Hai lực cản bước tiến ngoại giao của Trung Quốc

04/05/2020 - 06:52

PNO - Chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc dường như đang chệch hướng bởi COVID-19 và những căng thẳng trên khu vực Biển Đông.

Dịch bệnh phá vỡ kế hoạch ngoại giao của Trung Quốc

Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đối tác nước ngoài là nền tảng của ngoại giao Trung Quốc năm 2019, với các chuyến thăm đến 13 quốc gia ở châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, cũng như tham gia ký kết 5 công ước quốc tế.

Đáng quan tâm nhất là thỏa thuận “ngừng bắn” ngắn ngủi giữa cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6/2019; hay chuyến thăm châu Âu vào tháng 3/2019 dẫn đến việc ký kết biên bản ghi nhớ với Ý - quốc gia G7 đầu tiên chính thức xác nhận dự án phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại cho Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một hạm đội của Hải quân PLA bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu và máy bay chiến đấu tham gia tập trận ở Biển Đông ngày 12/4/2018 - Ảnh: VCG/Getty
Một hạm đội của Hải quân PLA bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu và máy bay chiến đấu tham gia tập trận ở Biển Đông ngày 12/4/2018 - Ảnh: VCG/Getty

COVID-19, xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2019 tại Vũ Hán, hiện đã được kiểm soát và phiên họp của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) dự kiến sẽ diễn ra ngày 22/5. Nhưng đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng khắp thế giới, dẫn đến việc hủy bỏ hoặc hoãn một số cuộc họp cấp cao, bao gồm chuyến thăm của ông Tập đến Nhật Bản và chuyến thăm của 17 nhà lãnh đạo châu Âu đến Bắc Kinh vào tháng Tư.

Trung Quốc có kế hoạch biến năm 2020 thành “Năm châu Âu” với các cuộc họp chuyên sâu cùng Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận toàn diện trong đầu tư, chống biến đổi khí hậu và phát triển chung ở thị trường nước thứ ba. Bắc Kinh hy vọng các cuộc đàm phán đầu tư sẽ kết thúc vào tháng 9/2020, khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt tất cả các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU ở Leipzig, Đức. Nhưng tình hình hiện tại khiến kế hoạch khó diễn ra.

Một vấn đề khác đối với ngoại giao Trung Quốc là sự đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch COVID-19. Lu Xiang - chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Mỹ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cho biết, tuy có ít khả năng thực hiện các cuộc họp trực tiếp, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục liên lạc thông qua những cuộc điện thoại và hội nghị trực tuyến, nhưng hiệu quả có thể không như mong đợi.

Các nước láng giềng xa lánh

Trong lúc mối quan hệ với các nước phương Tây gặp nhiều trở ngại, lực lượng vũ trang Trung Quốc lại thực hiện vô số hành động hung hăng ở quy mô nhỏ chống lại các nước láng giềng.

Trên biển, các hoạt động đáng quan tâm của Bắc Kinh trong năm 2020 bao gồm: quấy rối tàu đánh cá và cảnh sát biển Indonesia vào tháng Giêng; một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản ở biển Hoa Đông ngày 30/3; tàu cảnh sát biển Trung Quốc va chạm và đánh chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa ngày 2/4; tiến hành diễn tập cùng thời điểm tàu khu trục của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 11/4; triển khai tàu sân bay Liêu Ninh qua eo biển Miyako ngày 13/4; gửi một tàu thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngày 16/4; thành lập các quận mới ở Biển Đông ngày 19/4; chính thức đặt tên các thực thể ở Biển Đông ngày 20/4; yêu cầu trục xuất một tàu Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông ngày 28/4; cho tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako một lần nữa ngày 28/4.

Theo nhận định của chuyên gia Ben Lowsen - cố vấn văn phòng Không quân Mỹ, kết hợp lại với nhau, những hành vi bất thường này cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chính sách “phô trương thanh thế”, giống như sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Bản chất hung hăng từ những động thái này đã kích động mạnh mẽ phản ứng tiêu cực từ các nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và cả Mỹ, Nga, khiến các mối quan hệ “hợp tác phát triển” mà Bắc Kinh mong muốn trở nên xa vời, và các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) rơi vào một tương lai vô định.

Nói cách khác, trừ phi Trung Quốc muốn thể hiện mình là một quốc gia độc đoán, các hành động hiện tại không hề giúp ích cho bàn cờ ngoại giao của Bắc Kinh ở thời điểm này.

Tấn Vĩ (theo SCMP, The Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI