Ghét của nào trời trao của ấy

10/05/2016 - 07:19

PNO - Em không nhớ mình phải học cách im lặng trước anh từ bao giờ. Có thể là từ ngay sau khi về sống chung.

Những yêu thương chiều chuộng bắt đầu ít dần. Cái tôi của mỗi người bộc lộ. Em không ngại ngần nhìn nhận để cảm thông và đã nỗ lực thay đổi không ít để có thể hòa hợp với anh. Nhưng có những điều thực sự ngoài sức tưởng tượng của em.

Người ta nói “ghét của nào trời trao của ấy” quả không sai. Em sợ nhất kiểu đàn ông tủn mủn, lúc nào cũng chỉ chăm chăm moi móc đủ thứ vụn vặt để càu nhàu, mà quên đi những điều tốt đẹp khác quanh mình. Em thật sự ngộp thở. Từng thứ vụn vặt chất thành đống đã dần thu hẹp không gian sống của chúng ta. Em coi chúng như thứ rác thải vô hình đang hiện hữu mỗi ngày.

Quanh đi quẩn lại nhìn đâu cũng thấy anh ghim sẵn vào đó vài ánh nhìn xét nét. Đôi khi em đã phải nín thở để có được những ngày lặng gió. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc đã dạy cho em biết nhường nhịn để đánh đổi sự yên ấm cửa nhà. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là em đang phải chịu đựng anh. Cuộc hôn nhân này sẽ đến đâu nếu một ngày nào đó em kiệt sức?

Sáng nay, dù rất mệt mỏi sau một đêm đau nhức khắp người không ngủ được, nhưng em vẫn cố gắng dậy sớm nấu ăn sáng để uống thuốc. Chỉ vì lỡ tay nấu nhiều mì quá, vợ chồng không ăn hết mà anh đã mắng em những lời thật nặng nề. “Em làm gì cũng không biết lo liệu. Lúc nào cũng chưa ăn đã sợ thiếu. Cứ như em rồi chẳng có gì đổ vào mồm”. Nói xong anh quạu quọ đá thúng đụng nia. Em không rõ nguyên nhân chính của những lời bực tức ấy có phải do nồi mì thừa hay còn vì một lý do nào khác mà nhất thời em chưa nhận thấy. Nhưng, bấy nhiêu cũng đủ làm em rơi nước mắt tủi hờn khi một lần nữa nhận ra chồng mình quá nhỏ mọn.

Em tuy vụng về thật nhưng đâu đến mức không biết tính toán lo toan. Nếu có quá tay một chút thì lần sau sẽ biết đường mà cân đối lại. Em cũng chẳng phải là kẻ chỉ biết tiêu mà không biết kiếm tiền. Sao chỉ vì chút mì thừa mà sáng sớm đã mang nhau ra đay nghiến? Nó đáng gì so với một cuộc nhậu của anh? Đáng gì so với tiền anh thường dấm dúi cho mấy đứa em ở quê, dù chúng đã đi làm và có thể tự lo liệu cho bản thân.

Ghet cua nao troi trao cua ay
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ấy vậy mà anh vẫn so đo, tính toán từng tí với vợ. Sắp hết mùa lạnh em còn mua áo rét làm gì? Chỉ là đôi dép đi dưới chân thôi có cần phải mua cho đẹp? Nhà có nước nóng lạnh sao em không tự gội đầu? Mỗi lần ra tiệm mất vài chục ngàn, tháng vài lần cũng đủ để đóng tiền điện. Đến cả việc mua thuốc bổ cho con anh cũng bảo “việc quái gì phải mua loại đắt”. Người ta dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con, từ việc mua trái cây nhập ăn cho an toàn đến việc xin cho con học trường tử tế, nhưng anh thì không, cứ cái gì càng rẻ càng tốt, bớt được đồng nào hay đồng ấy. Tằn tiện như anh mà em thấy chúng mình cũng đâu có giàu lên, chỉ thấy đời sống tinh thần ngày một nghèo nàn đi thôi.

Hôm cả nhà đi tàu về quê, lúc gửi xe máy lên tàu nhìn nhân viên nhà ga hút cạn bình xăng để tránh cháy nổ, anh bực tức quát em trước mặt bao nhiêu người: “Ai bảo em đổ nhiều xăng thế hả? Thế là mất đến mấy lít xăng”. Rồi suốt đường đi anh không thôi càu nhàu về mấy chục ngàn tiền xăng, bỏ mặc em lếch thếch vừa bế con vừa xoay xở với cả đống đồ lỉnh kỉnh.

Đã có lần em từng nói với anh, làm đàn ông thay vì ngồi “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”, tính toán từng đồng một, anh hãy dành thời gian nghĩ ra cách kiếm nhiều tiền để vợ con mình được sống thoải mái hơn. Em im lặng không chỉ đơn giản là cố gắng chịu đựng anh, mà còn có nghĩa là em coi thường cách hành xử của anh. Nếu anh không thay đổi, em sợ một ngày nào đó chính các con cũng coi thường bố. Xin anh làm ơn hãy cư xử như một người đàn ông rộng lượng, đừng giày vò em bằng những tủn mủn đời thường thêm nữa…

Bùi Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI