Hành lang, giấc ngủ và nỗi sợ

13/10/2015 - 06:52

PNO - So với chuyện trẻ bị bạo hành, trẻ bị ngủ ngoài hành lang chật chội, nóng nực, mưa nắng dội vào đầu, vào người có vẻ là chuyện nhỏ.

So với trẻ bị bạo hành, trẻ ngủ trên lối đi trong khi các phòng học để trống đã là quá tốt. So với các em bé chưa biết nói, trẻ tiểu học lớn hơn nhiều, đã có thể biết bất bình, đã có thể biết bất mãn, đã có thể nói về những điều mình không hài lòng.

Tất nhiên 27 lớp, cả ngàn học sinh, không trường nào có khả năng xây 27 phòng ngủ. Trẻ học bán trú, cha mẹ nào cũng xác định con mình sẽ phải chịu một số bất tiện đáng kể từ chuyện ăn, ngủ, đi vệ sinh, thậm chí chuyện học hành - nhất là trong điều kiện khí hậu thất thường như hiện tại.

Theo cách dạy trẻ của một số quốc gia, nên để trẻ thiếu thốn một chút, cực khổ một chút, nên trì hoãn yêu cầu, mong muốn của trẻ càng lâu càng tốt, như vậy trẻ mới học được kỹ năng vượt khó.

Chẳng cần xa xôi, trẻ ở vùng quê không có điều kiện, chúng cũng đi học trong gian khó đấy thôi, có sá gì một chút chật chội, nóng nực, thiếu thốn, nắng mưa.

Hanh lang, giac ngu va noi so
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Tôi đã tự nhủ như thế, đã trấn an mình như thế khi nhìn thấy những thiên thần nhỏ nằm đấu chân vào nhau, chật chội, chen chúc. Nhưng rồi không thể không tự hỏi ở trường con mình ngủ ra sao? Chẳng phải những gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này ta đều dành cho trẻ sao?

Chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện chơi chẳng phải là điều kiện cơ bản nhất mà mọi trẻ em trên đời này đều được hưởng? Những giấc ngủ nghiêng ngả, tay chân co rút, trẻ làm sao ngủ đủ, ngủ ngon, nói gì đến chuyện nạp lại năng lượng để tiếp tục buổi chiều.

Nói gì đến chuyện thư giãn. Nói gì những giấc mơ đẹp? Có thể hơi quá, nhưng nhìn các con ngủ, không thể tránh khỏi chạnh lòng “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

Đó là tôi chỉ mới nhìn riêng giấc ngủ, chưa “cận cảnh” những hành lang xem có đủ vệ sinh? Điều gì đã làm cho hàng trăm con người xem đó là “công trình”? Giấc ngủ của trẻ không quan trọng hay đã quá quen sống trong điều kiện thiếu thốn, ta thấy chuyện để những đứa trẻ ngủ ngoài hành lang, ngủ trên lối đi là chuyện bình thường?

Có thể có phụ huynh không biết con mình ngủ ra sao, vì trẻ đâu có nói. Cũng có thể phụ huynh chỉ hỏi hôm nay con học thế nào, hôm nay con được bao nhiêu điểm mà không hỏi hôm nay con ngủ ngon không, con ăn cái gì, con có vui không, có gì làm con buồn không, có gì làm con hài lòng, cái gì làm con không hài lòng. Hay cha mẹ có hỏi mà trẻ không trả lời?

Hay cha mẹ không tạo đủ niềm tin để trẻ kể về những chuyện đang xảy ra trong trường học? Đó chỉ là vấn đề truyền thông tin giữa con cái và ba mẹ, giữa trẻ con và người lớn hay còn điều gì sau đó?

Tôi không muốn nghĩ xa hơn về trách nhiệm với bản thân mình. Có phải trẻ đã quen được dạy rằng người lớn luôn luôn đúng, cho nên không trẻ nào thấy ngủ như thế là chuyện bất thường?

Còn bao nhiêu chuyện bất thường khác mà ta chưa biết? Nên chăng cả cha mẹ và nhà trường để ý và rèn luyện thêm cho trẻ quan sát, đánh giá, phản biện, bất bình thậm chí là tranh đấu? Bởi điều đó cần cho con mình, cho quá trình trưởng thành của trẻ.

Hay phụ huynh biết nhưng không dám nói hoặc không làm được gì vì… ”trẻ mầm non không học trường này thì trường khác, còn trẻ tiểu học không học trường này biết chuyển đi đâu”.

Có phải suy nghĩ này làm chúng ta thỏa hiệp? Có phải suy nghĩ này làm con chúng ta không biết bất bình? Có phải chính những nỗi sợ này đã đưa lối dẫn đường để chúng ta, những người làm cha mẹ quên mất quyền của mình, quên mất khả năng của mình, quên mất rằng mình hoàn toàn có thể xây dựng, bồi đắp thậm chí chọn lựa để con mình có môi trường học tập tốt hơn?

Ban Mai (Q.Tân Phú)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI