, các bạn phải nghĩ đến việc thu về để duy trì hoạt động, chưa nói đến chuyện có lời hay không. Khó khăn chung của sân khấu là khan hiếm kịch bản nên các bạn phải lấy ý tưởng làm tuồng từ phim ảnh, nhất là phim nước ngoài. Điều này làm cho đường đi của một số đơn vị bị chệch choạc. Nhưng, với nhiệt huyết, các bạn đã giữ được một lượng khán giả yêu cải lương. Tình hình trên đòi hỏi Nhà nước có trách nhiệm tiếp sức, có định hướng cho đơn vị xã hội hóa không phải chỉ về nội dung tư tưởng tác phẩm mà còn là sự động viên thiết thực để đưa các bạn trở lại với lý tưởng làm nghề, sao cho đáp ứng được đời sống giải trí và cả giá trị thẩm mỹ chứ không chỉ để bán vé.

* Xin cảm ơn ông.

Ninh Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI