Hàng chục hécta rừng tại Đắk Lắk tiếp tục bị tàn phá

16/04/2022 - 08:01

PNO - Trong khi vụ phá gần 400ha rừng ở huyện Ea Súp đang trong quá trình điều tra thì tại xã Đắk Phơi lại phát hiện hơn 70ha rừng bị phá, lấn chiếm.

Ngày 16/4, một lãnh đạo UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ vụ phá rừng xảy ra ở đây.

Trước đó, ngày 6/4, đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, UBND xã Đắk Phơi và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - chi nhánh Đắk Lắk (Công ty Tân Mai) đã lập biên bản kiểm tra tình trạng phá rừng trái pháp luật ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Nhiều ngọn đồi bị phá trọc để trồng hoa màu
Nhiều ngọn đồi bị phá trọc để trồng hoa màu

Theo đó, qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra đã xác định diện tích rừng bị phá là 74,6ha, thuộc lâm phần do Công ty Tân Mai và UBND xã Đắk Phơi quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Cụ thể, lâm phần do Công ty Tân Mai quản lý bị phá tổng diện tích 63,7ha tại các tiểu khu 1391, 1392 và 1400, có trạng thái rừng tự nhiên le, lồ ô có xen một vài cây thân gỗ thuộc quy hoạch rừng sản xuất, trên địa giới hành chính xã Đắk Phơi.

Thời điểm kiểm tra, Công ty Tân Mai đã cung cấp 44 biên bản kiểm tra tình trạng lấn chiếm đất từ ngày 13/2/2022 đến 27/3/2022, với diện tích đã kiểm tra là 62,9ha tại các tiểu khu 1392, 1400. Đồng thời, đã xác định ban đầu được một số đối tượng có liên quan, các vụ việc nêu trên công ty đã báo cáo và bàn giao hồ sơ cho UBND xã xử lý.

Người dân ngang nhiên dọn, đốt cây rừng để làm nương rẫy
Người dân ngang nhiên dọn, đốt cây rừng để làm nương rẫy

Đối với lâm phần do UBND xã Đắk Phơi quản lý, tổng diện tích rừng bị phá là 10,9ha, thuộc khoảnh 2, khoảnh 7 tiểu khu 1400, có trạng thái là rừng tự nhiên le, lồ ô có xen một vài cây thân gỗ thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, lực lượng bảo vệ của Công ty Tân Mai đã phát hiện rất nhiều người dân địa phương ở buôn Jie Juk và các buôn khác của xã Đắk Phơi tổ chức theo nhóm từ 10-25 người vào khu vực đất được giao của Công ty Tân Mai để chặt phá, phát cây le, lồ ô nhằm lấn chiếm đất làm nương rẫy. Mặc dù, lực lượng bảo vệ của công ty đã ra sức thuyết phục, tuyên truyền, vận động nhưng người dân không tuân thủ, không hợp tác và có thái độ thách thức lực lượng bảo vệ của công ty.

Hàng chục hécta rừng chỉ còn trơ trọi những gốc cây bị đốt nhá nhem
Hàng chục hécta rừng chỉ còn trơ trọi những gốc cây bị đốt nhá nhem

Trước tình hình trên, lực lượng bảo vệ của Công ty Tân Mai đã nhiều lần lập biên bản hiện trường bước đầu, lập các hồ sơ báo cáo, có danh sách một số người chặt phá, lấn chiếm đất gửi UBND xã, Công an xã và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Công ty Tân Mai cũng đã tăng cường thêm lực lượng bảo vệ và thường xuyên tuần tra, quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp đo đơn vị quản lý. Tuy nhiên, các vụ việc chặt phá, phát cây le, lồ ô để lấn chiếm đất làm nương rẫy ngày càng diễn ra hết sức phức tạp và diện tích ngày càng nhiều.

Theo ông Tuấn, vào năm 2021, công ty trồng vừa xong 6,3ha rừng thì dân nhổ hết. Tiếp đó, khoảng tháng 5-6/2021, công ty tập kết 100.000 cây giống keo để đưa vào trồng rừng thì bị người dân đã kéo 60-70 người vô phá toàn bộ cây giống. Thậm chí, nhóm người này còn đập phá cả trạm bảo vệ rừng của công ty. Sự việc này công ty báo cho cơ quan chức năng. Thế nhưng, đến nay công tác xử lý các vụ việc vi phạm chưa được kịp thời, dứt điểm, đặc biệt là các vụ vi phạm chống đối người thi hành công vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Biển cấm chặt phá rừng của đơn vị chủ rừng gắn trên các diện tích quản lý bị phá, vứt xuống suối
Biển cấm chặt phá rừng của đơn vị chủ rừng đóng trên các diện tích quản lý bị phá, vứt xuống suối

Không chỉ vậy, Công ty Tân Mai đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức họp để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, tránh tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Thế nhưng, những nỗ lực của đơn vị chủ rừng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Theo đó, diễn biến trong công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, xâm hại tài nguyên rừng ngày càng phức tạp, chủ yếu tập trung vào các hành vi: chặt phá, phát cây le, lồ ô để lấn chiếm đất làm nương rẫy đang có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, nhiều lần  bảo vệ của công ty còn bị người dân đuổi đánh trong quá trình làm nhiệm vụ.

Từ những phân tích nói trên, ông Tuấn cho rằng, để giữ rừng thì cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng
Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng

Bà H’Binh Liêng - Phó chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, đối với diện tích rừng 10,9ha bị phá phát hiện qua thực tế kiểm tra, từ trước đến nay chưa có quyết định, biên bản nào của cơ quan chức năng giao cho xã quản lý. Qua các đoàn kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng thì xã mới biết được diện tích rừng bị phá là do xã quản lý. Mặt khác, từ trước đến nay, khu vực rừng bị phá này cũng không nằm trong diện tích cung ứng dịch vụ chi trả môi trường rừng.  

Nhiều diện tích rừng bị phá để trồng cà phê, hoa màu
Nhiều diện tích rừng bị phá để trồng cà phê, hoa màu

Bà H’Binh cho biết thêm, hiện nay, có tới hơn 85% dân số trên địa bàn là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thông qua các đợt tuyên truyền, phát động quần chúng, xã đã tuyên truyền, ký cam kết hàng năm với người dân về việc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế và tập quán phát rừng làm nương rẫy của bà con nên tình trạng phá rừng vẫn xảy ra. Hơn nữa, việc không có đất canh tác, đói nghèo, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra, người lao động ở các tỉnh trở về quê, không có thu nhập, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng như nói trên.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI