Hoa hậu… đẹp lạ, đẹp lâu - Bài 1: Vương miện có gai

25/04/2013 - 01:05

PNO - PN - Trước khi trở thành diễn viên điện ảnh, thành ca sĩ nổi tiếng, họ từng đăng quang hoa hậu Mỹ hoặc vào top 10 hoa hậu thế giới. Sắc đẹp và danh hiệu hoa hậu là lợi thế để họ bước vào thế giới giải trí.

Trước khi trở thành diễn viên điện ảnh, thành ca sĩ nổi tiếng, họ từng đăng quang hoa hậu Mỹ hoặc vào top 10 hoa hậu thế giới. Sắc đẹp và danh hiệu hoa hậu là lợi thế để họ bước vào thế giới giải trí. Tuy nhiên, vương miện chỉ là phương tiện, làm sao để chinh phục được người hâm mộ, đòi hỏi họ phải có tài năng và sự khổ luyện...

Hoa hau… dep la, dep lau - Bai 1: Vuong mien co gai 

Ca sĩ, diễn viên Vanessa Williams (ảnh: Internet)

Nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc

Ngày chào đời (18/3/1963), Vanessa Williams (ảnh) được cha mẹ giới thiệu với người thân trong gia đình và bạn bè “đây là Hoa hậu Mỹ”. Thật tình, đôi vợ chồng giáo viên dạy nhạc ở Millwood, vùng ven thành phố New York, chẳng phải thầy bói, nhưng trong mắt của bất cứ bậc cha mẹ nào, con gái cũng là hoa hậu.

Nào ngờ, lời nói vui đó đã trở thành hiện thực. Vanessa vào đại học Syracuse, rồi dự thi Hoa hậu Syracuse 1983 và cô sinh viên năm thứ nhất ngành nhạc kịch ấy đã đăng quang một cách thuyết phục. Sau đó, Vanessa dự thi Hoa hậu New York 1983 và Miss America 1984 với tâm thế “hoa hậu không phải là mục đích đời tôi”. Thế nhưng, Vanessa lại tiếp tục đăng quang cả hai cuộc thi này. Nước mắt hạnh phúc chưa kịp khô thì nước mắt tủi nhục lại chảy trên má người đẹp bởi nạn kỳ thị chủng tộc.

Vanessa Williams là người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên đoạt danh hiệu Hoa hậu Mỹ. Thật ra, với đôi mắt xanh biếc, trong cơ thể Vanessa có đến ba dòng máu Ireland, châu Phi và thổ dân Mỹ. Thư từ, những cú điện thoại đe dọa tính mạng tràn ngập hộp thư và điện thoại nhà cô gái mới 20 tuổi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 62 năm của Miss America đã xảy ra chuyện “khủng bố” tinh thần nặng nề như vậy. Vanessa kể: “Tôi nhận được mail của người da trắng thù ghét người da màu, của đảng KKK. Người da đen cũng chỉ trích tôi “không phải là người da đen vì nước da không giống”. Điều này làm tôi thực sự bất ngờ và đau xót”.

Tuy nhiên, Vanessa không hề nao núng. Cô vẫn thể hiện tốt vai trò hoa hậu Mỹ, đi khắp nơi và được dư luận đánh giá cao. Cho đến khi xuất hiện những bức ảnh khỏa thân đen trắng in trên tạp chí đàn ông Penthouse. Một scandal bắt nguồn từ lòng tham của một ông chủ báo vô lương tâm và sự phản bội của một gã nhiếp ảnh gia chỉ biết có tiền.

Chuyện bắt đầu từ hai năm trước. Lúc đó, Vanessa cộng tác với nhà nhiếp ảnh Tom Chiapel chuyên trị ảnh nude. Giao kèo giữa hai bên là ảnh riêng tư không được sử dụng nếu không được Vanessa đồng ý. Thế nhưng, Tom trở mặt. Đầu tiên, y gạ bán cho Hugh Hefner, ông chủ báo Playboy. Hugh từ chối mua với lý do không muốn làm ô danh hoa hậu Mỹ gốc châu Phi đầu tiên. Hơn nữa, không có sự đồng ý đăng ảnh của người trong cuộc.

Hoa hau… dep la, dep lau - Bai 1: Vuong mien co gai

Vanessa Williams đăng quang  Miss America 1984 (ảnh: Internet)

Thế nhưng, Bob Guccione, chủ báo Penthouse “kỳ phùng địch thủ” của Hugh Hefner lại nghĩ khác. Nhân kỷ niệm 15 năm xuất bản số báo đầu tiên, Bob đăng ảnh nude Vanessa Williams chụp chung với một ông “già gân” 88 tuổi trong nhiều tư thế nhạy cảm. Ấn bản đặc biệt này mang về cho Bob Guccione 14 triệu USD lợi nhuận, đồng thời tạo ra một scandal lớn trong làng báo Mỹ. Các nhà tài trợ đe dọa tẩy chay cuộc thi Miss America 1985.

Trước áp lực của ban tổ chức cuộc thi, ngày 23/7/1984 Vanessa Williams tuyên bố từ nhiệm trong một cuộc họp báo chính thức. Tuy mất danh hiệu hoa hậu về tay á hậu Suzette Charles, nhưng ban tổ chức vẫn ưu ái cho phép Vanessa giữ lại vương miện, giải thưởng (một học bổng trị giá 100.000 USD) và vẫn được chính thức công nhận là “Miss America 1984”, còn Suzette Charles là “Miss America 1984 - b”.

Hai tháng sau, Vanessa làm đơn kiện Tom Chiapel và Bob Guccione yêu cầu bồi thường 500 triệu USD. Vụ kiện chưa kết thúc thì một năm sau Vanessa tự rút đơn với lý do “muốn đẩy lùi scandal vào dĩ vãng để lo cho tương lai”. Một tương lai huy hoàng được xây dựng bằng tài năng đích thực và ý chí thép.

Trong số cựu hoa hậu Mỹ, Vanessa Williams là người đẹp thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp giải trí. Là một ca sĩ, Vanessa đã phát hành chín album bán được hơn sáu triệu đĩa, 15 lần được đề cử giải Grammy, trong đó có đĩa đơn Save the Best for Last bán được 2,2 triệu đĩa. Trong lĩnh vực nhạc kịch, Vanessa từng được đề cử giải Tony với vở diễn Into The Woods. Ở lĩnh vực điện ảnh, cô đóng cặp với Arnold Schwarzenegger trong Eraser, với Miley Cyrus trong Hannah Montana: the Movie. Vanessa cũng nổi tiếng trong phim truyền hình Cô gái xấu xí (Ugly Betty) và Những bà nội trợ kiểu Mỹ (Desparate Housewiwes).

Hoa hau… dep la, dep lau - Bai 1: Vuong mien co gai

Halle Berry đoạt giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2002  (ảnh: Internet)

“Viên ngọc đen” đa tài

Trước khi trở thành một trong các ngôi sao được trả tiền cát-sê cao nhất Hollywood, Halle Berry, năm nay 47 tuổi, từng là người đẹp làm xao xuyến trái tim giám khảo các cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế như Miss Teen All - American, Miss Ohio USA, Miss USA và Miss World.

Con đường danh vọng của Halle Berry (một cô gái gốc Anh và châu Phi, chào đời tại Cleveland, bang Ohio năm 1966) khởi sắc từ cuộc thi Hoa hậu tuổi teen Mỹ (Miss Teen All - American).17 tuổi, Berry được bạn trai làm thủ tục dự thi và thành công ngay. Sau này, Berry mô tả lần đi thi đó giống như bị cuốn vào một cơn lốc.

Halle Berry tiếp tục đăng ký thi Hoa hậu Miss Ohio USA trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Miss USA. Hàng năm, có hai cuộc thi hoa hậu toàn nước Mỹ là Miss America và Miss USA. Thông thường, Miss America dành cho sinh viên với giải thưởng truyền thống là học bổng bậc đại học và đại diện cho nước Mỹ trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới; còn Miss USA tuyển hoa hậu dự thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Năm 1986 được coi là năm bội thu danh hiệu người đẹp của Halle Berry. Sau khi đăng quang Miss Ohio USA 1985, Berry tiếp tục đoạt giải Á hậu thứ nhất Miss USA nhưng cô lại quyết định tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới và xếp hạng sáu. Sau hàng loạt danh hiệu, Berry tự đánh giá: “Tôi chưa phải là nữ hoàng trong các cuộc thi nhan sắc”.

Với vẻ đẹp đã được công nhận, Berry đến Chicago thâm nhập giới người mẫu. Đó cũng là đường đi ban đầu của Cameron Diaz và Charlize Theron. Nhưng, khát vọng làm diễn viên của Berry còn lớn hơn nhiều. Năm 1989, khát vọng ấy thúc đẩy cô đến New York trong cảnh nghèo túng.

Hoa hau… dep la, dep lau - Bai 1: Vuong mien co gai

Halle Berry tham dự cuộc thi Miss World (ảnh: Internet)

Vai diễn đầu tiên của Berry là người mẫu Emily Franklin trong phim truyền hình Living Dolls của đài ABC. Trong một lần diễn, Berry ngất xỉu và rơi vào hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh tiểu đường týp 2. Sau khi loạt phim này chết yểu, Berry đến Los Angeles tìm cơ hội mới ở phim nhựa. Cô bắt đầu từ một vai nhỏ trong phim Jungle Fever và đây được coi là bước đột phá quan trọng của cô.

Phim truyền hình không phải là “thánh địa” của Berry mà là phim nhựa. Minh chứng hùng hồn nhất là vào năm 2002, Halle Berry trở thành diễn viên da màu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Mỹ được trao giải Oscar hạng mục “nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” trong phim Monster’s Ball. Báo chí Mỹ đã gọi Berry là “viên ngọc đen” của nước Mỹ.

Trước đó, Berry từng gặt hái thành công trong một loạt phim bom tấn như James Bond: Die Another day 2002 và đặc biệt là X-Men (2000). Hiện nay X-Men đã kéo dài đến ba phần. Riêng phần bốn có tựa đề X-Men: Days of Future Past đang quay, sẽ công chiếu năm 2014. Cô cũng từng đoạt giải Quả cầu vàng và Emmy năm 1999 với phim truyền hình Introducing Dorothy Dandridge của đài HBO.

Song hành với những thành tựu điện ảnh, nhan sắc của Berry được tôn vinh liên tục trong các năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Tạp chí People ba lần xếp cô vào danh sách “50 phụ nữ đẹp nhất” (1998, 2002 và 2003). Berry cũng được chọn vào danh sách “100 phụ nữ quyến rũ thế giới” (2003).

VĂN ANH

Đón đọc kỳ tới: Sắc đẹp và trí tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI