Gai của hoa hồng

21/01/2020 - 23:43

PNO - Trong những con số, tỷ lệ “hoa hồng” như EU và Việt Nam sẽ giảm thuế đối với hàng hóa của nhau lập tức và sau 10 năm EVFTA có hiệu lực, tôi lại nhìn thấy "gai”.

Sáng 21/1, theo giờ Bỉ, chiều 21/1, theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam ( EVFTA).

Với kết quả 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 5 phiếu trắng, điểm nhìn đồng thuận Việt Nam trong các thành viên INTA là áp đảo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc EU đã nhìn nhận và thừa nhận sức bật, độ mở của thị trường Việt Nam, thậm chí  "EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển" - như chính EU tự nhận định.

Những lá phiếu đồng thuận đủ để xua tan những lo âu, đánh bạt những nghi ngờ và phủ quyết những bất đồng trong “gieo rắc’’ thông tin.

Hơn thế, những lá phiếu đồng thuận chính thức mở ra cơ hội và điều kiện công bằng cho cả hai đối tác thương mại.

Với EU, gia tăng mức độ và phạm vi của chiến lược kinh tế tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, thông qua Hiệp định thương mai tự do với Việt Nam, cùng lúc đang khởi động đàm phán thỏa thuận tương tự với các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, đã cho thấy sự lựa chọn chiến lược của EU cũng như chiến thuật thúc đẩy tiến trình thực thi trong nội khối.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và trong lộ trình 10 năm tiếp theo, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của nhau, mở rộng cơ hội giao thương cho cả hai phía
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và trong lộ trình 10 năm tiếp theo, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của nhau, mở rộng cơ hội giao thương cho cả hai phía

Với Việt Nam, là gia tăng chất lượng và phạm vi hội nhập kinh tế quốc tế sâu - rộng, là bước đầu của tiến trình gia nhập thị trường khu vực - quốc tế ở cấp độ cân bằng, cả về nguyên tắc lẫn thực tiễn vận hành, lưu thông, phân phối...

Điều đáng lưu tâm, một khi cán cân thỏa thuận không được đảm bảo, có khả năng chơi trò bập bênh thì một sớm một chiều, cơ hội chính là thách thức, thách thức hóa thành... rủi ro ngay trước mặt.

Vì vậy, trong những con số, tỷ lệ “hoa hồng” như EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được xóa thuế trong 7 năm tiếp theo; Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU, phần còn lại sẽ xóa thuế trong 10 năm tiếp theo... tôi lại nhìn thấy "gai”.

Đó chính là hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu vào EU vốn có tiêu chuẩn cao - với hầu hết các quốc gia - lại rất cao và quả là khắt khe với thực tế, "tập quán" thị trường tại Việt Nam. Là quy tắc xuất xứ hàng hóa, nguồn nguyên liệu sản xuất phải được đảm bảo minh bạch, an toàn, chất lượng. Là tuân thủ nghiêm ngặt ở cấp độ pháp lý về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường.

Tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa vào châu Âu vẫn rất cao, là thách thức lớn đối với các sản phẩm Việt
Tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa vào châu Âu vẫn rất cao, là thách thức lớn đối với các sản phẩm Việt

Thử tiếp cận mảng sở hữu trí tuệ, ngay như thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 1 vừa được ký vào ngày 15/1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump vẫn đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nên nhớ, với cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, Mỹ đã châm ngòi cho cuộc thương chiến kéo dài hai năm qua.

Với Việt Nam, chúng ta không mơ màng để làm "kẻ ngoài cuộc" thậm chí, nhận thức và thực thi luật sở hữu trí tuệ là một điểm yếu, điểm nghẽn của cộng đồng doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Việt, trong khi công cụ pháp lý kiểm soát của Nhà nước lại quá lỏng lẻo.

Một ví dụ dễ hiểu nhất, cũng là sự tự phát hiện dễ thấy nhất, đó chính là thói quen xài chùa các phần mềm nghe nhạc, tải “lậu” các bộ phim, đăng ký mua bản quyền dường như là một lối ứng xử… sang chảnh xa lạ!

Hoặc trong lĩnh vực lao động, Việt Nam vốn đã đạt được nhiều tiến bộ trong đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như bảo đảm môi trường lao động an toàn, tích cực. Tuy nhiên, sức tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt những ngành gia công vốn là ưu thế của Việt Nam vào trong tình thế bị tổn thương rất cao. Trong đó, theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Việt Nam là quốc gia chịu rủi ro cao nhất trong khu vực về nguy cơ mất việc do tự động hóa trong sản xuất mang lại.

Công nghệ số với kỹ thuật tự động hóa bậc cao là một nhẽ, phần còn lại, khả năng lẫn kỹ năng người lao động Việt Nam cũng chưa/không đáp ứng nổi đòi hỏi của thị trường sử dụng, dẫn tới sự thiếu hụt và mất cân đối thị trường lao động nội địa, cũng là một điểm trừ trong quá trình thực thi Hiệp định.

Một tín hiệu vui, khai mở năm 2020; cũng là "cánh én” cho những ngày giáp xuân Canh Tý. Chỉ là trong khi cùng nhau nâng chúc “ly rượu mừng”, vẫn không quên nhắc nhau một lời ân cần rằng, “Xưa mẹ ru cho ta ngủ yên lành/ để khôn lớn ta hát bài đánh thức/ có lẽ nào người lớn cứ ru nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt” (Nguyễn Duy)...

EVFTA là một hành trình bắt đầu từ kết quả.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI