Họa sĩ Lê Lam qua đời ở tuổi 92

28/03/2022 - 10:56

PNO - Họa sĩ Bạch Liên - con gái ông - cho biết cha chị mất vào sáng 28/3, vì tuổi già sức yếu.

Những năm cuối đời, sức khoẻ của họa sĩ Lê Lam yếu dần, chứ không mắc bệnh. Hiện, gia đình ông đang phối hợp với Hội Mỹ thuật TP. Hà Nội để tổ chức tang lễ cho ông. Thông tin cụ thể về tang lễ gia đình sẽ thông báo sau. 

Hoạ sĩ Lê Lam qua đời sáng 28/3
Hoạ sĩ Lê Lam qua đời sáng 28/3

Hoạ sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931, tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, làm đội trưởng đội Thiếu niên Tiền phong hoạt động trong An toàn khu của Trung ương Đảng ở Đông Anh, Hà Nội. Khi toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc. Năm 1950, ông theo học trường Mỹ thuật Kháng chiến tại đây.

Từ năm 1950-1953, ông theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó, năm 1958, ông được cử đi học chuyên ngành mỹ thuật, tại Moscow, Nga. 1964-1965, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tháng 9/1965, ông tổ chức triển lãm tranh cá nhân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến xem triển lãm này 2 lần và  viết thư tay ngợi khen ông.

Năm 1966, ông tiếp tục được cử đi học tại Nga, nhưng thấy chiến trường miền nam khốc liệt nên ông xin ở lại để vào đây chi viện. Ông đi cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp, biên đạo múa Thái Ly... Ở chiến trường miền nam, ông được phân công phụ trách lĩnh vực mỹ thuật. Ông đã đi, làm việc ở rất nhiều địa phương tại miền Nam như: Bến Tre, Long An... Tại Long An, ông được nghe kể chuyện về người nữ chiến sĩ tên Tư Cào, sau đó vẽ chân dung. Câu chuyện này cũng trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác bức tranh cổ động mang tên Dừng lại rất nổi tiếng.

Bức tranh cổ động mang tên Dừng lại nổi tiếng của hoạ sĩ Lê Lam
Bức tranh cổ động mang tên Dừng lại nổi tiếng của hoạ sĩ Lê Lam

Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955, tác phẩm Từ giờ từng phút hướng về miền Bắc của ông được tặng giải Nhì. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: bộ tranh đồ họa khổ lớn có tên Từ tuyến đầu Tổ quốc (gồm 20 bức, chất liệu than và phấn màu), bộ tranh minh họa Kiều gồm 12 bức (chất liệu thuốc nước), Anh Hai Điểm (1967), Dừa nước (1967), Ăn liên hoan (1969), Nữ pháo binh Sài Gòn (1969)... Tranh Bảo vệ chính quyền nhân dân của ông được in 18.000 bản, trưng bày tại Đại hội Đại biểu Quốc dân (8/6/1969).

Tranh cổ động Bảo vệ chính quyền nhân của hoạ sĩ Lê Lam
Tranh cổ động Bảo vệ chính quyền nhân của hoạ sĩ Lê Lam

Năm 1973, ông về lại Hà Nội, hoạt động trong Hội Mỹ thuật Việt Nam. 5 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc rồi Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quốc gia (trực thuộc Bộ Văn hóa) đến năm 1981. Năm 1990, ông nghỉ hưu.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI