Học sinh cuối cấp rối loạn tâm lý vì lo hoãn thi tốt nghiệp mùa dịch

11/06/2021 - 18:05

PNO - Không ít học sinh cuối cấp bị rối loạn tâm lý khi lo bị hoãn kỳ thi tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cha mẹ cần làm gì để đồng hành cùng con, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất ổn về mặt cảm xúc và sức khỏe, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc?

Áp lực đa phần rơi vào các học sinh giỏi

Chị P.T.D. (ngụ quận 1, TPHCM) kể con trai chị vừa kết thúc năm học lớp Chín, đang chuẩn bị thi tuyển sinh lớp Mười. Con chị D. học giỏi, tự đặt mục tiêu sẽ vào trường chuyên và các trường top đầu nên áp lực khá cao. Ngày nào cháu cũng học bài đến 1-2 giờ sáng và đếm từng ngày chờ tới thời khắc diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp Mười. Tuy nhiên, trước khi kỳ thi diễn ra vài ngày, vì dịch bệnh, lịch thi đã bị hoãn.

Tuy con trai không nói, chị D. cảm thấy cháu rất căng thẳng, muốn nhanh tới kỳ thi để được trút bỏ áp lực.

Cha mẹ hãy kiểm soát tốt cảm xúc của mình để giúp con bớt lo lắng khi kỳ thi bị hoãn (ảnh minh họa)
Cha mẹ hãy kiểm soát tốt cảm xúc của mình để giúp con bớt lo lắng khi kỳ thi bị hoãn (ảnh minh họa)

Từ lúc có thông tin về việc hoãn thi, cháu trở nên lầm lì, không nói chuyện mà rúc vào phòng, học nhiều hơn nữa. Khi ăn cơm với gia đình, cháu luôn nói về chủ đề thi cử, thở dài thườn thượt, than: “Đề mà dễ thì điểm chuẩn lại tăng cao chót vót, thế này làm sao con đậu được…”.

Dù chị D. và gia đình đã phân tích rằng, không nên quá đặt nặng chuyện thi cử, đậu trường nào học trường đó nhưng cháu đều bỏ ngoài tai và tự dằn vặt bản thân.

Thực tế, đối tượng hoang mang vì lo hoãn thi tốt nghiệp do dịch bệnh chủ yếu là học sinh lớp 12. Đối với các em, đây là kỳ thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trước ngưỡng cửa vào đời. Vài ngày gần đây, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh - Đơn vị tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - đã tư vấn cho khá nhiều phụ huynh và học sinh cuối cấp về các vấn đề tâm lý do hoãn thi. 

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, không chỉ riêng mùa dịch này mà từ mùa dịch trước đó, các đối tượng bị rối loạn tâm lý khi lo hoãn thi đa phần là học sinh có học lực giỏi. Mục tiêu các em đặt ra cho bản thân rất cao: phải trúng tuyển vào các trường hàng top. Vì thế, việc hoãn thi khiến thời gian chờ đợi dài ra, đẩy áp lực tâm lý của các em càng tăng lên.

Một trường hợp từng được bố mẹ đưa đến khám tâm lý do chịu cú sốc khi lo hoãn thi là một nữ sinh lớp 12, tên P.T.T., ngụ quận Tân Bình, TPHCM. Khi tiếp xúc với cháu T., bác sĩ Lâm Hiếu Minh nhận thấy bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn về tâm lý lẫn sức khỏe.

T. luôn tỏ ra lo lắng, khó ngủ, hay gặp ác mộng liên quan đến việc học hành, thi cử như: làm bài thi không kịp, đi thi trễ giờ. Các biểu hiện về tâm lý ảnh hưởng lên cơ thể khiến T. thường xuyên hồi hộp, tim đập nhanh, thậm chí thường lên cơn đau dạ dày.

Lúc chia sẻ với bác sĩ, T. bày tỏ muốn được đi thi cho xong chứ cứ kéo dài thời gian chờ đợi thế này cháu cảm thấy suy kiệt, mệt mỏi. Vì T. đặt mục tiêu phải đậu Đại học Y Dược TPHCM nên áp lực của cháu rất lớn.

Cảm xúc và thái độ của phụ huynh rất quan trọng

Không chỉ học sinh mới bị rối loạn tâm lý khi lo hoãn thi vì dịch bệnh một số phụ huynh còn bấn loạn, cuống quýt và sốc tâm lý hơn cả con. Trường hợp của T., sau khi bác sĩ tư vấn cho cháu thì trò chuyện luôn cả với bố mẹ T.

Lúc tiếp xúc, bác sĩ Lâm Hiếu Minh biết bố của T. ngày nào cũng ngóng các thông tin liên quan tới kỳ thi của con, diễn biến dịch COVID-19 tại TPHCM và Việt Nam. Bố của T. căng thẳng tới mức cũng bị lên cơn đau dạ dày như con gái. 

Qua đó, bác sĩ Lâm Hiếu Minh lưu ý, cảm xúc của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của học sinh. Khó khăn lắm các cháu mới giữ bình tĩnh được trở lại nhưng khi nhìn người lớn cứ hồi hộp, căng thẳng, các cháu lại rơi vào tâm trạng bất an theo. Tâm lý tiêu cực có tính chất lây lan nên cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc của mình trước mặt con trẻ.

Cần hiểu rằng, nếu có hoãn thi thì cả thành phố hoặc cả nước cùng hoãn, không phải chỉ riêng mình. Mọi người sao mình vậy, không ai thiệt thòi hay gặp khó khăn hơn ai cả. Nếu quá trình học hành, luyện tập của con em mình tốt thì cứ tự tin, bình tĩnh, không có gì phải quá căng thẳng.

Nếu cha mẹ không kịp thời can thiệp khi thấy con có những biểu hiện bất ổn về tâm lý, các cháu rất dễ bị trầm cảm thật sự. Vào mùa thi năm trước, bác sĩ Lâm Hiếu Minh đã tiếp nhận một học sinh thi vào Đại học Y Dược TPHCM cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên mọi mục tiêu đặt ra không như ý. Em này bị sốc và lâm vào trạng thái trầm cảm, có ý định tự tử. 

Tập hít thở để bình tĩnh

Phải làm gì để giúp học sinh cuối cấp giảm bớt căng thẳng, lo lắng khi phải hoãn kỳ thi trọng đại?

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, việc người lớn phân tích cho các em đương nhiên rất cần nhưng lại ít hiệu quả trong lúc này. Khi người ta đang bất an, hoang mang, dù có trấn an bằng lời nói, họ vẫn lo lắng bởi cảm xúc lúc đó đang lấn át lý trí. Những điều người lớn phân tích như: không thi lúc này thì lúc khác thi, không học bây giờ lúc khác học, cuộc đời còn rất nhiều con đường hướng tới thành công… các em đều nhận thức được. 

Đối với những trường hợp được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ để được tư vấn tâm lý, bác sĩ Lâm Hiếu Minh hướng dẫn các em tập hít thở để giúp bản thân bình tĩnh. Khi quá căng thẳng, tim đập nhanh, hồi hộp thì hãy hít thở thật sâu để trạng thái cơ thể bình ổn trở lại. Cứ bình tĩnh thì đầu óc sẽ sáng suốt và mọi chuyện đều có cách xử lý.

Trường hợp bệnh nhân bị rối loạn lo âu, trầm cảm, phải được bác sĩ chuyên khoa khám và chỉ định thuốc phù hợp.

Ngoài ra, sự căng thẳng quá độ cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ăn uống thất thường khiến các cháu dễ mắc phải các bệnh đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày, đau dạ dày. Vì thế, nếu có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa, bệnh nhân cũng cần gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị dứt điểm, tránh để chất lượng sống bị ảnh hưởng. 

Đặc biệt, bác sĩ Lâm Hiếu Minh lưu ý cha mẹ cần đồng hành cùng con, phải hiểu rằng con mình đang trải qua giai đoạn tâm lý hết sức khó khăn nên cảm xúc và thái độ của mình trước mặt con về chuyện học hành, thi cử vô cùng quan trọng. Việc nhiều ông bố, bà mẹ còn tỏ ra lo lắng hơn cả con như châm dầu vào lửa, khiến không khí gia đình thêm căng thẳng, tiêu cực. 

Các dấu hiệu trẻ đang gặp bất ổn về tâm lý

Dấu hiệu về mặt cảm xúc: buồn bã, chán nản, mất hứng thú với mọi việc, ăn không ngon miệng, suy nghĩ tiêu cực (có những học sinh còn thốt ra những lời lẽ tiêu cực như muốn bỏ luôn không thi nữa, không muốn học tập nữa…).

Dấu hiệu về cảm xúc sẽ kéo theo các triệu chứng bất ổn về mặt cơ thể như: thường xuyên hồi hộp, tim đập nhanh, vã mồ hôi, giảm khả năng nhớ khi học bài, hay lên cơn đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa…

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI