"Hãy sống một ngày cho đầy mãi mãi" (*)

17/12/2020 - 06:42

PNO - “Human” (“Con người”), album đánh dấu sự trở lại đầy tham vọng của Tùng Dương, là nỗ lực định vị con người trong kỷ nguyên công nghệ.

Với hai buổi liveshow ra mắt tại Hà Nội tháng 11 vừa qua, album Human đem đến những gì vốn làm nên tên tuổi Tùng Dương, từ giọng hát ma mị đầy nội lực, phong cách “dị biệt” đến nguồn năng lượng sáng tạo dường như chưa bao giờ vơi cạn. Sự trở lại lần này tiếp tục định vị anh như một sắc màu độc đáo, không trộn lẫn của âm nhạc Việt Nam đương đại.

Human gồm 12 ca khúc với định hướng chủ đạo là nhạc rock mang tính thể nghiệm (experimental rock). Ở đó, vang vọng giữa những tầng âm thanh dày dặn, cầu kỳ và hoành tráng đến từ bàn tay phối khí của Nguyễn Hữu Vượng là những tâm sự, khao khát rất đỗi riêng tư của con người.

Con người nghĩa là gì? Tùng Dương trả lời câu hỏi đó bằng cách đào sâu vào nỗi buồn, nỗi cô đơn và sự bất an trong tâm hồn mỗi cá nhân, cũng như những vết nứt của cuộc sống, của kiếp người.

Human là một nỗ lực định vị con người trong kỷ nguyên số
Human là một nỗ lực định vị con người trong kỷ nguyên số

Album lần này đem đến những tiếng nói đa thanh, khi những người bạn, người cộng sự của Tùng Dương đều đi đến cùng với cá tính âm nhạc của mình. Với Human, ta có một Sa Huỳnh nữ tính và nhạy cảm, một Bùi Caroon gai góc và giàu triết lý, một Hà Trần dịu dàng mà rực lửa, một Ngũ Cung u uất và cuồng dại. Tất cả những sắc màu ấy được cân bằng, hòa quyện với nhau, bổ khuyết cho nhau trong sự nồng nàn, tha thiết, mãnh liệt của giọng hát Tùng Dương.

Trong Oa Oa – ca khúc mở đầu cho Human, những thăng trầm của đời người được cô đọng lại thành tiếng khóc. Với đứa trẻ sơ sinh, đó là thứ “ngôn ngữ” bản năng giúp chúng giao tiếp với thế giới, đại diện cho một sự sống non nớt vừa mới thành hình. Còn với người trưởng thành, đó lại là tín hiệu của những cảm xúc dồn nén, của những trải nghiệm sống gắn liền với nỗi đau, sự mất mát và nuối tiếc.

Lúc bấy giờ, nước mắt đem đến hình hài cho những tâm hồn mong manh, đa cảm, dễ bị tổn thương bởi muôn vàn bất trắc của đời sống:

Tình tôi khóc nỗi nhớ mong/Đời em khóc nỗi long đong/Lòng ai trăm mối tơ vò/Đời cho tiếng khóc đa đoan

Bởi vậy, chất “người” của Human bắt nguồn từ sự cảm thông với nỗi đau nhân thế. Ở đó, có những khoảnh khắc tâm hồn con người vụn vỡ, với những “vết thương rỉ máu” (Mắt đêm), những nỗi đau đã bão hòa trong nhân dạng (Bão hòa), với sự bơ vơ, cô độc, không nơi nương tựa giữa cuộc đời (Bi ca, Người mù, Adam). Tận cùng của những thương tổn ấy là cảm thức hư vô đặc quánh đến điên dại, khi con người chứng kiến sự mục rã, lụi tàn của thế giới và mọi ý nghĩa (Mục rã).

Tuy nhiên, dù dữ dội và khốc liệt đến mấy, âm nhạc trong Human vẫn là thứ âm nhạc vực dậy con người. Nó nâng niu những niềm hy vọng mong manh, hướng tới sự chữa lành, tái sinh: “Nhuộm sợi tóc đen bỗng nhiên bạc màu”; Muộn phiền biết nguôi như cây đâm chồi” (Mắt đêm); “Em bão hòa yếu đuối để kết tinh mạnh mẽ” (Bão hòa). Mỗi lần trải qua nỗi đau là một lần con người lột xác để trưởng thành, bản lĩnh hơn.

 

Ca khúc Adam (Con người) trong album Human

Bên cạnh đó, tinh thần mà Human đem lại cũng rất gần với mỹ học wabi-sabi của người Nhật. Đó là tinh thần chấp nhận sự bất toàn, rạn vỡ của đời sống để tìm kiếm những điều tốt đẹp, ý nghĩa. Trong bài Con mèo nghèo – một sáng tác từng dự thi Sing my Song của nhạc sĩ trẻ Bùi Caroon, Tùng Dương hát mà như đúc kết một triết lý sống: “Và rồi hạnh phúc đến từ những điều không trọn vẹn”. Đó là thứ hạnh phúc nằm ở trong tim mỗi người, khi ta biết “thỏa lòng”.

Mặt khác, Human còn đem đến những băn khoăn, trăn trở của việc làm người, đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển, khiến khái niệm “nhân tính” trở thành một câu hỏi hóc búa.

Thế nhưng, trước khi hình dung đến viễn cảnh tương lai thì sự ngắn ngủi của kiếp người cũng đã luôn hiện diện. Trong ca khúc S.O.S, một tiếng còi xe cứu thương cất lên cũng bao hàm trong đó sự hữu hạn, vô thường của đời sống. Dường như đó là thứ âm thanh thức tỉnh, nhắc nhở con người hãy cố gắng sống một cách ý nghĩa trước khi trả lại xác thân cho cát bụi.

 S.O.S cùng với Adam (Con người) gợi nhớ tới ca khúc nổi tiếng Chuyện năm người của nhạc sĩ Trần Tiến. Nếu như Chuyện năm người chỉ ra bi kịch lớn nhất của việc làm người là “chẳng sống bao giờ”, thì hai bài hát trong Human lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sống mòn. Cuộc sống chỉ có một, nhưng con người vẫn chưa dám sống hết mình, vẫn u mê, mù lòa, chạy theo những điều phù phiếm giả tạm.

Và nếu ngày mai ta không trở lại/Một ngày bình thường không đến nữa/Đã mỉm cười chưa, hay vẫn tiếc nhiều?” (S.O.S – Bùi Caroon)

Bài hát gợi ra những câu hỏi đau đáu, với một viễn cảnh có thể xảy đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào, để rồi kết lại với thông điệp: “Hãy sống một ngày cho đầy mãi mãi”. Sự hữu hạn khiến cuộc sống trở nên quý giá, thôi thúc con người sống có trách nhiệm, có ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Human mang trong mình những thông điệp nhân bản
Human mang trong mình những thông điệp nhân văn về giá trị người

Bên cạnh đó, việc sống cho “ra con người” dường như đã trở thành mục tiêu cấp bách, trong bối cảnh kỷ nguyên mà máy móc ngự trị đang đến gần. Trí tuệ nhân tạo, ca khúc số 11 trong album, đặt ra tầm nhìn về một tương lai không xa, nơi những cỗ máy học được cách tư duy để “hóa con người”, hay thậm chí là vượt lên trên con người.

Ranh giới ngày càng mập mờ giữa máy và người vốn đã được các tác phẩm khoa học viễn tưởng khai thác từ lâu. Ở hiện tại, cũng đã xuất hiện những cỗ máy biết vẽ tranh, làm thơ, viết sách, sáng tác nhạc… chẳng khác nào những nghệ sĩ thực thụ. Trong khi máy móc ngày càng thông minh hơn, “người” hơn, thì nhân loại đang đi về đâu? Đó là câu hỏi mà Tùng Dương đề cập để mời gọi chúng ta cùng suy ngẫm.

Và trên hết, sự trung thành với những giá trị nhân bản chính là sứ mệnh mà anh đặt ra trên con đường làm nghệ thuật của mình.

Minh Trang

(*) Lời ca khúc S.O.S

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI