G7 gợi ý Nga quay lại hợp tác, sẽ bỏ cấm vận?

11/04/2016 - 07:05

PNO - Việc EU đặt ra hai điều kiện để Nga có thể quay trở lại G8 là sự gợi ý của lãnh đạo nhóm này muốn mời Nga quay lại hợp tác.

G7 xem xét khả năng Nga quay trở lại

Mới đây, Ngoại trưởng Đức vừa cho biết, các nước thành viên Nhóm các nước phát triển G7 sẽ xem xét lại khả năng đưa Nga quay trở lại nhóm này.

Trả lời tờ Zeit của Đức, ông Steinmeier cho biết: “Không có các xung đột quốc tế lớn nào được giải quyết mà không có sự tham gia của Nga. Trong một năm tới, nếu Nga có thể duy trì vai trò này, đồng thời đáp ứng được các điều kiện mà G7 đưa ra, thì Nga hoàn toàn có thể quay trở lại nhóm".

Phát biểu trước thềm hội nghị ngoại trưởng G7 tại Hiroshima Nhật Bản, ông Steinmeier cũng bày tỏ hy vọng các cường quốc sẽ tạo điều kiện để Nga nhanh chóng trở lại nhóm G8.

G7 goi y Nga quay lai hop tac, se bo cam van?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Trước đó, vào tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - đang giữ cương vị chủ tịch nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ - vừa tuyên bố ông muốn đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin quay lại bàn hội nghị để khôi phục khuôn khổ G8. Lý do là Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay.

“Chúng ta cần sự tham gia mang tính xây dựng của Nga. Là chủ tịch G7, tôi cần tìm những giải pháp để đem lại sự ổn định của khu vực và thế giới. Điều quan trọng là có cuộc đối thoại thích hợp với Nga và Tổng thống Vladimir Putin ” - Thủ tướng Abe cho biết.

Ông Abe công bố ý định sẽ đến Moscow trên tư cách chủ tịch G7 hoặc mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Tokyo. Ông Abe đã thể hiện rõ rằng ông muốn làm việc với tổng thống Putin.

Trước đây, vào năm 1999, Nga gia nhập nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Italy, Pháp, Canada và Anh, để G7 đổi thành G8.

Đến năm 2014, trước vấn đề liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, khi Nga đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G8, các nước trong khối đã quyết định tẩy chay hội nghị thượng đỉnh của nhóm này dự định được tổ chức ở Sochi, Nga để phản đối quyết định sáp nhập Crimea của Nga.

G7 goi y Nga quay lai hop tac, se bo cam van?
Các nhà lãnh đạo G7 họp tại Hague mà không có sự tham gia của Nga (ảnh: Reuters)

Sau đó, lãnh đạo các nước này đã quyết định họp hội nghị thượng đỉnh G7 ở Brussels mà không có sự tham gia của ông Putin, biến G8 quay trở lại thành G7 như trước khi kết nạp Nga vào năm 1998.

Các thành viên G7 tuyên bố không muốn ngồi cùng với Nga chừng nào Moscow chưa thay đổi chính sách về Crimea (trao trả Crimea cho Ukraine).

Nga lật ngược tình thế

Tuy nhiên, sau việc giải quyết xung đột tại Syria, Nga được đánh giá là đã thay đổi trật tự thế giới mới. Lãnh đạo Nga được săn đón, ông Putin đã gặp gỡ song phương với lãnh đạo hầu hết các cường quốc thế giới.

Trong một bài bình luận đăng trên Financial Times hôm 6/4, ông Eugene Rumer, giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á của Quỹ Carnegie đồng thờ là cựu nhân viên Ủy ban Tình báo Quốc gia Mỹ, cho rằng ý nghĩ Nga đã rút khỏi vũ đài quốc tế là sai lầm và rằng quyết sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm thay đổi trật tự thế giới.

Theo ông Rumer, giới chức Nga không còn chỉ đơn thuần theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế và coi đó là cách duy nhất để duy trì chế độ.

Cựu quan chức tình báo Mỹ nhấn mạnh, Nga đã “trở lại Trung Đông” và rằng vấn đề của khu vực này có lẽ sẽ không thể giải quyết nếu không có cả sự phối hợp của Nga. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, điều đó không có nghĩa là Nga đang theo đuổi một thời kỳ phiêu lưu quân sự mới, bởi “ông Putin đến gần với lằn ranh đỏ của NATO nhưng không vượt qua nó”.

G7 goi y Nga quay lai hop tac, se bo cam van?
Vị thế của Nga ngày càng được nâng lên, nhất là từ sau việc can thiệp quân sự tại Syria.

Từ việc vị thế được nâng lên rõ rệt, mối quan hệ giữa Nga - NATO và Mỹ đã có những cải thiện đáng kể. Tong một cuộc phỏng vấn tại Washington vào hôm 6/4, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối quân sự này đang tìm cách đàm phán với Nga nhằm giảm thiểu những bất đồng trong thời gian qua.

Ông Stoltenberg khẳng định rằng, NATO đang tìm cách thảo luận với Nga nhằm nối lại hoạt động của hội đồng Nga – NATO: “Hội đồng Nga – NATO chưa hề bị đình chỉ. Vấn đề là chúng tôi không hợp tác trên các hành động thực tế nhưng đối thoại chính trị thì vẫn tiếp tục. NATO không tìm cách đối đầu với Nga. Chúng tôi sẽ tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới và trông cậy vào việc đàm phán với Nga”.

Tổng Thư kí Stoltenberg đã có những lời nói nhẹ nhàng hơn về Nga khi cho rằng, Moscow không phải mối đe doạ thực sự với khối đồng minh hiện nay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI