Thảm họa kép của thế giới khi cùng lúc hứng đại dịch và thiên tai

22/05/2020 - 08:29

PNO - Những trận mưa lớn kéo dài, lốc xoáy, siêu bão… tràn lan kéo theo không ít thách thức cho các quốc gia trong việc khống chế dịch COVID-19.

Khi thiên nhiên trút cơn thịnh nộ 

Bốn tháng đầu năm 2020, các quốc gia trên thế giới tập trung toàn bộ nguồn lực, chuyên môn, thời gian và công sức ứng phó với dịch COVID-19. Bước sang tháng Năm, nhiều nước phải tiếp tục gồng mình để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão, lũ lụt, động đất, cháy rừng… gây ra. Đáng chú ý, Nam Á và Bắc Mỹ - hai điểm nóng của đại dịch - lại là hai khu vực đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết xấu.

Siêu bão Amphan đổ bộ tối 20, rạng sáng 21/5 trên địa phận Ấn Độ và Bangladesh gây nên tổn thất lớn cả về vật chất lẫn con người. Thủ hiến bang Tây Bengal (Ấn Độ) Mamata Banerjee thông báo, ít nhất 12 người đã chết và mất khoảng 3-4 ngày mới có thể đánh giá toàn bộ thiệt hại. Trong khi đó, Amphan với sức công phá khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng ít nhất 8 người, khiến hàng ngàn ngôi nhà ở Bangladesh đổ sụp và buộc 2,4 triệu người dân nước này sơ tán.

Vỡ đập khiến các thành phố trung tâm tiểu bang Michigan chìm trong biển nước
Vỡ đập khiến các thành phố trung tâm tiểu bang Michigan chìm trong biển nước

Tương tự hai quốc gia Nam Á, Hoa Kỳ cũng đối mặt tình trạng khẩn cấp, khắc phục tổn thất nặng khi hai đập chứa nước Edenville và Sanford thuộc tiểu bang Michigan bị vỡ tối 19/5. Theo điều tra ban đầu, hàng chục ngàn người phải gấp rút sơ tán khi mực nước tại vùng hạ lưu dâng cao xấp xỉ 3m có thể do vi phạm an toàn trong việc giữ nước sau những trận mưa lớn kéo dài. 

Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu của chuỗi thiên nhiên trút cơn thịnh nộ, đe dọa nhấn chìm các quốc gia ở Bắc bán cầu khi bước vào mùa hè - thời kỳ hoạt động mạnh nhất của thiên tai - bao gồm khu vực Bắc Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á… 

Theo các nhà khoa học tại Đại học Colorado, Mỹ dự báo một cơn bão cực lớn sẽ đổ bộ vào nước này và nguy cơ cháy rừng ở lãnh thổ phía Tây tiếp tục gia tăng trong năm 2020. “Thật kinh khủng khi nghĩ về những điều sẽ xảy đến nếu thảm họa diễn ra” - quan chức của Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang chia sẻ với CNN.

Thảm họa kép đe dọa công sức chống dịch

Theo báo cáo của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - ngày 21/5, WHO ghi nhận số trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 kỷ lục: khoảng 106.000 người trong một ngày. Trong đó, 2/3 số ca nhiễm đến từ Hoa Kỳ, Brazil, Nga và Ấn Độ. 

Ấn Độ và Mỹ đang phải vừa gồng mình trước thảm họa thiên nhiên, vừa đối mặt với sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Dù chưa có thống kê cụ thể về tác động của thảm họa thiên tai đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng trên thực tế, hàng triệu người dân Ấn Độ, Bangladesh và Philippines đã phải di chuyển đến các cơ sở tạm trú tránh bão, gây khó khăn lớn trong việc kiểm soát dịch. Theo các chuyên gia, số lượng người tập trung đông đảo trong khi điều kiện về cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế còn kém phát triển sẽ là thách thức không nhỏ với các nước này. Điển hình như Philippines - quốc gia hằng năm gánh chịu trung bình 20 cơn bão - nguy cơ tái bùng phát dịch đợt hai là rất cao, xóa bỏ những công sức mà quốc gia này đã bỏ ra trong gần ba tháng qua.

Chưa có vắc-xin phòng dịch COVID-19, nhưng thiên tai lại rình rập, thay vì ngồi lo lắng, các nước đã chuẩn bị những chiến lược nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại từ thảm họa kép. Theo đó, nhiều quốc gia xác định các kịch bản xấu nhất có thể diễn ra, thường xuyên theo dõi các mô hình dự báo thời tiết để đề xuất giải pháp kịp thời trước các tình huống thời tiết cực đoan. Họ cũng điều chỉnh các chính sách ứng phó khẩn cấp để giải quyết các mối nguy hiểm do thảm họa thiên nhiên, đồng thời tập trung giãn cách xã hội từ việc phân phối viện trợ đến cung cấp nơi trú ẩn an toàn. 

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI