Jaden Trịnh Jedushass: Những điều rất khác

18/07/2016 - 06:13

PNO - 12 tuổi, chơi được 14 nhạc cụ, đoạt nhiều giải thưởng về nhạc jazz, nhạc đồng quê, sáng tác tại New Zealand và Úc, là giáo viên dạy nhạc nhỏ nhất ở thành phố, thành viên trẻ em duy nhất trong một dàn nhạc Trung cổ...

Jaden Trinh Jedushass: Nhung dieu rat khac

12 tuổi, chơi được 14 nhạc cụ, đoạt nhiều giải thưởng về nhạc jazz, nhạc ồng quê, sáng tác tại New Zealand và Úc, là giáo viên dạy nhạc nhỏ nhất ở thành phố, thành viên trẻ em duy nhất trong một dàn nhạc Trung cổ, nhà sản xuất kiêm phóng viên và phát thanh viên một chương trình về những vấn đề liên quan tới thế hệ thanh thiếu niên đa văn hóa tại New Zealand … là những gì thuộc về Jaden Trịnh Jedushass. Những điều ấy đủ “gây choáng” bất kỳ ai theo dõi Vietnam Idol Kids, nhưng vẫn chưa đủ về cậu bé đang được gọi là “thần đồng” này.

Tại vòng sơ tuyển, Jayden là một cậu bé ngoại quốc, tiếng Việt chưa sõi ôm guitar hát 60 năm cuộc đời. Càng vào vòng trong, em gây từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cho đến lúc Jayden hát ca khúc Quê hương với một cách xử lý khác và cảm xúc quá nhiều so với những gì một cậu bé 12 tuổi có thể mang lại, thì em đã “quá Việt Nam” trong lòng khán giả.

Jaden Trinh Jedushass: Nhung dieu rat khac

Jayden ra đời khi mới vừa tháng thứ bảy. Người mẹ, chị Liên Trịnh, nhìn đứa con sinh non nhỏ xíu xiu của mình mà hoảng hốt. Điều ước ao duy nhất của chị khi ấy là chỉ cần con mình được phát triển đầy đủ về não bộ và tứ chi. Vậy mà Jayden lớn lên, đi xa hơn thế, đi như thể bố và mẹ luôn luôn ở phía sau, nếu không cố thì khó mà bắt kịp em nữa. Sau này, người mẹ ấy nhìn lại và tự hỏi, liệu có phải chính âm nhạc, chính các loại nhạc cụ đã kích thích, đã giúp Jayden vượt qua sự khó khăn trong phát triển của một đứa trẻ sinh non, vượt qua cơn bệnh hen suyễn nặng nề kéo dài mấy năm kể từ khi ra đời?

Jaden Trinh Jedushass: Nhung dieu rat khac

Nhạc cụ đầu tiên mà Jayden tiếp xúc là guitar, với một cây đàn cỡ nhỏ của thầy hiệu trưởng trường mẫu giáo nơi cậu học. Đó không phải là một lớp học riêng biệt mà chỉ là một lớp học như đúng giáo trình, nhưng kể từ khi được chạm vào những sợi dây, Jayden không chịu buông đàn ra nữa. Ở New Zealand, vào cuối tuần thường có những lớp dạy nhạc cho trẻ em phi lợi nhuận hoặc học phí rất thấp.

Trong một lớp như thế, Jayden được bố mẹ chọn cho nhạc cụ thứ hai để tiếp xúc, là sáo. “Trước đó tôi thấy Jayden rất thích hát. Tôi nghĩ con cần biết thêm về nốt nhạc, mà sáo thì sẽ giúp Jayden điều ấy”, chị Liên Trịnh kể. Tính đến thời điểm hiện tại, đó là cơ hội sau cùng chị được chọn nhạc cụ cho con, bởi kể từ đó, Jayden tự quyết việc khám phá nhạc cụ của mình, tất nhiên có sự tham vấn của bố mẹ.

Lên sáu tuổi Jayden chơi piano và trống, sau đó nữa thì sáo flute (loại sáo thường dùng trong dàn nhạc hòa tấu phương Tây)... Sau đấy, trung bình cứ một năm Jayden lại làm quen một-hai nhạc cụ mới. Dường như có một điều gì đó ẩn sâu bên trong cậu bé hồn nhiên này, nên bất cứ nhạc cụ nào khi tiếp xúc, Jayden đều say mê và cảm thụ như thể điều ấy đã có sẵn. Không thầy dạy nào không ngạc nhiên về sự say mê và thẩm thấu ấy.

Jaden Trinh Jedushass: Nhung dieu rat khac
Jayden và mẹ

Năm 2015, khi về Việt Nam thăm bà ngoại, Jayden đã quyết định học thêm đàn nhị. Cậu chỉ được học sáu buổi và sau đó phải tự học khi về lại New Zealand. Cho đến khi quay trở lại Việt Nam vào tháng 3/2016 để tham gia Vietnam Idol Kids, Jayden mới tiếp nối việc học đàn nhị ba buổi/tuần. Dường như sự say mê của Jayden với loại nhạc cụ này được cộng hưởng từ một yếu tố khác: quê hương, nên mỗi buổi học ấy thường kéo dài từ bốn-năm tiếng mà cả thầy lẫn trò đều không muốn dừng lại.

Ở một khía cạnh nào đó, với Việt Nam, Jayden vẫn là nhân tố mới. Thế nhưng ở New Zealand, cái tên này đã phủ khắp phương tiện truyền thông, không ai quan tâm đến âm nhạc mà không biết Jayden. Ở New Zealand, một năm học được chia làm bốn kỳ. Khoảng nghỉ giữa các kỳ, thường kéo dài hai tuần, Jayden được mời dạy nhạc ở một viện bảo tàng. Cậu trở thành thầy giáo dạy nhạc nhỏ tuổi nhất ở thành phố cậu sống. Rồi thì, Jayden cũng là thành viên của một ban nhạc theo phong cách Trung cổ, mà các thành viên khác đều 50 tuổi trở lên… Jayden biểu diễn khắp nơi, tại những buổi mà ở đó cậu là đứa trẻ duy nhất.

Giải thưởng về âm nhạc mà Jayden đạt được cũng đếm không xuể. Nhưng mọi người yêu Jayden không chỉ bởi những điều ấy, mà còn bởi đam mê và sự chia sẻ ở cậu. Bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần có lời yêu cầu là Jayden lại đàn, hát. Đó là vỉa hè trăm kẻ lại qua, đó là ngõ chợ xô bồ mua bán, đó là bờ sông Hằng ở nước Ấn xa xôi, là công viên nơi Jayden tập thể dục ở Việt Nam… Jayden cứ thế ngồi xuống mà đàn mà hát. Đó cũng là lý do mà đi đâu Jayden cũng mang theo cây đàn guitar bên mình. Rất thường xuyên, Jayden ngồi hát ở vỉa hè ở New Zealand. Đó là hình ảnh quen thuộc của văn hóa phương Tây, cũng là sự thích thú của Jayden.

Với vợ chồng chị Liên Trịnh, đó chính là trải nghiệm mà cả hai người muốn con có được. Vỉa hè ấy với bao nhiêu cuộc đời khác nhau trôi qua, bao nhiêu con người ở tầng lớp khác nhau và sự thưởng thức khác nhau đến rồi đi, Jayden sẽ lớn thêm lên với những điều có thể xung đột nhau, nhưng cũng có thể đồng nhất nhau ấy. Đó chính là điều mà không môi trường gia đình nào, học đường nào có thể mang lại.

Sự trải nghiệm cũng chính là lý do mà cha mẹ từng quyết định đưa Jayden đi “phượt” ở Ấn Độ hơn một tháng. Sự khắc nghiệt về sinh hoạt và phân tầng giai cấp ở đất nước châu Á này khiến Jayden đi từ sửng sốt đến bật khóc. “Nhưng đó là trải nghiệm cần thiết cho cuộc đời Jayden”, người mẹ từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc khẳng định. Ở vệ đường không mấy sạch sẽ của Ấn Độ, Jayden dã ngồi bệt xuống và đàn hát, như một sự sẻ chia những gì tốt đẹp nhất từ tâm hồn cậu bé đến mọi người.

Cha của Jayden mang quốc tịch Singapore nhưng cả nhà đã định cư ở New Zealand từ khi cậ u sinh ra. Bản thân sự dịch chuyển và đa dạng môi trường sống đã là một trải nghiệm. Và, có thể chính tư duy khác biệt từ môi trường giáo dục của bố mẹ mà khả năng âm nhạc của Jayden chưa bao giờ dừng lại. Nhưng, với bố mẹ Jayden, khả năng ấy vẫn chỉ là một sự rèn luyện, và từ “thần đồng” mà mọi người đang dùng cho Jayden là một điều không chính xác về cậu.

“Đó đơn giản chỉ là đam mê và sự cần cù tập luyện”, chị Liên Trịnh nói. Cũng theo chị, trong 14 loại nhạc cụ mà con trai chơi được, chỉ có bảy-tám nhạc cụ là ở mức chơi tốt với việc biểu diễn chuyên nghiệp, còn lại Jayden vẫn phải học nhiều. Mỗi khi có khách đến nhà, bố mẹ lại phải giấu lịch học của Jayden treo trên tường đi vì sợ khách… choáng. Lịch ấy kín mít từ sáng sớm đến nửa đêm, với học văn hóa và tập nhạc. Điều quan trọng nhất là Jayden hạnh phúc với sự bận rộn ấy.

Sự bền bỉ với âm nhạc ở Jayden chính là điều khiến bố mẹ cậu hài lòng nhất, mà không phải là giải thưởng hay sự tung hô nào. Điều khiến mẹ vui là tuy bận rộn thế nhưng trong lớp học văn hóa, Jayden vẫn là một trong những học sinh tốp đầu, luôn được thầy cô tin tưởng và yêu mến. Đó là lý do khi gia đình xin phép nghỉ học vài tháng để về Việt Nam dự thi, nhà trường đã cho phép. Giờ thì Việt Nam đối với Jayden không còn là từ “quê mẹ” giản đơn nữa. Cậu thích ngồi vỉa hè, thích những buổi sáng tập thể dục ngoài công viên, thích ăn bánh tráng trộn cay xè… “Cay lắm nhưng ngon lắm ạ”, Jayden hào hứng nói về món bánh tráng trộn.

Nếu như việc Jayden say mê âm nhạc khiến bố mẹ vui, thì với riêng chị Liên Trịnh, có một điều hạnh phúc riêng tư khác. Thời còn sinh viên và sinh sống tại Việt Nam, chị thích hát và có biểu diễn ở một vài địa điểm nhỏ, nhưng luôn tự ti mình không thể chơi nhạc cụ. Với chị, nhạc cụ là một thế giới khác mà chị không đủ sức bước vào. Rồi chính Jayden đã dạy mẹ, và hiện chị đã có thể chơi guitar và piano. Nỗi mặc cảm ngày xưa được xó  đi, và bài học chị học được từ con là chỉ cần cố gắng, điều gì cũng có thể làm được.

Điều gì khiến chị thấy hối tiếc nhất trong quá trình sinh trưởng của Jayden? Chị nói, đó là việc dạy tiếng Việt cho con trai bị gián đoạn. Khi Jayden sinh ra, chị vẫn dạy tiếng Việt cho con, nhưng khi Jayden ba tuổi, vì muốn thuận tiện trong việc trao đổi cùng lúc với hai bố con (cha của Jayden không hiểu tiếng Việt), chị lại chuyển sang trò chuyện với con bằng tiếng Anh. Cho đến khi Jayden về Hà Nội thăm nhà ngoại, nhìn hai bà cháu không thể trò chuyện cùng nhau, chị mới biết mình đã mắc phải một sai lầm lớn. Sai lầm ấy ngay lập tức được sửa chữa, với việc cầu viện một người bạn sang New Zealand học cao học.

Người bạn đã dạy cho Jayden ít nhất mỗi tuần một buổi tiếng Việt. “May mắn là dường như có sự nhắc nhớ nào đó trong tiềm thức nên con tiếp thu tiếng Việt khá nhanh. Dẫu vậy, việc hát hay một bài hát tiếng Việt là chuyện khác bởi với Jayden, em không thể mang đến cảm xúc khi từng từ ngữ em không thể hiểu. “Ví dụ như con không hiểu được từ “con diều biếc”, con phải nhờ mẹ giải thích”, Jayden kể về lần biểu diễn bài hát Quê hương.

“Giờ thì Jayden đã có thể sáng tác được bài hát tiếng Việt”, chị Liên Trịnh chia sẻ. Bài hát ấy có tên Say mê, và Jayden hy vọng có cơ hội để giới thiệu sản phẩm ấy vào đêm chung kết. Và, giờ thì Jayden luôn muốn ở những nơi cậu đến, cậu có thể tự hào kể cho bạn bè nghe về quê nhà Việt Nam.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI