Nhiều trẻ phải điều trị tâm lý do áp lực từ trường lớp

12/12/2020 - 06:20

PNO - Có không ít học sinh phải chịu đựng những áp lực nặng nề từ việc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều, bạn bè bắt nạt, thầy cô “đì”, đến mức phải đi điều trị tâm lý.

 

Em N.T.N.Y. (lớp Mười, ở An Giang) uống thuốc tự tử do áp lực từ cô giáo, may mắn được cứu sống và đang được chuyên viên tâm lý hỗ trợ
Em N.T.N.Y. (lớp Mười, ở An Giang) uống thuốc tự tử do áp lực từ cô giáo, may mắn được cứu sống và đang được chuyên viên tâm lý hỗ trợ

Vừa qua, em N.T.N.Y. (15 tuổi) học sinh lớp Mười ở trường THPT Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) uống thuốc Salbutamol (nhóm thuốc trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) tự tử khi bị đọc tên dưới cờ. May mắn, em được giáo viên chủ nhiệm phát hiện, cùng người nhà đưa đi cấp cứu.

Tuy em Y. đã qua khỏi nguy hiểm nhưng trường hợp của em làm nhiều phụ huynh lo lắng. Liệu con em mình có đang đối mặt với những khó khăn tương tự?

Bị ghét vì lỡ quên không chào cô giáo

Từ bé, em N.K.T. (17 tuổi, ngụ TP.HCM) luôn năng động, hoạt bát, học giỏi. Đến khi lên lớp 11, em gặp vướng mắc với giáo viên dạy môn toán. T. tâm sự: “Cô không thích em. Em không biết lý do. Có thể do một lần cô đi ngang, em mải nói chuyện với bạn, không kịp chào. Khi cô nhắc nhở, em đã xin lỗi nhưng từ đó trở đi, cô đối với em không như các bạn trong lớp”.

T. nói, ban đầu cô giáo thường xuyên gọi em lên bảng làm bài tập. Mỗi lần T. làm xong, cô chỉ nói sai, chấm điểm thấp rồi cho về chỗ. Cô không sửa bài, cũng không hướng dẫn, chỉ nói T. về nhà… nghiên cứu phương pháp giải.

Có lần, T. thấy cô giáo toán nói gì đó với giáo viên dạy văn. Sau đó, giáo viên này gọi điện về cho mẹ của T. khuyên em học; rằng em cứ lo yêu đương, làm việc riêng trong lớp nên kết quả học tập sa sút. Tắt điện thoại, chưa kịp hỏi rõ, mẹ T. đã la mắng mặc cho em giải thích.

Sợ cô… ghét lây, bạn bè không ai dám tiếp xúc, T. cứ thui thủi đi học rồi về nhà. Dù chưa có người yêu, T. vẫn bị ba mẹ canh chừng. Em không được sử dụng điện thoại, muốn đi đâu cũng phải để người nhà chở. T. ít nói hẳn, em luôn có cảm giác mọi người xung quanh đều xa lánh mình. Từ một người hay cười, hay nói, giờ đây T. chỉ muốn một mình. 

Ngoài việc đi học, T. suốt ngày giam mình trong phòng riêng. Em chơi xếp giấy hay chỉ nằm suốt ngày. Rồi T. sụt cân nghiêm trọng, gia đình đưa đi nhiều bệnh viện vẫn không thể tìm ra nguyên nhân. Bất lực trước hành động kỳ lạ của con, cha mẹ T. mắng em lười nhác, càng la nhiều hơn. Nhiều ngày sau, mẹ T. bàng hoàng phát hiện T. tự cấu véo bầm tím đùi mình. 

“Khi tôi dỗ dành, T. gào khóc đòi chết vì ai cũng ghét mình, nhất là cô giáo dạy toán vì cô có nhiều hành động làm cho cháu xấu hổ trước bạn bè. Đến nỗi, T. rất sợ đến trường. Bản thân tôi cứ nghĩ chỉ còn một năm học, thôi thì ráng… nhịn để con mình yên ổn học cho xong. Tôi không ngờ con gái mình lại trải qua nhiều tháng ngày khủng khiếp như vậy. May mà tôi kịp nhận ra, đưa cháu đi khám tâm lý. Nghe cháu nói với chuyên gia tâm lý rằng cháu đã thắt chiếc chăn để tìm chỗ treo cổ mà tôi bủn rủn tay chân”, mẹ T. kể.

Nhà giàu nên bị tẩy chay

Không gặp vấn đề với cô giáo như T., em P.T.T.H. (15 tuổi, ở Bình Dương) tìm đến chuyên gia tâm lý bởi bị bạn bè tẩy chay suốt nhiều năm liền. Mẹ em quá bận, dù hứa với H. sẽ nói chuyện với cô giáo nhờ cô can thiệp nhưng rồi lại quên. H. chán nản, không muốn chia sẻ với mẹ nữa.

Nếu không có việc phải ra ngoài, H. tự giam mình trong phòng, không buồn ăn uống, nói chuyện. Lúc nào mẹ nhắc đi ngủ, học bài, H. đều khóc thút thít một mình. “Em sợ, việc đến trường với em như địa ngục. Các bạn nói nhà em có tiền, em phải mời cả nhóm đi ăn uống, nhậu nhẹt. Thậm chí có bạn bắt thuê khách sạn tổ chức tiệc tùng, bật nhạc nhảy múa. Em không thích nhưng không được từ chối. Em đã tìm cách trốn các bạn ấy mỗi khi tan trường. Em đến lớp học thêm rất sớm để các bạn không kịp bắt nghỉ học đi chơi. 

Từ đó, em làm gì cũng bị các bạn ấy ghét. Không chơi cùng đã đành, các bạn còn giấu tập vở, viết thư tình gửi cô giáo rồi nói là của em, rủ nhau ném cát vào em giữa đường, đổ hết tập sách, sởn tóc em… Thậm chí, có bạn còn giả vờ đến nhà rủ em đi học, mẹ không biết nên bắt em phải đi”, H. bật khóc.

Mẹ của H. ngồi bên cạnh, nước mắt ngắn dài khi biết con mình trải qua nhiều tình huống tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh. Chị thầm cảm ơn người đồng nghiệp đã khuyên chị đưa con gái đến bệnh viện, bởi con của người đồng nghiệp này cũng từng rơi vào trầm cảm nặng nề khi bị các bạn bạo hành ở lớp.

Trẻ đến trường để tìm tương lai, không phải để vào địa ngục

Theo tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể, Bệnh viện Thủ Đức TP.HCM, không ít trẻ mắc các vấn đề về tâm lý liên quan đến trường học. Trong đó, ngoài áp lực học tập, bạn bè bắt nạt… thì việc giáo viên nhắc nhở vô lý hay la trẻ trước mặt bạn bè cũng làm cho trẻ ngại đến lớp. Khi căng thẳng đẩy lên cao, nhiều em sẽ bộc phát những hành động dại dột, chẳng hạn tự kết liễu đời mình để chứng minh bản thân không làm điều sai.

Thông thường, những trẻ có cá tính mạnh, sau một thời gian kìm nén sẽ “tức nước vỡ bờ” cãi lại thầy cô, quậy phá, đánh nhau với bạn bè, thậm chí nghỉ học để phản đối. Với trẻ nhút nhát, các em sợ hãi, không dám tiếp xúc với ai, ám ảnh việc tới trường, sợ gặp bạn, thầy cô. Nếu lúc này người nhà không phát hiện kịp thời, dần dần, trẻ sẽ có ý định tự giải thoát.

Nhiều trường hợp, cha mẹ lại kỳ vọng quá lớn vào con mình hay biết trẻ bị bạn bè ức hiếp, thầy cô “đì” nhưng vẫn khuyên con cố gắng… sang năm sẽ học giáo viên khác, chứ không chia sẻ, định hướng cho con. Các em đang độ tuổi lớn, tâm lý chưa vững vàng, rất nhạy cảm. Người lớn càng trông chờ con tự vượt qua lại vô tình đẩy con mình vào đường cùng. Khi những sự việc đau lòng xảy ra, thầy cô, cha mẹ mới giật mình hối hận vì chưa kịp quan tâm sâu sắc hơn tới con em mình.

Chuyên gia Phan Thị Hoài Yến cho biết, áp lực rất dễ thấy ở học sinh ngày nay là cha mẹ đi làm 8 tiếng/ngày nhưng con cái đi học nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Nhiều trẻ phải tranh thủ ăn, ngủ ngay trên xe để chạy theo việc học chính khóa, học thêm; chưa kể nhiều em phải học nhạc, học đàn, học bơi, ngoại ngữ… theo ý muốn của cha mẹ. Nhiều trường hợp phụ huynh vì không muốn con mình thua kém con của đồng nghiệp, bạn bè nên đã buộc rất nhiều “dây nhợ” vào trẻ.

“Bên cạnh đó, càng ngày trẻ càng không được quyền nói lên chính kiến, bị giáo dục một chiều, nhất là không được biện luận, phản hồi những gì trẻ bị cho là sai. Nhiều trẻ đến khám đã nói với tôi rằng cô bảo con sai, bắt con chép phạt vì con nói chuyện trong lớp nhưng bạn nói chuyện với con không bị phạt. Hay con không đi học thêm, cô luôn đưa bài tập khó hơn các bạn khác; con tố cáo bạn quay cóp bài, cô la con mà không la bạn. 

Có trẻ bị cha mẹ đánh đòn do cô nói con không học mà viết thư tình, trong khi con không hề viết lá thư đó. Trong quá trình hỗ trợ tâm lý, có hai học sinh cấp III đã nói các em có ý định tự tử vì không ai tin mình”, chuyên gia Hoài Yến nói.

Cha mẹ nên cùng trẻ thu xếp thời gian học tập hợp lý, tìm hiểu năng lực trí tuệ của trẻ để có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Tuyệt đối tránh tạo không khí học tập nặng nề.

Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến đời sống tâm lý của học sinh. Lãnh đạo nhà trường cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ về tâm lý sư phạm cho giáo viên, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để lắng nghe ý kiến học sinh nhằm sớm phát hiện những em đang gặp khó khăn cần hỗ trợ. Các trường nên có chuyên gia tâm lý cho học sinh.

Đừng để con âm thầm chống chọi!

Khi cảm thấy thầy cô bất công, bạn bè bắt nạt, các em cần mạnh dạn nói lại với gia đình. Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên không hoàn thành bài tập về nhà, nhiều lần quên tập vở, không nhớ những gì thầy cô, cha mẹ dặn dò, mất ngủ, đau đầu, dễ cáu gắt, từ chối sự giúp đỡ của người khác… người lớn trong gia đình cần lắng nghe, phân tích tình huống.

Nếu cần, cha mẹ nên có những biện pháp khéo léo can thiệp, làm việc với nhà trường; tránh để trẻ phải chịu đựng trong thời gian dài.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh  - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI