Hai mươi năm dạy kèm miễn phí

28/06/2020 - 13:03

PNO - Xuất thân từ cán bộ ngân hàng, sau đó, chuyển công tác về công ty thương nghiệp vốn không liên quan gì đến ngành sư phạm, thế nhưng, nghiệp giảng dạy lại “vận” vào bà Trần Thị Hạnh (phường 14, quận 6, TPHCM) suốt 20 năm qua.

102 cá nhân được biểu dương trong đại hội Thi đua yêu nước TPHCM là 102 câu chuyện đầy màu sắc. Có những thành danh, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng có nhiều lặng lẽ giúp ích cho đời một cách vô tư, cũng có những người sẵn sàng lao vào hiểm nguy mà quên mạng sống… Kết quả họ đạt được chỉ tóm tắt vài dòng trong bảng thành tích cá nhân nhưng công việc họ làm trong suốt 5 năm qua thì kể hoài không hết.

Bà Hạnh sinh năm 1957, hơn 30 năm trước bà về làm dâu quận 6. Miệt mài vừa đi làm công việc nhà nước, vừa chăm con, lo gia đình. Đến năm 2000, khi các con đã khôn lớn, vừa lúc Công ty Thương nghiệp Quận 11 giải thể, bà quyết định nghỉ để lo việc nhà. Có thời gian rảnh rỗi, bà tham gia công tác ở tổ dân phố, tổ phụ nữ địa phương. Rồi tình cờ bà trở thành cô giáo lúc nào không hay.

Cô giáo Trần Thị Hạnh rèn chữ cho học trò trong xóm nhỏ
Cô giáo Trần Thị Hạnh rèn chữ cho học trò trong xóm nhỏ

Bà kể: “Hồi đi làm thì chỉ biết cơ quan, rồi gia đình. Lúc đó ít biết chuyện bên ngoài xã hội nên nghĩ nhà nào cũng như nhà mình, vợ chồng đi làm, con cái đi học… Tới khi nghỉ việc ở nhà tôi mới phát hiện chuyện không phải vậy. Có nhiều gia đình không quan tâm đến việc học hành của con cái nên nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng. Rất thương”.

Lân la làm quen mọi người, bà Hạnh phát hiện còn rất nhiều đứa trẻ gần nơi mình sinh sống, đặc biệt là con em người Hoa đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì không theo kịp kiến thức ở trường. Bà nói, các em học yếu không phải vì kém thông minh hay lười biếng, mà bởi rào cản ngôn ngữ: “Chỉ vậy thôi, mà biết bao đứa trẻ đã bỏ học giữa chừng. Tiếc ơi là tiếc!”.

Xót đám trẻ phải vào đời sớm vì lý do lãng xẹt, bà Hạnh ghé từng nhà vận động các chị em cho con qua nhà bà kèm chữ giúp. Vậy mà cũng phải mời chào cả tháng trời. Khoảng giữa năm 2000, lớp dạy kèm miễn phí của bà Hạnh ở chung cư Tân Hòa Đông chính thức hoạt động.

Dù không viết được tiếng Hoa, nhưng bà nghe và nói được một ít ngôn ngữ này. Nhưng để trở thành cô giáo, bà phải mượn thêm giáo án của cô em dâu, vốn là giáo viên tiểu học để bắt chước soạn bài. Rồi bà học thêm kỹ năng đứng lớp, kèm cho các học sinh cấp tiểu học hai môn toán và tiếng Việt.

Lớp học ban đầu chỉ vài em, sau nhiều gia đình biết cô Hạnh nhà số C05.09 ở chung cư dạy kèm miễn phí đã gửi con đến học. Khi số học trò vượt hơn 20 em, bà Hạnh phải chia thành hai ca.

20 năm qua, đều đặn mỗi ngày hai ca (sáng và chiều), bà Hạnh miệt mài rèn chữ, rèn phát âm cho hàng chục em nhỏ. Thấy mẹ làm việc hay, các con bà Hạnh vui vẻ ủng hộ. Hai người con lớn động viên tinh thần, còn cậu con trai út Trần Mạnh Thành Hiếu (30 tuổi) thì tiếp bước mẹ luôn ở lớp tình thương.

Bà Hạnh chia sẻ: “Khi học trò của tôi “tốt nghiệp” (hết cấp tiểu học) thì lại chuyển sang lớp của thằng Hiếu để học kèm”.

Cô giáo Trần Thị Hạnh rèn chữ cho học trò trong xóm nhỏ - Ảnh: HẠNH CHI
Cô giáo Trần Thị Hạnh luôn dốc hết sức hết lòng cho học trò của mình

Không chỉ dạy chữ mà Hiếu và mẹ còn tư vấn, giúp học trò hết lớp 9 con đường vào đời. Em nào học tốt, sẽ tư vấn cho trẻ học lên cao với ngành nghề phù hợp ước mơ và năng lực. Em nào mong muốn sớm đi làm phụ giúp gia đình, bà tư vấn cho trẻ các trường trung cấp nghề. Nhà nào khó khăn quá, bà tìm xin giúp học bổng cho con, trợ vốn cho mẹ làm ăn, buôn bán…

Cứ vậy, hai mẹ con bà Hạnh đã giúp hàng trăm đứa trẻ không phải bỏ học giữa chừng. Nhờ lớp học tình thương cô Hạnh, nhiều người trưởng thành, học xong đại học, trường nghề, có việc làm ổn định.

Những ngày này, lớp học tình thương của cô giáo Trần Thị Hạnh ở chung cư 119B Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6 phải tạm nghỉ vì chung cư di dời, giải tỏa. Thế nhưng, đôi chân đang đau của bà chưa được nghỉ ngơi chút nào. Bà vẫn miệt mài gõ cửa từng nhà, trò chuyện với các chị em, thủ thỉ vận động mọi người cùng ủng hộ chủ trương di dời. Rồi nắm bắt khó khăn của người dân để đề xuất chính quyền địa phương giải quyết.

Hỏi bà sao cứ lặn lội hoài, bà cười thiệt hiền: “Cũng bởi thương thôi!”. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI