Hoa nếp nhà: Cuộc tình lành lặn

15/06/2016 - 09:34

PNO - Bà gạt nước mắt, rồi cười: “Từ hồi 35 tuổi tôi đã bị dọa mất chồng, tới giờ họ vẫn dọa, ảnh thì vẫn đẹp trai, mà tôi... chưa thấy mất”.

Buổi sáng, ngồi trên con đường vắng vẻ sau khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), ông Quách Đại Bình chăm chú vào bảng Sudoku chép tay. Sau lưng ông, bà Trịnh Thị Loan (SN 1948) loay hoay với chiếc máy cát sét cũ, thỉnh thoảng lại nhướn mắt dõi theo chồng bôi xóa, thêm bớt mấy ô chữ. Tôi đến, ông xếp cất mảnh giấy trò chơi, quay sang đỡ lấy cánh tay đang cố đưa lên của vợ, dìu bà về phía bàn tiếp khách.

Yêu cái tính… dữ dằn

Những dìu đỡ này là điều “ngược đời” mà chàng thanh niên Quách Đại Bình ngày đó chẳng thể hình dung.

Những năm 1970, chàng trai Đại Bình phong độ, hiền lành, đến tuổi thành thân vẫn cắm cúi làm lụng, không màng yêu đương. Bà Loan khi ấy là học sinh cấp III, nổi tiếng khắp trường vì bản tính thẳng thắn, hào hiệp, chuyên đi… “thương thảo với kẻ mạnh, bênh vực kẻ yếu”. Gặp nhau trong cuộc hẹn do người bạn chung lặng lẽ sắp đặt, giữa nhóm bạn nữ độc thân, ông Bình lại bị bà Loan cuốn hút bởi cá tính mạnh mẽ, cách nói chuyện gần gũi, bộc trực. Rồi một lần vô tình nghe bà Loan hát trong chương trình văn nghệ, ông ngẩn ngơ rung động trước cái ngọt ngào, lúng liếng của cô gái ngày thường luôn tỏ ra kiên quyết, mạnh mẽ. Ngày bắt đầu hẹn hò, ông “tuyên bố” với người chị mai mối: “Em tin cá tính... dữ dằn của Loan sẽ bù được vào phần hiền lành của em”.

Cuộc hôn nhân sau đó đúng như ông Bình dự đoán. Chỉ chóng vánh sau ngày thành hôn, ông bị bắt đi lính chế độ cũ. Chưa kịp làm quen với cuộc sống hôn nhân, bà Loan đã phải một mình quán xuyến, lo toan mọi thứ trong gia đình. Chồng đóng quân ở Thủ Đức, vợ ở Tân Bình; gặp nhau, tiễn nhau trong những ngày phép ngắn ngủi là những lời căn dặn về sức khỏe, những hứa hẹn đoàn tụ; còn năm dài tháng rộng là những lần bà Loan một mình xoay xở với nỗi ngặt nghèo về kinh tế, với sự ra đời lần lượt của năm đứa con.

“Người vợ dữ dằn” phải bỏ việc làm công với thu nhập ổn định ở một xí nghiệp, chuyển sang bán cháo sườn để chủ động kinh tế, lại có thời gian chăm con. Những ngày tháng đều đặn đẩy xe cháo ra khỏi nhà khi trời chưa kịp sáng, người mẹ trẻ đã phải tự mường tượng ra bao bất trắc thường thấy ở những người đàn bà cô lẻ, rồi tìm cách phòng vệ. Nhắc đến hai chữ “dữ dằn”, bà Loan cười hiền: “Hoàn cảnh không cho phép mình hiền. Nhưng dữ là dữ với chính mình, để tự răn đe mình phải vượt qua mọi cái khó vì con vì chồng, chứ đàn bà ba mươi tuổi một thân một mình với đàn con dại, còn dữ dằn được với ai?”.

Hoa nep nha: Cuoc tinh lanh lan
Vợ chồng bà Loan vào năm 2000 - khi bà chưa phẫu thuật cắt bỏ cằm

Một mình bôn ba trên đường phố Sài Gòn chừng đó năm, vừa thăm chồng, vừa nuôi năm đứa con ăn học; vậy mà bà chắt chiu, dành dụm, đến lúc ông Bình mãn hạn lính trở về, vợ chồng con cái đã rời nhà thuê, mua được căn nhà khang trang ở Q.Tân Bình. “Mình chịu quen vì thấy ảnh… đẹp trai, rồi chịu cưới vì mến tính hiền lành, trung thực. Hồi đó không nghĩ nhiều về tình yêu, vậy mà thương nhau, chờ nhau suốt chừng đó năm trời”, bà Loan hồi tưởng.

Họ ôn lại câu chuyện ấy khi đã ngoài 70. Khi đường sống đã trăm lần trầy trật - tất cả những lần xa nhau, gần nhau được đếm bằng ngày ở một đoạn đời cách đây gần 40 năm vẫn rành rẽ, không chút nhập nhằng.

Năm 35 tuổi, đoàn tụ với chồng chưa được bao lâu, bà Loan phát hiện mắc u men xương hàm với khối u bằng hạt đậu ở hàm dưới, gây đau đớn dữ dội. Căn bệnh không chết người, nhưng cứ bốn năm lại tái phát, khối u hình thành ở những vị trí khác nhau ở xương hàm dưới, phải mổ. Bà Loan bắt đầu hành trình “chuyển nhà vào bệnh viện”, suốt ngày loay hoay xoay xở với những cơn đau, những lần dùng dằng nhập viện, rồi những ngày tháng hậu phẫu kiệt quệ.

Mỗi lần vừa lại sức sau mổ, bà cuống cuồng lao vào kiếm sống. Gánh cháo sườn nuôi năm đứa con, giờ phải phụ với tiền công đạp xích lô của ông Bình gánh cả viện phí, thuốc thang. Sau mỗi lần phẫu thuật, gương mặt bà lại biến dạng một ít, sức khỏe sa sút đi nhiều. Sau khoảng tám năm với ba lần phẫu thuật, giọng ca nức tiếng một thời đã không còn có thể hát tròn vành rõ chữ.

Ký ức về những ngày mẹ hết quần quật với bệnh viện lại cắm cúi kiếm tiền chỉ mơ hồ vọng lại từ những ngày lên mười, nhưng chị Quách Ngọc Bích vẫn nhớ như in bao lời bàn tán, cả câu dọa dẫm vô tâm tính của những người đàn bà hàng xóm: “Mẹ mày bệnh riết, ba mày đi mất giờ!”. Giai đoạn đó, mỗi lần tan học, chị đều chạy một mạch về nhà, tìm ba. Mỗi lần mẹ nhập viện rồi lại trở về với gương mặt biến dạng, thân hình tiều tụy, rồi những tai nạn chí mạng thử thách đến tận cùng sức chịu đựng của cả gia đình; nỗi lo lắng của chị lại được trả lời bằng hình ảnh ân cần, tận tụy của ba.

“Hãy nhìn vào anh”

Năm 1997, sau năm lần mổ với nhiều vết thương chồng chéo không còn khả năng phục hồi, bác sĩ chỉ định cắt bỏ quai hàm của bà Loan rồi dùng xương sườn để tái tạo. Nghe tin, bà bưng mặt khóc. Ông Bình dỗ dành, trấn an vợ, lẳng lặng thu xếp đồ đạc, đưa bà xuất viện. Suốt ba năm trời, ông luôn tìm cách nhắc đến những ca ghép hàm thành công, những câu chuyện tốt lành trên khắp thế giới mà ông thu thập được qua sách báo, về căn bệnh đang ăn mòn sự sống của vợ. Năm 2000, khi đã thông suốt mọi bề, bà Loan mới mạnh mẽ bước vào ca phẫu thuật.

Nhưng, quai hàm bị cắt bỏ, cơ thể không tiếp nhận phần xương sườn được cắt ghép. Ca ghép hàm thất bại, gương mặt bà Loan biến dạng hoàn toàn vì chiếc cằm biến mất. Giọng nói đã thay đổi ít nhiều suốt 15 năm chữa bệnh giờ hoàn toàn ngọng nghịu. Ngày xuất viện, đợi đến lúc thu dọn hết đồ đạc, ông Bình mới ngập ngừng cho vợ hay về căn nhà đã bán để lấy tiền phẫu thuật. Lần trở về ấy hoàn toàn lặng câm. Chỉ đến khi thấy mình trong chiếc gương treo giữa căn phòng trọ, bà Loan mới bàng hoàng bật khóc. Bao nhiêu mất mát như hiện hết trên gương mặt xa lạ. Ông Bình sấp ngửa chạy lại, tháo vội tấm gương xuống rồi ngồi đối diện với vợ, nhẹ nhàng: “Em chỉ cần nhìn vào anh, còn gương mặt đổi khác của em, anh quen rồi!”.

Hoa nep nha: Cuoc tinh lanh lan
Vẻ hạnh phúc, ngọt ngào vẫn theo họ đến hôm nay

Hai năm sau, tai họa lại giáng xuống, bà Loan bị tai biến, liệt nửa người. Ông Bình bỏ hết tâm sức, tìm mọi cách phục hồi chức năng cho vợ. Khi bà Loan đang bình phục trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, thì hai năm sau, căn bệnh u men xương hàm tái phát, đưa bà vào một ca phẫu thuật vì khối u ở mặt trong má. Năm 2006, sự sống lại tiếp tục thách thức bà sau một lần trượt ngã, gãy xương đùi nhưng không thể phẫu thuật vì tiền sử tai biến, huyết áp cao.

Lần đó, quay về nhà bằng xe cứu thương, cơn đau âm ỉ cứ hai tiếng lại trở nên dữ dội vì hết thuốc; biết mình phải chịu đau suốt đời với vết gãy không thể phẫu thuật, bà Loan nhiều lần đòi được chết. Những ngày đó, ông Bình lặng lẽ cầm hồ sơ bệnh án của vợ, bươn bả khắp các bệnh viện. Cảm động trước sự nhiệt thành của ông, một bác sĩ ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình đồng ý phẫu thuật chân cho bà.

“Tái sinh” sau lần phẫu thuật chân, bà Loan trở về cuộc sống bình thường với... những lần mổ u men xương hàm. Đến bây giờ, hai vợ chồng vẫn phải vào viện vì những cơn đau, những khối u bất thần mọc lên, phá vỡ chu kỳ bốn năm như tiên liệu của bác sĩ. Năm 2015, bà phẫu thuật ba lần liên tục, mỗi lần là một phen đánh cược với tính mạng bởi các nguy cơ phát sinh khi cơ thể kiệt sức, huyết áp bất thường. Nhưng, suốt 30 năm lâm bệnh, năm đứa con không hề có cơ hội chăm mẹ vì “bị ba giành hết”. Mỗi lần nhập viện, bà Loan lại nhanh chóng “nổi tiếng” khắp phòng, vì “có phước lấy được người chồng vừa đẹp, vừa tốt”. Những lần đến thăm, thấy ba một tay đút cháo, một tay kê chiếc thau hứng thức ăn trào ra từ khuôn miệng không điều khiển được của mẹ, chị Bích bật khóc vì đau lòng và hãnh diện.

30 năm trời chật vật, của cải tiêu tan, vậy mà được hỏi về sự buồn nản, ông lắc đầu, “không nản, chỉ buồn khi thấy nhà tôi cứ phải chịu đau đớn”. Ông vừa nhắc tới chữ “nhà tôi”, mắt bà đã đỏ hoe. Từng ngồi xe lăn vì tai biến, lại nằm liệt vì gãy chân ở tuổi 53, nhưng đến nay, ở tuổi 68, bà lại đi đứng bình thường, khỏe mạnh, minh mẫn.

Bà gạt nước mắt, rồi cười: “Từ hồi 35 tuổi tôi đã bị dọa mất chồng, tới giờ họ vẫn dọa, ảnh thì vẫn đẹp trai, mà tôi... chưa thấy mất”. Ông ngập ngừng nhìn tôi, rồi nhìn sang vợ, ngượng nghịu: “Hồi tôi bị bắt lính, nhà tôi nói, giờ anh đẹp đẽ thì em thương, nhưng lỡ mai mốt trở về anh không lành lặn nữa thì em cũng thương”. Nói tới đó, ông bỗng mếu máo, ngọng nghịu bật ra câu nói cùng tiếng nức nở: “Vậy nên giờ nhà tôi có đổi khác, tôi cũng thương...”.

Căn nhà lặng ngắt sau tiếng khóc bất ngờ của người đàn ông 73 tuổi. Bà Loan run run cầm lấy chiếc khăn mùi xoa, vò chặt trong tay, để mặc hàng nước mắt đang trào ra, giàn giụa trên mặt. Ông vụng về đưa tay lau nước mắt, rồi đứng dậy, đi về nhà sau. Tôi lặng người nhìn người đàn ông phong độ, vững chãi vẫn điềm tĩnh tiếp chuyện tôi nãy giờ đang khó nhọc lê đi từng chút một, trên đôi chân run run. Ông Bình lê đi như người vừa bình phục sau một cơn tai biến. Bà Loan nhìn theo chồng, khó nhọc nói: “Nhà tôi bị suy giảm chức năng thần kinh hoạt động ngoại biên, tập thể dục mãi mà cứ yếu dần...”.

Tôi ngồi đó, chết lặng như lần đầu được biết về cái “lẽ lành lặn” trên đời này.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI