Hàng ngàn tấn dầu tràn có thể gây chết rừng ngập mặn

26/08/2020 - 14:00

PNO - Chuyên gia Nhật cảnh báo nếu dầu tràn không được dọn dẹp kịp thời sẽ có thể khiến một số khu rừng ngập mặn ở Mauritius bị chết toàn bộ.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, con tàu MV Wakashio (thuộc sở hữu của Tập đoàn Hàng hải Okiyo và công ty vận tải Nagashiki của Nhật Bản, treo cờ Panama và đang trên hành trình từ Trung Quốc đến Brazil) đã gãy đôi sau hơn nửa tháng bị đắm do đâm phải rạn san hô ngoài khơi vùng biển Mauritius. Vụ tai nạn đã làm tràn hàng ngàn tấn dầu ra biển, gây ra thảm hoạ sinh thái tồi tệ nhất từ trước đến nay tại đảo quốc này.

Con tàu gãy đôi ngoài khơi Mauritius
Con tàu gãy đôi ngoài khơi Mauritius

Mới đây, một nhóm gồm 7 thành viên, trong đó có 5 chuyên gia môi trường Nhật Bản tiến hành điều tra thiệt hại tại chỗ từ vụ tai nạn này, đặc biệt với những khu rừng ngập mặn, rạn san hô… những hệ sinh thái có ý nghĩa lớn với vùng biển. Đồng thời, nhóm cũng hỗ trợ về môi trường tại chỗ cho chính phủ Mauritius. 

“Ở những khu vực bị ô nhiễm nặng, dầu bám vào rễ khí sinh có thể khiến rừng ngập mặn chết ngạt. Ngoài ra, nếu dầu để lâu, các chất độc hại của nó có thể giết chết rừng ngập mặn”, Noriaki Sakaguchi, phó trưởng nhóm và chuyên gia bảo tồn hệ sinh thái tại Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, cho biết trong một cuộc họp trực tuyến.

Hiện nay, vẫn chưa xuất hiện rừng ngập mặn chết nhưng đã có 2 trong số 7 địa điểm được khảo sát với một diện tích lớn rừng bị de đoạ nghiêm trọng do dầu tràn.

Nhóm nghiên cứu cho biết việc dầu tràn vào khu rừng ngập mặn khó xử lý hơn ở những bờ cát vì quá trình loại bỏ có thể khiến dầu xâm nhập sâu hơn vào lòng đất, tiếp tục gây ảnh hưởng đến bộ rễ của thực vật nơi đây.

Dầu tràn bám chặt vào rễ của nhiều loài cây ở rừng ngập mặn
Dầu tràn bám chặt vào rễ của nhiều loài cây ở rừng ngập mặn

Nhóm đang đánh giá tác động tại khu rừng ngập mặn (ramsar), nơi gần nhất so với vị trí con tàu gặp nạn để đưa ra kết luận sớm nhất nhằm có thêm các biện pháp khắc phục.

Một đội nghiên cứu khác cho biết hiện vẫn chưa thấy bằng chứng về việc dầu lắng xuống đáy biển, cũng như san hô chết do dầu. Tuy nhiên, những sợi dây thừng dính dầu đã làm cho vùng nước bên dưới mặt biển trở nên âm u. Đồng thời, xác con tàu khi chìm xuống đã phá huỷ san hô tại nơi đây. Nếu nước vẫn đục trong một thời gian nữa thì việc san hô chết hàng loạt có thể xảy ra. 

Tàu MV Wakshio chở 3.800 tấn dầu nhiên liệu và 200 tấn dầu diesel. Tính đến ngày 6/8 đã có hơn 1.000 tấn dầu tràn ra biển. 

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản hôm thứ hai đã cử một nhóm chuyên gia cứu trợ môi trường đến Mauritius để tiếp tục hỗ trợ khắc phục hậu quả. Nhật Bản đang xem xét cử thêm các chuyên gia đến đây để hỗ trợ. 

Thuỳ Anh (theo Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI