"Godzilla": Phía sau một quái thú

10/04/2021 - 14:47

PNO - Sau gần 70 năm kể từ ngày Godzilla ra đời, người ta bước ra khỏi rạp chiếu cùng tràng vỗ tay và cảm giác hân hoan khi được mãn nhãn trước kỹ xảo công nghệ. Không ai còn nhớ đến ý nghĩa bi thương đằng sau Godzilla.

Quái thú không thể trở về

Năm 1954, điện ảnh thế giới chấn động với sự xuất hiện của quái thú Godzilla, do Ishiro Honda đạo diễn và hãng Toho của Nhật Bản sản xuất. Nội dung phim kể về một sinh vật cổ đại đột biến do nhiễm chất phóng xạ, mang hình dạng lai giữa khỉ đột và cá voi, kích thước vô cùng to lớn, trồi lên từ đại dương và tấn công thành phố Tokyo. Không chỉ có kích thước khổng lồ, Godzilla còn sở hữu sức mạnh kinh hoàng, phun ra những tia lửa có sức hủy diệt không khác gì sức mạnh của bom nguyên tử. 

Chưa bao giờ hãng Toho đưa ra tuyên ngôn nào về ẩn ý phía sau hình tượng quái thú Godzilla, ngoài việc đó là hiện thân cho sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên đối với các hành vi của con người, nhưng Godzilla vẫn được mặc định cho cảm xúc của người Nhật sau sự kiện Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, biến hai thành phố này thành tro bụi vào năm  1945. Trong một lần được hỏi, Watanabe Akira - người phụ trách tạo hình Godzilla của phim - đã thừa nhận cấu trúc da của quái thú được lấy cảm hứng từ vết sẹo lồi của những người sống sót ở Hiroshima. 

Một bức tượng Godzilla khổng lồ ở Nhật Bản
Một bức tượng Godzilla khổng lồ ở Nhật Bản

Thảm họa hạt nhân đã hoàn toàn thay đổi đất nước, con người Nhật Bản và Godzilla mang tâm tư của họ sau chiến tranh. Nhật từng là một đất nước hùng cường, bị yếu đi do bom nguyên tử. Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng đánh thức con “quái thú” trong họ, để một ngày họ sẽ vùng lên và chế ngự cuộc chơi. 

Người Nhật, sau những khoảnh khắc chiêm ngưỡng và tự hào trước tạo hình, kỹ xảo không thua bất kỳ quốc gia phương Tây nào, bước ra khỏi rạp chiếu cùng nước mắt. Vết thương mà hai quả bom nguyên tử ở Chiến tranh thế giới thứ hai để lại còn quá mới, nhiều đứa trẻ ngày nào vẫn còn thét lên tìm mẹ trong giấc ngủ mỗi đêm và rất nhiều người khác sống một cuộc đời không bằng chết do nhiễm chất phóng xạ.

Người Nhật Bản yêu thích Godzilla đến nỗi những bức tượng vàng mô phỏng quái vật do một công ty kim hoàn Nhật sản xuất, cao 24cm và nặng 15kg được bán với giá 150 triệu yen (1,48 triệu USD) nhưng vẫn có rất nhiều người đặt mua. 

Mọi khái niệm về hàn gắn thế giới, gác lại quá khứ để hướng tới sự tái thiết, ở thời điểm đó, không đủ để nhiều người Nhật bớt ám ảnh và đau đớn. Và, hình ảnh con quái thú đen đúa hủy diệt mọi thứ trên đường nó đi qua bằng hơi thở chứa đầy chất phóng xạ - ẩn dụ cho bom nguyên tử - nhắc họ về sự mất mát vĩnh viễn của mình. 

66 năm sau ngày Hiroshima và Nagasaki hóa thành tro bụi, năm 2011, trận động đất đổ vào Fukushima đã cướp đi gần 20.000 nhân mạng. Một lần nữa trái tim người Nhật tan nát trước sự hủy diệt không thể kháng cự. Sức mạnh đem đến tang thương vĩnh viễn ấy cũng trồi lên từ đại dương, khiến người ta không thể không liên tưởng đến quái thú Godzilla như đã từng. Chưa hết, 160.000 người dân Fukushima ngoài mất đi người thân còn phải rời bỏ làng mạc ra đi vì nỗi lo nhiễm xạ. Trận động đất không chỉ biến Fukushima thành đống đổ nát trong chớp mắt mà chấn động đó còn khiến nhà máy Fukushima Daiichi bị rò rỉ năng lượng hạt nhân ra môi trường. 

Godzilla trong phiên bản điện ảnh năm 1954
Godzilla trong phiên bản điện ảnh năm 1954

Sau sự kiện sóng thần, nhiều người Nhật đã nghĩ mình không còn có thể bước vào rạp và tìm sự mãn nhãn từ quái thú lần nữa. Vì như Toshi Takahashi, giáo sư văn học tại trường đại học Wasede ở Tokyo, chia sẻ: “Mỗi bộ phim về Godzilla đều khiến khán giả tự chất vấn bản thân. Thế nên, người Nhật chúng tôi cần thêm một khoảng thời gian nữa, nhất là sau vụ Fukushima”.

5 năm sau, hãng Toho mới mang Godzilla trở lại (phim Shin Godzilla - năm 2016), lồng vào đó là thông điệp chỉ trích chính phủ Nhật Bản đã quá chậm chạp trong việc xử lý thảm họa kép động đất, sóng thần, hạt nhân ngày nào. 

Khi sản phẩm hư cấu trở thành công dân danh dự 

Ngay khi xuất hiện, Godzilla đã giành được danh hiệu “vua của các loài quái vật”, cũng là sinh vật mở đầu cho “vũ trụ quái thú” của điện ảnh thế giới. Cho đến nay, Godzilla đã có tổng cộng 36 lần xuất hiện, bao gồm cả phim Godzilla vs Kong đang khuấy đảo phòng vé thế giới. 

Tuy nhiên, Godzilla hiện tại đã đi một quãng khá xa so với ban đầu. Từ việc hiện thân cho cơn phẫn nộ của mẹ thiên nhiên trước hành vi của con người liên quan đến môi trường, Godzilla đi dần đến biểu tượng cho cuộc chạy đua thương mại của các ông lớn Hollywood. Từ việc các quái thú là "những sinh vật tội nghiệp.

Chúng sinh ra quá to lớn, quá mạnh mẽ, quá nặng nề, chúng đâu có chọn trở nên xấu xa. Đó là bi kịch của chúng” như điều mà đạo diễn Ishiro Honda xây dựng, Godzilla giờ gần như là kẻ hủy diệt đơn thuần. Và, một cách nào đó, có lẽ từ khi không còn chỉ là sản phẩm của điện ảnh Nhật Bản mà có sự vào cuộc của Legendary Entertainment và Warner Bros của Hollywood, Godzilla không còn là sản phẩm của riêng nghệ thuật thứ bảy nữa mà bước vào đời thực, hiện diện khắp nơi.

Hiện Godzilla đang có cuộc đại chiến với một quái thú đáng gờm khác trong “vũ trụ quái thú” là Kong (phim Godzilla vs Kong) ngoài rạp chiếu trên toàn thế giới
Hiện Godzilla đang có cuộc đại chiến với một quái thú đáng gờm khác trong “vũ trụ quái thú” là Kong (phim Godzilla vs Kong) ngoài rạp chiếu trên toàn thế giới

Cũng như, quái thú này không còn là biểu tượng thuộc về người Nhật nữa mà đã là biểu tượng văn hóa đại chúng toàn cầu. Godzilla xuất hiện trong trò chơi, tiểu thuyết, truyện tranh, chương trình truyền hình, bảo tàng… và rất nhiều sản phẩm công nghiệp hữu hình về Godzilla bán rất chạy trên thế giới. 

Năm 1996, quái thú hư cấu vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh này giành được giải thưởng Thành tựu trọn đời MTV. Tám năm sau đó, năm 2004, Godzilla được trao một ngôi sao trên Đại lộ danh vọng Hollywood, như một ghi nhận về sự đóng góp to lớn và tầm ảnh hưởng vượt khỏi các khung hình của mình.

Nhiều người cho rằng khi xây dựng hình ảnh Godzilla, đạo diễn Ishiro Honda đã có chút nào đó liên tưởng đến… chính mình. Vị đạo diễn này cao 1,8m - chiều cao khủng so với thể trạng người Nhật vào thời điểm ấy. Cũng như Godzilla, ông “khổng lồ” một cách không thể lựa chọn và cô đơn vì điều đó. 

Đặc biệt nhất, năm 2015, Godzilla trở thành công dân danh dự của Nhật Bản, sống tại quận Shinjuku. Lễ đón nhận công dân mới do đích thân Thị trưởng quận Shinjuku là Kenichi Yoshizumi chủ trì, với sự tham dự của đông đảo người dân quận, từ trẻ em tới người trưởng thành. Trong giấy chứng nhận “quốc tịch” của Godzilla ghi rõ: “Họ tên: Godzilla. Địa chỉ: Shinjuku-ku, Kabuki-cho, 1-19-1. Ngày sinh: 9/4/1954. Lý do cư trú: Quảng bá ngành giải trí, trông coi vùng Kabuki-cho và thu hút khách du lịch toàn cầu. Số lần đến quận Shinjuku trước kia: 3 lần - Godzilla (1984), Godzilla & King Ghidorah (1991), Godzilla 2000 Millennium (1999)”.

Vào ngày chào mừng sự ra mắt của công dân mới, 30/5/2015, văn phòng quận phân phát 3.000 giấy chứng nhận quốc tịch của Godzilla đến các fan. Sự kiện cũng trở thành niềm hân hoan của người dân khắp xứ sở mặt trời mọc. Một người dân ở Tokyo hài hước viết trên trang cá nhân: “Chào mừng cậu. Chúng tôi tha thứ cho cậu tội phá hủy thành phố của chúng tôi trước đây”; một công dân của Shibuya thì viết trên Twitter: “Chúc mừng gã khổng lồ! Đến lúc rồi đấy”… 

Trailer phim Godzilla vs. Kong:

 

 

Dường như trong không ít người Nhật, Godzilla không phải là một nhân vật hư cấu. Người ta tin rằng sinh vật này có thật và đang tồn tại dưới lòng đại dương sâu thẳm, chờ được đánh thức. Cũng đâu đó trong trái tim người Nhật, Godzilla là niềm tự hào, là lời cảnh báo trong cách ứng xử với môi trường nhưng cũng là sự nhắc nhớ về nỗi đau từ năng lượng hạt nhân hiện vẫn còn di chứng. 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI