Indonesia cử thêm 4 tàu chiến và hơn 100 ngư dân ra vùng biển nơi Trung Quốc đang xâm phạm

06/01/2020 - 19:37

PNO - Ngày 6/1, Indonesia đã triển khai bốn tàu chiến bổ sung đến Quần đảo Natuna, sau khi các tàu Trung Quốc không chịu rời khỏi khu vực.

Các tàu chiến sẽ tham gia cùng bốn tàu khác hiện đang tuần tra ở khu vực Natuna, gần Biển Đông. Chỉ huy Fajar Tri Rohadi, một sĩ quan công vụ thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội số 1 của Hải quân Indonesia nói với CNA: “Chúng tôi đã có bốn tàu chiến ở đó, vì vậy ngày mai sẽ có tám tàu ​​chiến trong vùng biển. Chúng tôi cũng có hàng trăm nhân viên tại khu vực”.

Hàng chục tàu đánh cá Trung Quốc đã vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế Indonesia (EEZ) ở Natuna từ tháng 12/2019. Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta và đưa ra công hàm phản đối.

Đáp lại, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng vùng biển Natuna là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc.

Vị trí của Biển Bắc Natuna trên bản đồ mới của Indonesia.
Vị trí của Biển Bắc Natuna trên bản đồ mới của Indonesia.

Theo Tư lệnh Rohadi, Ủy ban Không quân và An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA) cũng đang tuần tra khu vực. Họ đã tiếp cận các tàu Trung Quốc bằng cách liên lạc qua đài phát thanh: “Chúng tôi hy vọng họ sẽ rời đi. Những chiếc thuyền đánh cá đang đánh bắt trái phép. Nếu họ không rời đi, chúng tôi sẽ có cách thuyết phục để họ hiểu luật pháp Indonesia. Đó là quyền chủ quyền của Indonesia”.

Ông cho biết tàu đánh cá Trung Quốc hiện diện tại khoảng 30 địa điểm. Tại mỗi điểm, có thể có tới hai chiếc thuyền. Ba tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc cũng được nhìn thấy trong khu vực.

Chỉ huy Rohadi nói thêm: “Chúng tôi phải hành động một cách chính xác và thông minh nhằm thực thi luật pháp mà không làm mọi thứ căng thẳng. Nhưng luật của chúng tôi đã được phê chuẩn quốc tế, vì vậy tất cả phải tuân theo luật quốc tế. Mọi người biết vùng biển thuộc về Indonesia”.

Indonesia đã tăng cường tuần tra quanh Quần đảo Natuna gần Biển Đông - Ảnh: AFP.
Indonesia đã tăng cường tuần tra quanh Quần đảo Natuna gần Biển Đông - Ảnh: AFP.

Bộ trưởng điều phối về các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh - Mahfud MD - cho biết hôm 6/1 rằng ngư dân Indonesia cũng sẽ được gửi đến Natuna. Bộ trưởng nói trong cuộc họp với ngư dân từ Bờ biển phía Bắc Java: “Khoảng 120 ngư dân sẽ đi thuyền đến khu vực này để chống lại các tàu thuyền Trung Quốc. Luật pháp quốc tế ghi nhận rằng vùng biển mà họ (tàu Trung Quốc) xâm phạm là vùng biển hợp pháp của chúng ta, Indonesia, và chúng ta có quyền khám phá, khai thác sự giàu có của biển ở đó, bao gồm cả 200m thềm lục địa bên dưới”.

Bộ trưởng nói thêm: “Bây giờ họ đã vào khu vực vì chúng ta ít có mặt ở đó”.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đã đưa ra một tuyên bố lưu ý về những vi phạm của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia: "Vùng đặc quyền kinh tế Indonesia được thành lập quốc tế bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 ... Trung Quốc là một bên tham gia UNCLOS 1982. Do đó, Trung Quốc phải có nghĩa vụ tôn trọng việc thực thi UNCLOS 1982”.

"Indonesia sẽ không bao giờ công nhận Đường Chín đoạn, một yêu sách đơn phương do Trung Quốc đưa ra mà không có sự công nhận hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định Indonesia không bao giờ công nhận đường chín đoạn của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định Indonesia không bao giờ công nhận đường chín đoạn của Trung Quốc.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông, một tuyến thương mại quan trọng được cho là chứa lượng lớn dầu và khí đốt tự nhiên. Một số quốc gia Đông Nam Á phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và đang vấp phải sự quấy phá từ Bắc Kinh khi khai thác tài nguyên.

Bắc Kinh triển khai các tài sản quân sự trên các đảo nhân tạo được xây dựng trên các bãi cát và đá ngầm quanh Biển Đông. Indonesia không phải là một quốc gia yêu sách ở Biển Đông nhưng năm 2016, nước này đã đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh Quần đảo Natuna.

Sau tranh chấp, Indonesia đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển Natuna và xây dựng một căn cứ quân sự trong khu vực.

Tấn Vĩ (Theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI