Hồi sinh sự sống cho bé gái từ lá gan của cha

20/12/2021 - 14:51

PNO - Bé gái cũng là trường hợp thứ 15 được ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tạo ra nhiều hy vọng về ghép tạng ở trẻ em.

Mẹ ơi, con mơ thấy con được sống tiếp

Đó là câu nói của bé Hoàng Gia Hân (7 tuổi, ở Nhà Bè, TPHCM) trước khi vào phòng phẫu thuật ghép gan kéo dài 14 giờ đồng hồ vào đầu tháng 12. “Câu nói của con càng làm tôi tin tưởng ê-kíp bác sĩ sẽ thành công, bởi trước đó chồng tôi đã được mổ lấy gan an toàn”, chị Nguyễn Thị Lộc - mẹ của bé Hân xúc động.

Nhớ lại nỗi thấp thỏm 7 năm trước, khi bé Hân chào đời không lâu đã được phát hiện căn bệnh teo đường mật, xơ gan, tăng áp cửa. Khi em bé nhỏ nhắn này hơn 1 tháng tuổi, đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã phẫu thuật Kasai “sửa sai” teo đường mật duy trì cuộc sống cho em.

Theo thời gian, biến chứng từ bệnh gây tăng áp cửa nặng, xuất huyết tiêu hóa, suy dinh dưỡng nặng,… đưa bé Gia Hân vào thử thách tiếp theo của đời người. Cả gia đình trông chờ từng ngày để em được ghép gan, nếu không, bé không thể tiếp tục hành trình khôn lớn của mình.

Cha của bé Hân đã dành một phần gan của mình cho con, bé Hân cũng trải qua 14 tiếng đồng hồ căng thẳng để nhận gan của cha mình
Cha của bé Hân đã dành một phần gan của mình cho con, bé Hân cũng trải qua 14 tiếng đồng hồ căng thẳng để nhận gan của cha mình

Chị Lộc chia sẻ: “Trước đây tôi thuê nhà, bán tạp hóa nhỏ, cha của bé ai thuê gì làm đó. Tôi và chồng tranh nhau cho con một phần gan, nhưng đến chi phí ghép thì bất lực. May nhờ có các bác sĩ, Mạnh Thường Quân giúp đỡ, tôi chạy vay thêm 300 triệu đồng để con có cuộc sống mới”.

Các bác sĩ của bệnh viện cho biết, để chăm sóc, nuôi dưỡng bé Gia Hân đến 7 tuổi là cả một quá trình khó khăn của người mẹ. Quá trình tìm gan tương thích, và chi phí ghép gan rơi vào khoảng 400-500 triệu đồng có thể dẫn các bé đến với kết cuộc thương tâm hơn, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành như hiện tại. Điển hình, bé Gia Hân may mắn tương thích với cha mình, nhưng 4 bé khác không kịp chờ đợi.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đây là ca ghép gan thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, rất khó khăn so với các ca ghép tạng những năm trước. Do dịch COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phối hợp lấy gan hiến cùng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, sau đó đội ngũ bác sĩ nhi tiếp tục ghép gan cho bé chứ không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như trước đây. 

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 nói thêm, do bé Gia Hân suy dinh dưỡng nặng nên việc nâng đỡ thể trạng trước đó rất khó khăn, phải vừa chọn được món bé thích, vừa đầy đủ các chất cần thiết mà không ảnh hưởng đến đường mật, chức năng gan của bé. Thêm phần dinh dưỡng sau mổ để vết thương lành nhanh, không tác động quá nhiều lên đường mật sau mổ cũng là vấn đề lớn, cần thay đổi thực đơn liên tục để bé không chán ăn và đảm bảo dinh dưỡng hết sức quan trọng. 

“May mắn, bé rất ngoan và hiểu chuyện, bởi đa phần phải ăn rất nhạt đối với một đứa trẻ khó lắm”, bác sĩ Hậu nói thêm.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó khoa Gan Mật Tụy và ghép gan cho biết, tuy trong lúc mổ có chút khó khăn do phần xơ gan của bé dính khá chặt và các mạch máu quá nhỏ nhưng hiện tại sức khỏe của Gia Hân tiến triển tốt, sau xuất viện bé sẽ tiếp tục được tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, sau này bé phải uống thuốc chống thải ghép, nhưng hơn hết Gia Hân đã lấy lại được nụ cười hồn nhiên của mình, đó là điều quan trọng. 

Nụ cười hồn nhiên của Gia Hân sau ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi
Nụ cười hồn nhiên của Gia Hân sau ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi

Tôi mong các cháu được khỏe mạnh

Nghe các bác sĩ nói, chị Lộc càng xót xa hơn khi nhớ lại ngày đưa thiên thần của mình vào phòng mổ, bé Gia Hân cười động viên mẹ rồi nói: “Mẹ ơi, con mơ thấy con được sống tiếp, ba cho con gan, mà con sợ đau quá. Có đau nhiều không mẹ, con có được tỉnh lại gặp mẹ, ba và em không?”, chị Lộc cầm chặt tay con trả lời cô chú bác sĩ thương con lắm, mấy ngày qua cô chú chiều con mà, con vào đó, ngủ một giấc rồi về với mẹ, không đau lắm đâu.

“Bé Gia Hân hiện tại đã tự ăn uống, đi lại được rồi, sắp tới sẽ được xuất viện. Tôi cám ơn y, bác sĩ rất nhiều, không chỉ động viên gia đình tôi mà còn cùng Mạnh Thường Quân gom góp phần nào cho con tôi được sống tiếp. Tôi chân thành cám ơn bác sĩ Đông A, từ khi bé Gia Hân mổ xong, sáng nào bác sĩ Đông A cũng gọi điện thoại hỏi thăm, chúc mừng”, chị Lộc xúc động.

Ngồi bên cạnh, GS.TS.BS Trần Đông A gật đầu, đôi mắt ông ánh lên niềm yêu thương vô hạn. Không chỉ tự hào về y học nước nhà, bác sĩ Trần Đông A còn hy vọng ngày càng có nhiều bệnh nhi sẽ được “sửa sai của tạo hóa”, sống khỏe mạnh, chất lượng.

Theo giáo sư Trần Đông A, tính từ năm 2005 đến nay, bé Gia Hân là ca ghép gan thứ 15 của Bệnh viện Nhi đồng 2, mở ra nhiều hy vọng cho lĩnh vực ghép tạng ở bệnh nhi tại Việt Nam. “18 năm qua, bệnh viện đã mang lại cuộc sống mới cho các bé với 20 ca ghép thận, 15 ca ghép gan. Trong các ca ghép gan đều phải có đoàn chuyên gia đến từ Bỉ trực tiếp hỗ trợ, nhưng hôm nay chúng ta đã tự mình thực hiện thành công. Ghép gan đòi hỏi nhiều kỹ thuật và khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, nhưng chúng ta đã làm được, có nghĩa là sắp tới đây nhiều cháu bé khác cũng sẽ được sống”, giáo sư Đông A nói.

Ở các bé suy thận, tim mạch bẩm sinh,… đều có thời gian chờ tạng ghép, nhưng với ghép gan, nhiều trẻ đã không kịp đợi. Việc tự chủ ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ giúp  cứu được nhiều hơn các bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối. 

Giáo sư Đông A cho biết: “Để thực hiện phẫu thuật này cần một đội ngũ nhân viên y tế lành nghề với nhiều chuyên khoa khác nhau: phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức, nội khoa gan mật, điều dưỡng... mà chúng ta đã và đang dần xây dựng. 

Bên cạnh đó, chi phí ghép gan hiện tại từ 400-500 triệu đồng/ca rất cao so với kinh tế gia đình bệnh nhi. Vì vậy, các chính sách cho bệnh nhi ghép gan rất cần thiết và sự hỗ trợ từ cộng đồng là không thể thiếu được. Chúng tôi hy vọng từ trường hợp thành công của bé Gia Hân, sẽ có nhiều và thật nhiều bé bị bệnh gan giai đoạn cuối sẽ được cứu sống hơn nữa. Tôi mong các cháu được khỏe mạnh”.

Ngoài ra, giáo sư Đông A hy vọng ngoài người thân trong gia đình, việc tình nguyện hiến tạng cũng tiếp thêm hy vọng cho các bé.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI