Hà Nội trong mắt một người ly hương

15/10/2021 - 11:41

PNO - "Tay chơi" - tập tản văn của tác giả Mai Lâm vừa được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 14 - Vì tình yêu Hà Nội 2021. Tác phẩm mà theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Việt Hà, là “một kiểu kể như đùa nhưng rơm rớm lệ...”.

Tác giả Mai Lâm là nhạc sĩ, từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hiện định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức. Anh từng xuất bản nhiều tựa sách: Từ xa Hà Nội, Chỉ còn tuyết trắng, Xa rồi ngày xanh, Tên một giấc mơ, Bồng bềnh như có thể… Những trang viết đều có chung “sợi chỉ đỏ” là nỗi nhớ Hà Nội, cuộc sống nơi xứ người, cùng những tâm tư đau đáu về cuộc đời. Tay chơi (Nhà xuất bản Trẻ) là tập sách chứa đựng tất cả nội dung tinh thần ấy. “Một Hà Nội đẫm đầy” trong ký ức và thân phận, tâm hồn người Việt trên đất khách. 

Đối với thể loại tản văn, các tác giả thường dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất để kể chuyện, tâm tình. Nhưng Mai Lâm thì khác. Anh chọn ngôi thứ ba để kể, “tôi” được thể hiện qua hình ảnh một nhân vật tên Việt xuyên suốt tác phẩm. Từ Việt, góc nhìn soi chiếu ký ức của tác giả, trải đến hiện tại, về đời mình, đời người. Nỗi nhớ trong tâm thức của người ly hương không chỉ có từng ngõ nhỏ, góc phố, mà còn là những thăng trầm của một thế hệ thanh niên phố cổ lớn lên từ nơi sơ tán, trưởng thành trong chiến tranh, đi và trở về, cho đến khi tóc bạc.

Những chàng trai trong ký ức ấy cũng thật đặc biệt, đều là dân trường nhạc họa, vừa mang nét “thanh lịch Tràng An”, lại vừa lãng tử phong lưu và có cả những phần lập dị của người làm nghệ thuật. Nhưng cũng chính thế hệ ấy, đã trải qua một giai đoạn đầy khó khăn của đất nước, đã lên đường chiến đấu vì độc lập tự do; rồi bôn ba theo cuộc mưu sinh xứ người, cho đến khi ký ức được gửi vào trang viết thì ngoảnh lại như một cái chớp mắt, người cũng đã già…

Gọi là tản văn, nhưng cách thể hiện của tác giả cũng như một truyện ngắn, chứa đựng sức nặng của số phận, qua một thời đại và thể hiện rất rõ tư tưởng, phong cách người viết. Tác giả thậm chí nhân hóa đồ vật để cất tiếng thay cuộc độc thoại của chính mình. Văn chương nam tính, đôi lúc giễu nhại và không có trang viết nào ủy mị, kể cả khi viết về nỗi buồn. Tác giả thậm chí không dùng tính từ để nói về mất mát, nhưng luôn có thể khiến người đọc cay mắt. Như trong bài Cờ bạc gạo, kể về chuyện chơi của tuổi thơ nghèo khó, đánh khăng, bắn bi hoặc chơi đồng xèng - là nắp bia đập dẹt. Tưởng chừng là một cuộc chơi của trẻ con thời bao cấp, nhưng chỉ cần một câu kết, đã nói hết thân phận của cậu bé là “đối thủ” của cả nhóm: “Nhà nó ngoài đê. Mẹ chết lâu rồi, bố thì ốm. Nó bán xèng nuôi hai em nó”.

Hạng mục Tác giả - tác phẩm của giải thưởng, ngoài Tay chơi của Mai Lâm, hai đề cử còn lại là cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967-1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt (Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế Giới), bộ sách Thăng Long kinh kì - Kẻ chợ của Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng (Nhà xuất bản Kim Đồng).

Hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội có ba đề cử: dự án “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo”, ý tưởng “Xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh”, và đồ án “Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng”.

Hạng mục Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội gồm các đề cử: cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, cuộc thi vẽ “Hà Nội là...” cùng chuỗi hoạt động của dự án Hà Nội Rethink, Chiến dịch tiêm vắc-xin tại Hà Nội. Ngoài ra, còn có một giải thưởng lớn sẽ được công bố tại lễ trao giải, dự kiến diễn ra trong tháng 10/2021. 

 

Hoặc trong bài Phúc què - viết về một người bạn không may và cô đơn cho đến khi qua đời, có đoạn kể trộm trèo tường vào mà ông chủ nhà mời cơm mời rượu, lại còn bảo “thằng trộm” lần sau đến nữa. Những đêm giao thừa, bên ngoài người người vui pháo hoa, thì trên căn gác một ngôi nhà gần hồ Gươm, có người nghệ sĩ cô đơn viết những dòng trạng thái trào lộng, và đăng ảnh “khi là một vị hoàng đế, lúc lại là một cao bồi Texas”, mà tất cả ảnh đều dùng kỹ xảo máy tính để ghép cho thân dưới lành lặn…

Khi viết về một vùng cố hương mà kể chi tiết về những thân phận, có nghĩa là ký ức ấy đã rất sâu sắc, đã đầm trong tim. Tay chơi của Mai Lâm là những trang viết như thế. Hà Nội của gần nửa thế kỷ trước và bây giờ hiển hiện trong mạch ngầm thương nhớ của tác giả, và trên những thân phận, cốt cách của người Hà thành. Nhà văn Đỗ Phấn nhìn nhận: “Tay chơi đã gần như chạm được vào cái cốt lõi phẩm cách đàn ông ở đất này. Có thể nó đã làm sống dậy cả một Hà Nội thời quá vãng. Hà Nội của một thời thương khó nhưng đầy lạc quan, hào hùng”. 

Gọi “tay chơi” vì sự sành điệu của những chàng trai phố cổ lẫn sở thích sưu tập rất nghệ sĩ - dù tự nhận mình nghèo - của Mai Lâm. Anh sưu tập mặt nạ của các bộ lạc thổ dân châu Phi, tranh, tượng, đồng hồ và cả những chiếc radio cũ. Những món đồ cổ biết “kể” về lịch sử - văn hóa của từng vùng đất. “Tay chơi” còn là vì “nghệ sĩ tính” trong tâm hồn của các chàng trai trường nhạc và trường mỹ thuật: Châu sầu, Hoàng, Thành, Viễn, Việt…

Ẩn trong những trang viết tưởng chừng hài hài, giễu nhại ấy, lại là những đau đáu về cuộc đời, về hiện thực ngổn ngang trước đời sống hiện tại. Mai Lâm gửi nỗi nhớ vào chữ và nâng niu ký ức như cách anh đã “nhốt” pho tượng gỗ hoàng đàn quý giá nơi xứ người, để được lưu giữ mãi mùi hương nồng nàn của một loại gỗ đã không còn để khai thác nữa. Đó như là mùi của thương nhớ, của ký ức và của cố hương… 

Cầm Thi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI