Hẹn hò ở…bữa cơm tối

26/06/2014 - 16:51

PNO - PNO - Trong việc kết nối các thành viên trong gia đình, bữa cơm chung mang tính “sống còn”, bởi nếu không cùng chung mâm, các thành viên sẽ khó có dịp kề cận bên nhau. “Ăn theo thuở, ở theo thời”, điều kiện của cuộc sống hiện...

edf40wrjww2tblPage:Content

Miễn là được ngồi bên nhau

Cách tổ chức bữa cơm gia đình theo lối truyền thống là nấu bữa ăn tại nhà, tập hợp các thành viên về cùng ăn. Thế nhưng, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, dù muốn cũng không thể làm như vậy. Họ đã linh động tổ chức bữa ăn gia đình ở một không gian khác, bên ngoài ngôi nhà của mình. Với diễn viên Ngọc Tưởng, bữa cơm gia đình là bữa cơm có đủ các thành viên, không nhất thiết phải ăn tại nhà mà có thể cùng nhau ra quán. Cũng có lúc cha mẹ, con cái cùng dùng bữa tại nhà, nhưng món ăn được chế biến sẵn, mua ở bên ngoài. Miễn là khi các thành viên cùng dùng bữa, cảm thấy vui vẻ, ấm áp.

Hen ho o…bua com toi

Gia đình anh Ngọc Tưởng

Thường ngày, niềm vui của Ngọc Tưởng được khơi nguồn chính từ những cuộc điện thoại của bà xã (chị Lệ Thu): “Tối nay anh thích ăn gì, để em nấu?”. Anh là diễn viên, đi suốt, nên rất thích cảm giác được ngồi bên vợ con. Mỗi lần ghi hình gần Sài Gòn, anh tranh thủ chạy về ăn cơm cùng vợ. Nếu vợ chưa kịp chuẩn bị bữa ăn, anh cũng không suy nghĩ nặng nề, mà rủ nhau cùng ra quán. Khi đi lưu diễn, lúc ăn cơm là lúc anh nhớ vợ nhất, nhơ vợ tỉ mẩn nấu cho anh món bún cá đậm đà hương vị quê nhà Quy Nhơn; nhớ con gái Ngọc Khanh nũng nịu nhờ ba gỡ giùm xương cá, bới thêm chén cơm. Vào bữa ăn, bé Khanh thường nịnh mẹ: “Mẹ nấu món này con thích nhất từ trước tới giờ. Ba cũng thích hả ba?”. Những điều tưởng nhỏ nhặt ấy nhưng là sợi dây gắn kết anh chàng lãng tử về với gia đình.

Nhà báo Thanh Tùng (Báo Thanh Niên) là “chân đi” trong nghề báo, nhưng xong việc chỉ muốn về nhà với vợ. Anh chia sẻ: “Thói quen chỉ ăn uống ở nhà, cùng lắm mới ăn ngoài đường đã hình thành trong tôi từ nhỏ. Rất may, vợ tôi nấu ăn ngon và rất đảm đang, nên bữa ăn gia đình được duy trì liên tục. Có những lúc vợ bận bịu công việc, làm bữa qua loa, nhưng tôi vẫn thấy vui. Điều giá trị của bữa ăn gia đình là các thành viên được ngồi bên nhau để vừa ăn vừa trò chuyện, chứ không nhất thiết phải là ăn món gì”.

Hen ho o…bua com toi

Nhà báo Thanh Tùng bên vợ con

Chị Hồng Nga ( vợ nhà báo Thanh Tùng) thường thức dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho cả nhà. Riêng bữa sáng được chị chuẩn bị rất chu đáo với nhiều món, được ông xã dí dỏm bảo rằng “sáng nào nhà mình cũng được ăn buffet”. Buổi tối, đi làm về, chị lại cắm cúi cho bữa tối. Nhà báo Thanh Tùng bảo: “Nhà tôi không thuê người giúp việc, thấy vợ vất vả với bữa ăn như vậy, tôi không nỡ phụ lòng. Dù ngoài đường có sức hút rất lớn với những cuộc nhậu tưng bừng, tôi vẫn về nhà mà lòng nhẹ nhõm, không tiếc những “độ nhậu” với bạn bè. Tôi vào bếp phụ vợ, và từ lâu phát hiện ra rằng, bữa cơm gia đình không chỉ vui lúc ăn, mà còn vui khi được cùng nhau nấu”.

Với nhiều người đàn ông, sau giờ làm được bù khú bên bạn bè là thú vui khó bỏ, nhưng anh Thanh Tùng có thú vui về uống bia với… vợ con! Dù anh “độc ẩm” , nhưng vẫn có cảm giác thích thú khi ngồi phân tích cho vợ nghe từng loại bia mới, rồi loại rượu nào nhắm với mồi nào thì hợp. Những dịp cuối tuần, “bữa nhậu gia đình” ấy kéo dài, khi hai con đã đi ngủ, đôi vợ chồng tình tứ này vẫn hàn huyên đến khuya.

Giá trị không thể đánh đổi 

Với nhịp sống tất bật, thường thì chỉ có khoảng thời gian dùng cơm tối là vợ chồng, con cái được đầm ấm, thư thái bên nhau. Có những người mải miết theo công việc, đến mức, muốn “nhìn mặt nhau”, phải hẹn đến bữa cơm tối. Nhận thức khoảnh khắc gặp mặt ngắn ngủi và quý giá như vậy, nên nhiều đôi vợ chồng quyết tâm đặt ra quy định “làm gì thì làm, buổi tối cũng phải ăn cơm cùng nhau” như trường hợp anh Võ Văn Dung - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA. Theo anh Dung, bữa tối chính là cơ hội và thời điểm tốt nhất để gia đình tụ họp, gắn kết các thành viên. Đó là nơi vợ chồng trò chuyện, chia sẻ công việc, bàn luận chuyện chăm sóc, dạy dỗ con cái cũng như các vấn đề xã hội và quan trọng hơn, là giữ một nếp sinh hoạt ấm cúng cho gia đình.

Hen ho o…bua com toi

Gia đình anh Võ Văn Dung

Đi nhiều, gặp nhiều và chứng kiến không ít gia đình có mối quan hệ các thành viên trở nên lỏng lẻo, nhiều đứa trẻ có xu hướng thu mình, sống cô đơn trong chính ngôi nhà mình và thích tìm sự sẻ chia bên ngoài khiến anh Dung lo ngại. Do đó, bữa cơm với anh rất quan trọng trong việc quản lý, giáo dục, tập cho các con thói quen chia sẻ, luôn coi cha mẹ là chỗ dựa để dễ dàng mở lòng. Theo anh Dung, không khó để duy trì một bữa cơm đầy đủ các thành viên. “Bí quyết” nằm ở chỗ mỗi người biết thu xếp một lịch trình làm việc, học tập thật khoa học. Cả hai vợ chồng anh đều cố gắng giải quyết công việc trong ngày, nếu không xong sẽ tiếp tục sau bữa cơm tối. Còn việc gặp gỡ đồng nghiệp, đối tác, bạn bè… sẽ được anh sắp xếp vào giờ nghỉ trưa.

Với chị Phạm Xuân Lài (Công ty vận tải DHL) thì bữa cơm trong hai ngày cuối tuần là quan trọng nhất, bởi có thêm sự góp mặt của cô con gái đã lập gia đình. “Nhớ mẹ, cuối tuần nào con gái cũng về… ăn ké” - chị Lài kể. Hầu như các tối, dẫu bận tăng ca hay về trễ mấy chị Lài cũng cố gắng xắn tay vào bếp lo bữa tối cho cả nhà. Chị nói vui: “Không nấu là ổng với hai đứa nhỏ nhịn liền!”. Gần hai mươi năm chung sống, anh Nguyễn Thành Tài (chồng chị Lài), “bắt” cả nhà quây quần. Chị Lài cho hay: “Ổng quan trọng bữa cơm lắm, nói, sống với nhau mà đến bữa còn không ăn cùng nhau thì ra… thể thống gì!”. Đặc biệt, trong mọi bữa cơm, điều gia đình chị tối kỵ là sự gây gổ, cằn nhằn, khó chịu, đem những buồn bực nói ra. “Vừa dùng bữa vừa kể chuyện vui, rồi nghe các con bày tỏ tâm tư để nắm bắt, định hướng. Bữa cơm ngon miệng trước tiên phải là bữa cơm vui vẻ” - chị Lài khẳng định. Hỏi chị công việc bận rộn, có thấy nhọc nhằn với lo toan bếp núc khi mà trước nhà có đến mấy quán ăn, chị Lài đĩnh đạc: “Chỉ một tiếng để lo cơm nước mà vợ chồng con cái được sum vầy, thêm gần gũi thương yêu; ai không làm được vậy thì tui thấy… dở quá!”.

Hen ho o…bua com toi

Gia đình anh Bùi Đình Long

Vợ là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Tư lệnh TP.HCM, chồng là giáo viên Trường Trung cấp nghề số 7, Quân khu 7; lúc nào cũng bộn bề công việc, nhưng chị Lê Thị Bích Ngọc và anh Bùi Đình Long luôn chờ nhau để cùng dùng bữa cơm tối. Theo chị Ngọc, anh Long rất coi trọng bữa cơm gia đình. Nhà ở Q.12, cách chỗ làm của hai vợ chồng 18km, những hôm công việc bận bịu, về đến nhà trời đã tối mịt, chị lại bất ngờ vì chồng đã đi chợ, nấu nướng, bày biện sẵn sàng. Thừa nhận mình là người phụ nữ may mắn, nhưng chị Bích Ngọc cũng không quên “bật mí”: “Nhiều khi, vì nổi hứng ăn vặt ở ngoài rồi… lơ cơm nhà mình phát hiện bị ảnh không vui!”.

Sau vài lần như thế, chị hiểu “nguyên tắc” của chồng nên không dám tái phạm nữa. Mới đây, trong một lần giận nhau, chị nấu nướng xong xuôi rồi lên chơi với con. Anh đi ngang, lạnh lùng đề nghị: “Thôi phần ai nấy ăn đi”. Chị hồn nhiên xới một chén ăn trước. Chẳng ngờ, thấy vậy, anh giật mình: “Nói vậy mà ăn riêng thiệt hả?”. Nhìn điệu bộ của chồng, chị phì cười, rồi lẳng lặng xuống dọn cơm lên ăn chung, thế là hòa. Với vợ chồng chị, bữa cơm gia đình không chỉ là cơ hội để chuyện trò, chia sẻ với nhau, mà còn là “liều thuốc” hóa giải những căng thẳng, dỗi hờn.

Có thể thấy, tùy theo hoàn cảnh, mỗi gia đình đã có cách tổ chức bữa cơm gia đình theo cách phù hợp. Sự linh động đó giúp các thành viên trong gia đình cảm thấy thoải mái trong sinh họat, mà vẫn giữ được giá trị không thể đánh đổi: được đầm ấm bên nhau trong bữa ăn.
 

TRANG ĐẮC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI